Các nhà thầu thi công không bảo đảm tiến độ, dù bị chủ đầu tư cảnh cáo nhiều lần nhưng vẫn không khắc phục, khiến tình trạng ô nhiễm kéo dài, người dân bức xúc
Điển hình là dự án xử lý ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế được triển khai thi công tại xã Hương Bình, thị xã Hương Trà từ năm 2018, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế (Ban Quản lý dự án) làm chủ đầu tư nhưng giờ vẫn giẫm chân tại chỗ.
Nương tay với nhà thầu đến bao giờ?
Theo kế hoạch, dự án hoàn thành năm 2022, với tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn gần 86 tỉ đồng, công suất xử lý giai đoạn 1 là 150 tấn rác/ngày. Việc đầu tư dự án là để giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt ở thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền và một phần TP Huế, nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường bền vững và phục hồi sinh thái.
Đến nay dù tỉnh Thừa Thiên – Huế đang rất chật vật trong vấn đề xử lý rác thải bởi bãi xử lý rác ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy đang quá tải nhưng việc thi công dự án này quá chậm. Hai đơn vị trúng thầu thi công là Công ty TNHH Tân Bảo Thành và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Thiên Phát Thịnh phớt lờ sự thúc giục của chủ đầu tư.
Những hạng mục tại dự án xử lý ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn ngổn ngang, chậm tiến độ .Ảnh: QUANG NHẬT
Theo Ban Quản lý dự án, thời hạn hợp đồng giữa chủ đầu tư với 2 đơn vị thi công đã chấm dứt từ ngày 7-4 nhưng khối lượng còn lại của hợp đồng tương đối nhiều, các nhà thầu không nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cũng như không thực hiện các thủ tục liên quan đến gia hạn tiến độ hợp đồng.
Ông Đặng Quang Ngọc, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án, nói theo tiến độ thi công cam kết, đến tháng 6-2022, công trình phải hoàn thành, cung cấp thiết bị phục vụ vận hành thử và đưa vào vận hành khai thác trong năm 2022. Tuy nhiên, đến nay việc thi công chỉ đạt khoảng 65% khối lượng công việc nhưng các nhà thầu thi công lại “chây ì” tiến độ.
Ông Hà Xuân Hậu, Giám đốc Ban Quản lý dự án, cho rằng đây là công trình trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên – Huế, vì vậy chủ đầu tư dự án thường xuyên có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nhà thầu khẩn trương thi công; tổ chức họp định kỳ 1 tuần/lần tại công trường để đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh. Dù vậy, các nhà thầu chỉ cứ hứa chứ không làm, thường xuyên không cử nhân sự có thẩm quyền đến tham dự các cuộc họp.
Gần đây nhất là vào ngày 27-4, đích thân ông Hà Xuân Hậu ký văn bản cảnh cáo, nêu rõ các nhà thầu phải tăng cường thêm thiết bị, máy móc, nhân lực và có kế hoạch mua sắm vật tư, thiết bị theo hợp đồng phù hợp để triển khai thi công đồng bộ, hiệu quả nhằm bù lại khối lượng thi công chậm trong thời gian qua và sớm hoàn thành dự án.
Nhiều nhà máy rác liên tục trễ hẹn
Tại tỉnh Quảng Ngãi, tháng 5-2016, UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc – Chi nhánh Quảng Ngãi đầu tư Nhà máy Xử lý rác thải Nghĩa Kỳ với tổng vốn gần 300 tỉ đồng. Theo quyết định này, chủ đầu tư phải hoàn thành dự án vào tháng 8-2017.
Đến nay, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh tiến độ 4 lần nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành. Tiến độ thi công nhiều hạng mục quá chậm, khiến tồn đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường và người dân bức xúc. Đầu năm 2021, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ra “tối hậu thư” yêu cầu chủ đầu tư đến ngày 30-6-2021 phải hoàn thành toàn bộ dự án. Thế nhưng, đến nay, dự án vẫn ngổn ngang và chưa biết ngày nào hoàn thành.
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề “nóng” trong thời gian qua. Hiện nay, nhiều khu xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã quá tải trong khi việc xây dựng các khu xử lý mới còn chậm do gặp nhiều trở ngại.
Điển hình, Khu Xử lý rác thải Tam Xuân 2 (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được đưa vào hoạt động năm 2004. Đây là khu xử lý rác thải quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Nam, xử lý hơn 40% lượng rác thải toàn tỉnh. Hơn 17 năm hoạt động, khu xử lý rác thải xuống cấp, quá tải.
Năm 2019, sau sự cố môi trường, Khu Xử lý rác thải Tam Xuân 2 phải dừng hoạt động hơn 3 tháng dẫn đến việc rác thải tồn đọng, ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, chính quyền địa phương và các bên liên quan đã khắc phục và cam kết với người dân không để lặp lại sự cố.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có chủ trương quy hoạch Khu Xử lý nước thải Nam Quảng Nam tại xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành) với quy mô hơn 35 ha. Dự án dự kiến trong năm 2022 sẽ đầu tư xây dựng và hoàn thành vào năm 2023, khi đó Khu Xử lý bãi rác Tam Xuân 2 sẽ đóng cửa. Tuy nhiên, dự án trên hiện vẫn chưa được khởi công xây dựng.
Tương tự, tỉnh Quảng Nam có chủ trương đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (xã Cẩm Hà, TP Hội An) và dự án nhà máy phân loại, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Trà My (huyện Bắc Trà My) nhưng tiến độ thực hiện 2 dự án này cũng rất chậm.
Theo Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Nam, hiện nay tổng khối lượng rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn mà công ty thu gom bình quân khoảng 150.000 tấn/năm. Việc thiếu các khu xử lý rác thải tập trung là trở ngại rất lớn cho công tác quản lý rác thải khu vực nông thôn. |
Quang Nhật – Trần Thường – Tử Trực – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Xem bài viết gốc tại đây: