Sản xuất xi măng sinh học bền vững từ chất thải

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore đã sử dụng hai loại chất thải phổ biến, bao gồm bùn cacbua công nghiệp và urê từ nước tiểu của động vật có vú để sản xuất xi măng sinh học.

Để sản xuất ra loại xi măng sinh học mới, bền vững thay thế xi măng thông thường, nhóm các nhà khoa học đã phát triển một quy trình, trong đó phản ứng của urê với các ion canxi trong bùn cacbua công nghiệp tạo thành chất rắn cứng hoặc kết tủa. Khi phản ứng này diễn ra trong đất, kết tủa sẽ liên kết các hạt đất lại với nhau và lấp đầy các khoảng trống giữa chúng, tạo ra một khối đất rắn. Kết quả tạo thành một khối xi măng sinh học chắc chắn và ít thẩm thấu.

Nhóm nghiên cứu đã chứng minh xi măng sinh học có thể trở thành phương pháp bền vững và hiệu quả về chi phí để cải tạo đất, như gia cố nền đất phục vụ hoạt động xây dựng hoặc đào đường, kiểm soát xói mòn bãi biển, giảm xói mòn do gió hoặc bụi ở sa mạc hoặc xây dựng các hồ chứa nước ngọt trên các bãi biển hoặc sa mạc. Ngoài ra, xi măng sinh học cũng được dùng làm vữa sinh học để bịt kín các vết nứt trên đá nhằm mục tiêu kiểm soát chống thấm và thậm chí sửa chữa các di tích như chạm khắc trên đá và tượng.

Bắc Lãm (T/h)

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)