Không ban hành được đơn giá xử lý chất thải do nhiều hạng mục liên quan chưa có định mức

Nhiều công tác, hạng mục liên quan hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thắn rắn sinh hoạt (CTRSH) chưa có định mức nên UBND cấp tỉnh không ban hành được đơn giá.

Các phản ánh trên được đại diện Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) đưa ra tại Toạ đàm “Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thắn rắn sinh hoạt” được Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức ngày 3/6/2022.

Công tác xây dựng giá, đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Giá, đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH – cơ sở để cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công:

Theo tham luận của HEPCO, đơn giá các công tác liên quan đến dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành tại Quyết định số 2239/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 (ban hành bộ đơn giá dịch vụ công ích đô thị). 

Cơ sở xây dựng đơn giá được căn cứ vào Thông tư số 06/2008/TT-BXD ngày 20/3/2008 của Bộ Xây dựng; Thông tư số 26/2015/TT-BLĐTBXH ngày 14/7/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Quyết định số 924/QĐ-UBND ngày 06/5/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc quy định hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh (bằng 50% hệ số quy định tại Thông tư số 26/2015/TT-BLĐTBXH).

Giá đầu vào được tính dựa trên: Chi phí nhân công tính theo tiền lương cơ sở (1.210.000đ/tháng); giá xăng (12.696 đồng/lít), Diesel (8.795 đồng/lít).

Triển khai thực hiện Thông tư số 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị; UBND tỉnh đã ban hành công văn số 7303/UBND-XD ngày 27/9/2018 về việc hướng dẫn áp dụng Quyết định 2239/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, theo đó quy định tỉ lệ chi phí chung áp dụng đối với dự toán dịch vụ công ích tỉnh Thừa Thiên Huế bằng 53% chi phí nhân công trực tiếp; đối với khối lượng công tác dịch vụ công ích đô thị có chi phí sử dụng máy và thiết bị > 60% chi phí trực tiếp thì chi phí quản lý chung được tính bằng 2,34% chi phí sử dụng xe máy và thiết bị; lợi nhuận định mức 3,5% (thấp hơn mức quy định của Thông tư).

Đối với giá dịch vụ xử lý CTRSH, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 589/QĐ-UBND ngày 26/3/2014 Phê duyệt đơn giá xử lý rác thải đô thị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (áp dụng đối với công nghệ có tỉ lệ chôn lấp nhỏ hơn 10%). Chưa ban hành giá dịch vụ xử lý CTRSH bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh (chỉ ban hành đơn giá chôn lấp rác trong bộ đơn giá dịch vụ công ích).

Giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH áp dụng thu tiền đối với tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt:

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 94/2017/UBND-QĐ ngày 15/11/2017 quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/02/2014 của Bộ Tài chính về Quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ. 

Một số tồn tại, hạn chế

Giá, đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH

Về mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí: Nhiều công tác, hạng mục liên quan hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH chưa có định mức nên UBND cấp tỉnh không ban hành được đơn giá. Thí dụ: Việc cơ giới hóa xe gom rác đẩy tay giúp giảm nặng nhọc, độc hại và an toàn hơn trên các tuyến đường, kiệt dốc; thực hiện thu gom các tuyến đường dốc mà xe gom thủ công không đẩy lên được, đáp ứng nhu cầu đổ rác của các hộ dân khu vực đồi dốc được nhiều địa phương thực hiện nhưng chưa có định mức nên phải vận dụng đơn giá duy trì vệ sinh ngõ xóm (thu gom rác thủ công) để thực hiện; Tên công việc không phù hợp với thành phần công việc nên không thể áp dụng được.

Đơn cử như công tác vận chuyển rác sinh hoạt bằng xe ép rác kín (hooklip) – mã công tác MT2.03.00: Tên công tác là xe ép rác kín, trong khi đó thành phần công việc lại ghi “khi rác được xúc đầy lên xe, vun rác gọn trên xe, phủ bạt kín trước khi chạy”; Hoặc công tác không đầy đủ hạng mục công việc nên đơn giá không đầy đủ chi phí. Thí dụ như: Định mức xử lý chôn lấp rác chỉ có công tác sản ủi, không có định mức công tác xử lý nước rỉ rác và thi công lớp phủ để đóng cửa ô rác chôn lấp. Do đó, đơn giá ban hành chưa bao gồm chi phí xử lý nước rỉ rác và thi công lớp phủ buộc doanh nghiệp phải lấy lợi nhuận công tác thu gom, vận chuyển bù cho chi phí công tác xử lý rác hoặc phải tự ban hành đơn giá dịch vụ tính đúng, tính đủ chi phí theo hướng dẫn tại Thông tư 07/2017/TT-BXD ngày 15/5/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH để áp dụng riêng cho các đơn vị, doanh nghiệp hợp đồng công đoạn xử lý rác. Điều này dẫn đến thắc mắc do có 2 đơn giá xử lý rác bằng hình thức chôn lấp.

Năm 2019 Bộ Xây dựng đã rà soát để điều chỉnh, bổ sung định mức và đã dự thảo công bố định mức. Tuy nhiên Luật BVMT 2020 quy định: “Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt;”, như vậy trách nhiệm ban hành định mức này thuộc về Bộ TN&MT, nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. 

Về xây dựng, điều chỉnh đơn giá: Quyết định số 2239/QĐ-UBND của tỉnh quy định “Khi giá đầu vào quy định tại Quyết định này có biến động liên tục kéo dài trong thời hạn 60 ngày gây nên chênh lệch giá lớn, làm Đơn giá này giảm 10% trở lên hoặc tăng 20% trở lên; hoặc chính sách Nhà nước về tiền lương, quản lý, xây dựng đơn giá dịch vụ công ích thay đổi thì Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp”. Tuy nhiên, nhiều năm nay việc tham mưu điều chỉnh Bộ đơn giá chưa được thực hiện đúng quy định. Giá các yếu tố đầu vào tăng hàng năm; đến nay tiền lương cơ sở là 1.490.000đ/tháng; giá xăng: 26.318 đồng/lít, Diesel: 24.227 đồng/lít nhưng đơn giá vẫn không được điều chỉnh gây khó khăn cho đơn vị cung ứng dịch vụ công ích trong việc thương thảo, hợp đồng với các cơ quan tổ chức khách hàng không sử dụng ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến chế độ, chính sách cho người lao động.

Thông tư 17/2019/TT-BLĐTBXH ngày 6/11/2019 của Bộ LĐ-TB&XH về hướng dẫn xác định chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước do doanh nghiệp thực hiện (thay thế Thông tư 26/2015/TT-BLĐTBXH ngày 14/7/2015 hướng dẫn xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng vốn ngân sách nhà nước) nhưng vẫn tính theo lương cơ sở (trong khi doanh nghiệp phụ thuộc lương tối thiểu vùng) và  thay đổi cơ cấu chi phí nhân công (tính các khoản chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn thuộc trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động vào chi phí nhân công). Trong khi đó, Thông tư 14/2017/TT-BXD hướng dẫn xác định chi phí nhân công theo Thông tư 26/2015/TT-BLĐTBXH, các khoản chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn thuộc trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động tính vào chi phí chung, và quy định tỷ lệ tối đa chi phí chung theo nhân công/ca máy. Do đó, việc xây dựng đơn giá theo Thông tư 14/2017/TT-BXD đang gặp vướng mắc. 

Bộ TN&MT chỉ mới hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH, chưa ban hành hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH; và cũng chưa xác định rõ chức năng nhiệm vụ này thuộc bộ nào.

Về giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt

Giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH xác định trên cơ sở bình quân: tổng chi phí thu gom, vận chuyển 1 năm/ tổng lượng CTRSH thu gom, vận chuyển 1 năm x lượng CTRSH xả thải bình quân hộ gia đình (năm/tháng).  
Việc định giá bình quân theo khối lượng này bỏ qua yếu tố chất lượng dịch vụ (ví dụ: nhà thu gom tần suất 1 ngày 1 lần cũng bằng nhà thu gom tần suất 2, 3 ngày/lần) dẫn đến sự phản ứng, so bì, thậm chí nhiều hộ không chịu nộp tiền nếu không tăng tần suất thu gom lên 1 ngày/1 lần như những hộ khác. 

Kiến nghị

Việc xây dựng, điều chỉnh đơn giá sản phẩm, dịch vụ công nói chung và dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH là việc làm thường xuyên, đáp ứng sự biến động của giá cả yếu tố đầu vào và chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó tiền lương tối thiểu điều chỉnh với tần suất gần như hàng năm. Do đó, HEPCO đề nghị Hiệp hội MTĐT và KCN Việt Nam kiến nghị Bộ TN&MT: 

Sớm xây dựng, ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên cơ sở kế thừa các định mức đã công bố, các dự thảo định mức đã lấy ý kiến; việc nghiên cứu bổ sung các định mức mới, hoàn thiện định mức cũ là việc làm thường xuyên, sẽ tiến hành sau.  
Nghiên cứu ban hành phương pháp, quy trình xác định quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá nhanh chóng, thuận tiện (do đơn giá gần như phải điều chỉnh hàng năm theo tiền lương tối thiểu).

Trong khi Chính phủ chưa có quyết định quy định lại chức năng nhiệm vụ của Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT trong việc quản lý giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH hoặc trong thời gian chuyển tiếp; để đáp ứng nhu cầu xây dựng, điều chỉnh giá, đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, chúng tôi kiến nghị Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn của liên Bộ Xây dựng và TN&MT để xây dựng, điều chỉnh giá, đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH như sau:  

Đối với công tác thu gom, vận chuyển CTRSH, hiện Thông tư 14/2017/TT-BXD, định mức công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác vẫn còn hiệu lực và ngày 03/01/2020 Bộ Xây dựng đã có văn bản số 14/BXD-KTXD trả lời UBND thành phố Hà Nội về việc hướng dẫn xác định chi phí nhân công trong chi phí trực tiếp và xác định chi phí chung trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công trên địa bàn thành phố Hà Nội; theo đó, chi phí ăn ca, chế độ khác được tính trong chi phí nhân công; chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn thuộc trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động tính trong chi phí quản lý chung.

Do đó, việc xây dựng, điều chỉnh đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH kiến nghị tiếp tục thực hiện theo các văn bản trên của Bộ Xây dựng.

Đối với Giá dịch vụ xử lý CTRSH, thực hiện theo phương pháp định giá Bộ TN&MT ban hành tại Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 (Điều 31). Định mức: sử dụng các định mức do Bộ Xây dựng đã công bố (san ủi rác). Các định mức khác UBND cấp tỉnh tham khảo các địa phương khác tương đồng về quy mô, công nghệ xử lý hoặc tổ chức xác định bổ sung hoặc xem xét vận dụng kết quả định mức xử lý CTRSH do Bộ Xây dựng đã dự thảo nhưng chưa công bố.

Đối với giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH,cho phép tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/02/2014 của Bộ Tài chính về Quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ. 

Hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải phù hợp với chất lượng cung ứng dịch vụ (tần suất, chất lượng công tác vệ sinh) từng khu vực dân cư.

Có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không đóng tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

Thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH là dịch vụ sự nghiệp công, thực hiện thường xuyên, không thể gián đoạn. Việc xây dựng giá, đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liện tục, làm cơ sở để lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ. Bên cạnh việc “tính đúng, tính đủ”, việc “thu đúng, thu đủ” theo quy định mới sẽ gặp nhiều khó khăn, vì vạy Hiệp hội MTĐT và KCN Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu trong thời gian tới. 

(Dẫn Báo cáo tham luận của HEPCO 
tại Toạ đàm “Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”)

Ảnh: HEPCO triển khai thí điểm thu gom rác thải sinh hoạt bằng xe điện