Sau khi người dân thuộc Dự án di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế rời đi, khu vực thượng thành quá nhếch nhác do nhà cửa bỏ hoang, cỏ mọc um tùm chưa được dọn dẹp.
Dự án di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2019-2021) hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho trên 3.467 hộ dân; giai đoạn 2 (2022-2025) hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho trên 1.950 hộ dân.
Một căn nhà ở đường Ông Ích Khiêm đã di dời, bị bỏ hoang nên khá nhếch nhác.
Từ tháng 2-2020, dự án bắt đầu triển khai, các gia đình ở khu vực đường Ông Ích Khiêm, Xuân Sáu Tám… sau khi nhận tiền đền bù, đất tái định cư đã tự tháo dỡ nhà cửa để đến nơi ở mới. Tuy vậy, vẫn còn một số hộ dân tiếp tục sinh sống ngay trên bề mặt khu vực Thượng thành Huế, chưa chịu bàn giao mặt bằng.
Đến nay, riêng khu vực Thượng thành Huế (vòng thành ngoài cùng của Kinh thành Huế), 277 hộ dân đã di dời, bàn giao mặt bằng – đạt tỷ lệ 96%; tiến độ di dời dân tại các Eo Bầu đạt gần 70%. Riêng tại khu vực Hộ Thành Hào và Tuyến Phòng Lộ, chỉ có 19% hộ dân trong diện giải tỏa bàn giao mặt bằng. Từ cuối năm 2021, UBND TP Huế tiếp tục triển khai di dời dân ở khu vực di tích Hồ Tịnh Tâm, Trấn Bình Đài và Đàn Xã Tắc.
Nhiều căn nhà chưa được tháo dỡ ở trên Thượng thành Huế
Dọc các tuyến đường sát tường thành, nhiều khu vực nhếch nhác bởi hình ảnh công trình nhà cửa cũ bị đập bỏ, gạch ngói, xà bần lẫn rác thải ngổn ngang không được thu dọn… Thậm chí, nhiều ngôi nhà cũ trở thành điểm hút chích ma túy của kẻ nghiện, kim tiêm vứt bừa bãi. Trên Thượng thành, nơi ở của người dân trước đây nay trở thành bãi cỏ cây hoang tàn.
Khung cảnh hoang tàn.
UBND TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao Trung tâm Công viên Cây xanh thành phố triển khai dọn dẹp vệ sinh, hạ giải các công trình nhà cửa của người dân sau khi giải tỏa để đảm bảo mỹ quan.
Cỏ mọc um tùm.
Ông Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên Cây xanh TP Huế, cho biết đơn vị này đã hạ giải hơn 200 căn nhà cũ và thu gom rác thải xây dựng. Hiện việc thu dọn vệ sinh gặp nhiều khó khăn do một số gia đình đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng.
Các căn nhà hoang tàn sau di dời.
Mặt khác, việc dọn dẹp vệ sinh cũng gặp khó khăn khi nhiều nhà dù đã bàn giao nhưng nằm xen lẫn với các căn nhà chưa giải tỏa; các tuyến đường chật hẹp, không thể dùng xe cơ giới mà phải thực hiện thủ công.
Ông Đặng Minh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, cho biết nguyên nhân chậm tiến độ di dời dân ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế là do nhiều hộ đã nhận tiền đền bù và đất tái định cư nhưng chưa làm xong nhà tại nơi ở mới; một số hộ vướng mắc về thừa kế nên chưa áp giá đền bù để di dời…
Một khu nhà đã di dời trên đường Xuân Sáu Tám.
Khu vực Kinh thành Huế rộng hơn 500 ha, gồm hệ thống các công trình kiến trúc phối thuộc, quan hệ rất mật thiết. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành di dời dân cư, ngành chức năng sẽ triển khai công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo hoặc phục hồi theo các yếu tố gốc trên cơ sở khai thác các tư liệu lịch sử và kết quả thám sát khảo cổ học. Đồng thời, có giải pháp nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể các điểm di tích, tạo sự đồng bộ và cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện đầu tư có sự tham gia của cộng đồng dân cư xung quanh hoặc các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhằm phát huy giá trị di tích.
Căn nhà này nằm sát đường Xuân Sáu Tám nhưng chỉ đập bỏ chưa hoàn tất, rất nguy hiểm vì dễ sập đổ.
Một khu vực chưa hoàn tất giải tỏa
Theo Người Lao Động
Ảnh: Cỏ mọc um tùm, nhà cửa hoang tàn ở trên Thượng thành Huế
Xem bài viết gốc tại đây: