Tồn tại từ những năm 60 của thế kỷ trước, luôn bị rình rập, đe dọa săn bắn, đánh bẫy của các đối tượng xấu, bất chấp nguy hiểm, vườn cò của gia đình anh Vi Văn Hoàng ở thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang) vẫn được chăm sóc, bảo vệ tốt.
Nhờ có bến đỗ an toàn, đàn cò vẫn sinh sôi, nảy nở tô đẹp thêm môi trường sinh thái một vùng quê.
Một buổi chiều tháng 5/2022, chúng tôi về xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, (Bắc Giang), hỏi thăm vườn cò ở đây, ai ai cũng biết và chỉ đến nhà thày giáo Vi Văn Hoàng ở thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa, người thừa kế vườn cò đã tồn tại gần 60 năm do người cha quá cố Vi Văn Hải để lại.
Qua trò chuyện, anh Hoàng nhớ lại, lời trăn trối của người bố (ông Vi Văn Hải) mất năm 2017: “Con cố gắng mà giữ lấy lộc trời nhé!. Đất lành thì chim đậu. Dù có đói đến đâu con cũng không được bán vườn cò này!”. Anh Hoàng được bố kể lại, khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, đàn cò không biết ở đâu bay về đậu, rồi ở luôn tại khu vườn rừng của gia đình. Ông nội anh, ngày đêm yêu thương, chăm sóc, bảo vệ đàn cò. Bố anh là Bộ đội quân y, ông đi khắp các chiến trường miền Đông Nam Bộ và nước bạn Campuchia chiến đấu. Đến năm 1984, ông trở về nghỉ hưu tại địa phương và cùng ông nội gắn bó chăm sóc, bảo vệ vườn cò.
Anh Hoàng tâm sự, ngày xưa ở xã Phúc Hòa có nhiều vườn rừng tự nhiên rậm rạp. Cò về sinh sống ở vườn rừng nhà anh tới gần 1 vạn con. Từ những năm 90 trở đi, thời bao cấp, người dân trong xã bắt đầu cải tạo vườn rừng tạp, phá bỏ rừng dẻ để trồng thay thế bằng những vườn Sắn, vườn Vải thiều để phát triển kinh tế. Anh Hoàng chia sẻ: “Nếu vì lợi ích trước mắt mà phá bỏ vườn rừng tự nhiên để chuyển đổi sang trồng cây Vải thiều sớm thì gia đình mình mỗi năm cũng thu về một khoản tiền khá lớn, nhưng bố tôi vẫn quyết tâm giữ lại khu vườn rừng tự nhiên này cho cò sinh sống”.
Được biết, anh Vi Văn Hoàng, sinh năm 1978, là con trai duy nhất trong gia đình có ba chị em, chị cả và cô em gái lấy chồng ở riêng. Hiện anh là giáo viên dạy môn Văn của Trường THCS xã Phúc Hòa. Tuổi thơ của anh Hoàng luôn gắn với hình ảnh con cò trắng trong lời hát ru của mẹ, bên cánh võng những buổi trưa hè. Từ nhỏ, anh luôn yêu thương động vật. Trong đó, vườn cò như một phần cơ thể, tâm hồn, máu thịt, sống còn mấy chục năm trời chứng kiến của gia đình 04 thế hệ. Có vị khách ở Hà Nội lên muốn mua vườn cò và trả giá tới 4 tỷ đồng nhưng gia đình anh không bán. Chỉ đơn giản một tâm niệm, lộc trời ban cho thì phải giữ lấy cho con cháu mai sau cùng thừa hưởng. Anh còn khoe với chúng tôi chứng nhận đạt giải thưởng môi trường của UBND huyện Tân Yên trao tặng năm 2010 cho bố anh là ông Vi Văn Hải.
Anh Hoàng còn đồng ý và dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn cò ngay gần ngôi nhà gia đình anh đang sinh sống. Khu vườn rừng tự nhiên, có các loại cây như: Cây Lim, Dẻ, Vạng chứng, Kháo, Ngát… xen lẫn các loài cây được xen như: Thông, Keo, Bạch đàn, Tre… Theo anh Hoàng cho hay, diện tích vườn cò rộng khoảng 0,25 ha. Có khoảng gần 1000 con cò các loại như: Cò trắng; cò bợ, vạc, diệc, bìm bịp, dẽ giun sống quần tụ, làm tổ ở những tầng cao thấp khác nhau… Dưới tán vườn, thấy có nhiều phân cò rơi trắng đất và lá cây. Thấy động, một số cò nháo nhác, kêu sào sạc bay lên quan sát như để cảnh giới, bảo vệ cho đàn con và các tổ trứng đang ấp dở. Cò cái trưởng thành mỗi năm lứa đẻ từ 3 – 6 trứng và ấp từ 2-3 lứa/năm.
Đang mùa sinh sản nên thấy có vô số vỏ trứng rơi trắng dưới mặt đất. Thỉnh thoảng lại nghe có tiếng kêu lộp bộp của thức ăn do cò mẹ mớm cho con bị trượt rơi ra ngoài.
Theo anh Hoàng, tích vườn của gia đình hơi nhỏ mà lượng cò non nở ra gần nghìn con mỗi năm. Cò phát triển lớn lên, xung quanh vườn nhà hàng xóm lại toàn trồng toàn cây vải thiều , không thích nghi với môi trường cho cò sinh sống. Khi đàn quá tải, chúng phải chia tách đàn ra bay đi nơi khác sinh sống. Hàng năm, vào dịp mùa đông, tầm khoảng tháng 9, 10 cò thường đi di cư tránh đông ở vùng khác, đến khoảng tháng 2, 3 chúng lại bay về làm tổ để sinh sản. Tuy cò đi di cư nhưng một số con vẫn ở lại để trông coi giữ tổ.
Thịt cò luôn được coi là món đặc sản của một số dân nhậu. Vì vậy, vườn cò nhà anh Hoàng cũng thuộc diện bị đưa vào tầm ngắm của những tay săn trộm trong vùng. Sơ hở một chút là lập tức mất vài con cò là chuyện dễ xảy ra. Vì tình thương yêu đàn cò khiến anh phải xô sát và bị đe dọa của bọn săn trộm là chuyện thường xảy ra nhưng Hoàng anh vẫn kiên quyết không rời bỏ đàn cò.
Khi biết thông tin có kẻ đến săn trộm là lập tức anh tới ngay hiện trường kiểm tra, xử lý. Vào những đêm mưa bão, gió mạnh, đang nằm trong chăn ấm bởi thương mấy con cò non thôi thúc anh lại bật dậy, cầm chiếc đèn pin, mặc vội cái áo mưa đi kiểm tra một vòng xem có con nào bị gió thổi rơi khỏi tổ không?. Anh nhặt chúng về sưởi ấm, bón thức ăn, đợi hôm sau trời ấm anh tìm cách đưa cò về tổ với mẹ.
Anh Vi Văn Hoàng tâm sự: “Bình thường, nếu vườn yên tĩnh, cò đậu rụt đầu xuống. Khi cò ngỏng cổ, kêu dáo dác là có vấn đề. Chúng ngoảnh về hướng nào là đích thị hướng đó có mối đe dọa hoặc điều gì đó khác lạ. Cò rất sợ trước tiếng súng, một số con cò bị bắn sượt đạn, hoảng sợ đã bỏ đàn, rời tổ bỏ bay đi nơi khác sinh sống”.
Anh Hoàng luôn trăn trở, gia đình anh tự nguyện giữ vườn rừng tự nhiên bảo tồn vườn cò mấy chục năm nhưng gia đình anh Hoàng chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của các cấp chính quyền và các tổ chức. Việc bảo vệ vườn cò ngày càng gặp nhiều khó khăn, phức tạp, bọn “cò tặc” ngày càng lắm thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Môi trường ngày càng ô nhiễm hơn, nhiều khi cò ăn phải thức ăn, sâu bọ, tôm cá chết do nhiễm thuốc thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây cho cò mắc bệnh hoặc chết.
Nói về vườn cò của gia đình anh Vi Văn Hoàng ở thôn Phúc Lễ, ông Nguyễn Ngọc Toản – Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết: “Vườn cò tự nhiên của gia đình anh Hoàng có cách đây khoảng gần 60 năm, từ thời các cụ ngày xưa để lại. Hiện tại, địa phương cũng chưa có nguồn kinh phí nào hỗ trợ giúp gia đình bảo tồn và phát triển vườn cò. Mong rằng, tới đây, các cấp chính quyền địa phương, các nhà bảo vệ môi trường, thiên nhiên về tham quan, hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, nguồn kinh phí, bảo tồn đa dạng sinh học giúp cho vườn cò phát triển bền vững, gần gũi, thân thiện với môi trường sinh thái địa phương”.
Ánh mặt trời cuối chiều dần dần buông xuống thấp, khuất sau đồi vải thiều phía Tây. Đó là lúc những đàn cò từng tốp hạ thấp, nghiêng cánh lượn vài vòng trước khi xà xuống tổ. Nơi những con cò non đang kêu ríu rít, há miệng chờ bữa tối của mẹ mang về.
Chia tay gia đình anh mà lòng đầy cảm phục, về tình yêu vườn cò, làm đẹp cho môi trường quê hương không một chút tính toán kinh tế mà để chúng mất tổ bơ vơ. Chúc cho gia đình anh Vi Văn Hoàng thêm nhiều sức khỏe, yêu thương, chăm sóc, bảo vệ vườn cò sinh tồn, an cư nơi đất lành tổ tiên để lại cho các thế hệ con cháu mai sau./.
Trần Ngọc Sơn
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Toàn cảnh vườn còn nhà anh Vi Văn Hoàng, ảnh chụp từ trên cao nhìn xuống.