Dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi việc đầu tư phát triển các dự án hạ tầng vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này khiến cho thực trạng ‘hụt hơi’ của hệ thống hạ tầng đô thị Biên Hòa trước tốc độ đô thị hóa vẫn chưa được cải thiện.
Đô thị Biên Hòa đang chịu áp lức lớn do hệ thống hạ tầng giao thông quá tải. Trong ảnh: Khu vực ngã ba cầu Đồng Khởi thường xuyên xảy ra ùn tắc, kẹt xe vào giờ cao điểm. Ảnh: PHẠM TÙNG
* Hạ tầng vẫn đi sau
Trong gần 1 tháng qua, những cơn mưa đầu mùa bắt đầu xuất hiện trên địa bàn TP.Biên Hòa. Gần như ngay lập tức, tình trạng ngập nước sau những cơn mưa lớn đã liên tiếp xảy ra tại nhiều khu vực của TP.Biên Hòa.
Trên thực tế, tình trạng ngập nước sau mưa lớn tại TP.Biên Hòa đã diễn ra trong một thời gian dài. Những năm gần đây, nhiều dự án chống ngập trên địa bàn TP.Biên Hòa đã được triển khai thực hiện, nhưng tình trạng “cứ mưa là ngập” vẫn đang diễn ra thường xuyên. “Khu vực này thì cứ mưa là ngập, nhiều năm rồi vẫn vậy” – ông Nguyễn Văn Trung, một người dân sống ở khu vực cầu Đồng Khởi, P.Tân Phong, cho hay.
Trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện có 23 công viên do thành phố quản lý với diện tích gần 18ha. Ngoài ra, còn có một số công viên do các đơn vị quản lý như: khu công viên ở Văn miếu Trấn Biên, công viên ở Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh… Tuy nhiên, phần lớn các công viên tại Biên Hòa có quy mô rất nhỏ với diện tích chưa đến 1ha. Như vậy, so với tiêu chuẩn quốc gia đối với công viên ở đô thị loại I thì TP.Biên Hòa hiện nay chưa có công viên nào đạt chuẩn (theo tiêu chuẩn Việt Nam, công viên trung tâm của đô thị loại I phải có diện tích tối thiểu 15ha).
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho hay, những năm qua, tỉnh và thành phố đã dành nhiều nguồn lực để thực hiện các dự án chống ngập tại các điểm ngập trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hầu hết các dự án chỉ mang tính chất chống ngập cục bộ nên chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước khi trời mưa.
Không chỉ vấn đề ngập úng, đô thị Biên Hòa cũng đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh như: quá tải về giao thông, thiếu bãi đỗ xe, thiếu đất xây dựng trường học, công viên…
Với dân số hơn 120 ngàn người, tương đương với dân số của nhiều đơn vị cấp huyện trên địa bàn cả nước, lâu nay P.Trảng Dài vẫn được mệnh danh là một “siêu” phường. Những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng nên tình trạng học ca ba ở “siêu” phường này đã được giải quyết. Tuy nhiên, P.Trảng Dài vẫn đang phải đối mặt với tình trạng quá tải về giao thông. Vào các khung giờ cao điểm, tại 2 “cửa ngõ” của P.Trảng Dài là khu vực ngã ba cầu Đồng Khởi và cầu Xóm Mai thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe kéo dài.
Không chỉ có các “cửa ngõ” của “siêu” phường này, hầu hết các tuyến đường giao thông cửa ngõ hiện nay của đô thị Biên Hòa như: Đồng Khởi, Đặng Văn Trơn, Phạm Văn Thuận, Bùi Văn Hòa, quốc lộ 51 đoạn qua hai phường Long Bình Tân và An Hòa cũng đang thường xuyên phải “chịu đựng” tình trạng ùn tắc, kẹt xe, nhất là vào các khung giờ cao điểm.
Cùng với tình trạng ùn tắc, kẹt xe, đô thị Biên Hòa cũng đang đối mặt với một bài toán chưa có lời giải mang tên: bãi đỗ xe ô tô. Dân số đông, lượng ô tô cá nhân tăng nhanh nhưng đô thị Biên Hòa lại đang thiếu trầm trọng các bãi đỗ xe.
Thiếu bãi đỗ xe nên tình trạng đậu, đỗ xe ô tô trên lòng đường diễn ra phổ biến tại nhiều tuyến phố trên địa bàn TP.Biên Hòa như: Hà Huy Giáp, Võ Thị Sáu, 30-4, Cách Mạng Tháng Tám, Hưng Đạo Vương, Phan Đình Phùng… khiến cho tình trạng ùn tắc, kẹt xe đã “nóng” lại càng thêm “nóng”. Trong khi đó, các giải pháp như quy định đậu xe trên đường theo ngày chẵn, lẻ của tháng tại một số tuyến đường nội ô chỉ hạn chế được “phần ngọn” của vấn đề. Đối với một đô thị lớn như Biên Hòa, để có thể giải quyết được bài toán về bãi đỗ xe ô tô, giải pháp căn cơ là xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, quy mô lớn. Mặc dù vậy, giải pháp này hiện vẫn chỉ đang “nằm trên giấy”.
* Khó bền vững khi phát triển theo hướng “chắp vá”
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kết quả tổng điều tra dân số vào tháng 4-2019 cho thấy, dân số TP.Biên Hòa đã đạt gần 1,1 triệu người. Hiện nay, TP.Biên Hòa là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước.
TP.Biên Hòa cũng là địa phương có tốc độ gia tăng dân số hằng năm thuộc tốp đầu trên địa bàn tỉnh. Theo tính toán, trong khoảng gần 10 năm qua, dân số của TP.Biên Hòa tăng bình quân hơn 30 ngàn người/năm. Dân số tăng nhanh khiến mật độ dân số trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng thuộc nhóm cao trong số các đô thị lớn trên cả nước. Hiện nay, mật độ dân số bình quân của TP.Biên Hòa đạt hơn 4 ngàn người/km2, cao nhất cả tỉnh.
Là đô thị lâu đời, lại có tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh, lâu nay việc phát triển hệ thống hạ tầng đô thị Biên Hòa cả hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội vẫn đang diễn ra trong tình cảnh “đuổi bắt” trước tốc độ đô thị hóa.
Chủ tịch UBND P.Trảng Dài Võ Trường Hải thừa nhận, những năm qua, hệ thống hạ tầng về giao thông, giáo dục trên địa bàn phường đã được đầu tư khá nhiều. Tuy nhiên, sự đầu tư đó thực chất vẫn chưa thể đáp ứng đủ quy mô và tốc độ gia tăng dân số trên địa bàn. Theo ông Hải, tình trạng học ca ba trên địa bàn phường hiện không còn nhưng với tình hình gia tăng dân số thì nguy cơ “tái diễn” là rất cao. Tượng tự, tình hình ùn tắc, kẹt xe vào giờ cao điểm cũng có nguy cơ lan rộng toàn phường chứ không chỉ dừng lại ở các trục đường chính. “Bức bách nhất hiện nay vẫn là tình trạng ngập nước khi trời mưa diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân” – ông Võ Trường Hải cho biết.
Hiện nay, với sự quá tải về dân số tại các phường nội đô, đô thị Biên Hòa đang được quy hoạch mở rộng về phía Nam nhằm thực hiện việc giãn dân cho khu vực đô thị trung tâm. Cụ thể, theo định hướng phát triển cấu trúc chuỗi đô thị đa trung tâm về phía Nam, đô thị Biên Hòa sẽ có 2 khu vực đô thị chính gồm: khu vực đô thị Biên Hòa truyền thống (phía Bắc của đô thị Biên Hòa) và khu vực đô thị mới Nam Biên Hòa (phạm vi phía Nam đô thị Biên Hòa gồm các phường: An Hòa, Phước Tân, Tam Phước và xã Long Hưng).
Việc mở rộng đô thị Biên Hòa về phía Nam là hợp lý, bởi xét về tài nguyên đất đai, đây là khu vực còn dư địa lớn để phát triển đô thị theo hướng hình thành các đô thị mới, hiện đại. Về tiềm năng phát triển đô thị, khu vực phía Nam cũng được đánh giá rất cao. Cụ thể, trong tương lai, khi đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành, đường vành đai 3 – TP.HCM và đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành xây dựng sẽ tạo ra những lợi thế rất lớn cho khu vực đô thị phía Nam Biên Hòa bứt phá để phát triển.
Tuy nhiên, để tránh tái diễn bài học phát triển đô thị theo kiểu hạ tầng đô thị phải “chạy theo” quá trình đô thị hóa như hiện nay, việc mở rộng, phát triển đô thị Biên Hòa về phía Nam cần có sự quy hoạch cụ thể, trong đó phải đảm bảo được yếu tố hạ tầng đi trước.
Kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, cho rằng trong phát triển đô thị, để đáp ứng tiêu chí bền vững, ngay từ khâu quy hoạch, mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị cần phải được ưu tiên quy hoạch, đầu tư xây dựng trước. Tiếp theo đó, các hạ tầng khác như: thoát nước, xử lý nước thải, công viên, giáo dục, y tế cũng cần được tính toán cụ thể, phù hợp với quy mô dân số. “Khi đã có được khung hạ tầng đô thị mới tính toán đến việc thu hút cư dân đến sinh sống theo quy mô dân số đã được quy hoạch” – kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương chia sẻ.
Kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong phát triển đô thị cho thấy, “phải đặc biệt ưu tiên xây dựng hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị, đó là nền tảng của đô thị”. Việc phát triển hệ thống hạ tầng đô thị phải được thực hiện đồng bộ và “đi trước” quá trình đô thị hóa. Thực tế, khi hạ tầng đô thị “đi sau”, việc phát triển đô thị bền vững gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài yếu tố thiếu hụt quỹ đất, nguồn lực để phát triển đô thị cũng sẽ gặp rất nhiều hạn chế. Bởi lúc bấy giờ nguồn lực phát triển đô thị bắt buộc phải “sẻ chia” để đầu tư “chắp vá” các hạn chế của hệ thống hạ tầng.
Phạm Tùng – Báo Đồng Nai
Theo Đồng Nai
Ảnh: Một đoạn đường Đồng Khởi bị ngập sau cơn mưa lớn vào đầu tháng 5-2022
Xem bài viết gốc tại đây: