Từ một bài tập về nhà của cô giáo khoa học, các học sinh tại Trường trung học Barrie ở Maryland (Mỹ) đã phát minh một bộ lọc có khả năng loại bỏ chì ra khỏi nước với chi phí thấp chỉ 1 USD.
Các em sử dụng phương pháp in 3D để tạo ra một mô hình có chiều cao 7,5cm và được làm từ nhựa phân hủy vi sinh với giá rất rẻ, chỉ khoảng 23.000 đồng.
Rebecca Bushway – giáo viên khoa học trực tiếp ra bài tập về nhà cho các em học sinh cho biết mô hình này vận hành dựa trên việc áp dụng phương pháp kết tủa hóa học để loại bỏ kim loại trong nước.
Mô hình gồm có bột Ca3(PO4)2 (canxi photphat), vốn tác dụng được với kim loại và gây ra hiện tượng kết tủa, hay còn được biết đến là quá trình hình thành chất rắn sau khi xảy ra phản ứng hóa học. Dựa vào tính chất này, kim loại chì (Pb) sẽ bị kết tủa (biến thành chất rắn) và được giữ lại trong mô hình. Khi chất rắn kết tủa sẽ có kích thước lớn hơn so với lỗ thoát nước, điều này khiến nó bị kẹt lại bên trong mô hình, trong khi phần nước được làm sạch sẽ chảy ra ngoài.
Ngoài ra, mô hình này cũng có khả năng báo hiệu cho người sử dụng thời điểm cần thay thế bộ lọc: nhóm học sinh đã đặt bên dưới canxi photphat một hóa chất khác có tên gọi là kali iodua. Khi canxi photphat được sử dụng hết trong bộ lọc, lớp kali iodua sẽ hiện lên và phản ứng với chì làm nước chuyển sang màu vàng – dấu hiệu đã đến lúc thay bộ lọc.
Sản phẩm sẽ cần thêm thời gian thử nghiệm cả về độ an toàn lẫn nhu cầu thị trường nếu được sản xuất. Dẫu vậy, giải pháp của nhóm học sinh này được đánh giá là rất tiềm năng.
Hải Thanh (T/h)
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Mô hình máy tách chì ra khỏi nước với giá 1 USD. Ảnh: Phys.org