Đang trong quá trình làm thủ tục cấp phép xây dựng, song Công ty TNHH MTV số 24 tỉnh Lai Châu vẫn bạt đồi, tạo mặt bằng để xây dựng Nhà máy Chiết xuất tinh dầu quế.
Nhắm mắt, bịt tai?
Tại đầu cầu Pô Lếch, thuộc địa phận bản Huổi Han, xã Bum Tở (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), một “đại công trình” với nhiều máy xúc, ủi đang tấp nập bạt đồi, san ủi mặt bằng.
Ngày 22/4, theo quan sát, cả một quả đồi có diện tích hàng nghìn mét vuông bị đào khoét nham nhở. Tại hiện trường đang có 3 chiếc máy xúc và một máy lu hoạt động liên tục.
Quá trình làm mặt bằng, đơn vị thi công đã san gạt lượng lớn đất đồi xuống lòng hồ Thủy điện Lai Châu. Mang thông tin trên trao đổi với ông Vàng Hu Chờ – Chủ tịch UBND xã Bum Tở, ông này nói: “Chúng tôi sẽ cho anh em kiểm tra lại, phải ra thực địa mới biết được chính xác có chủ trương đầu tư không hay cá nhân tự làm”.
Cũng theo ông Chờ, địa phương này đang có dự định sẽ thành lập đoàn kiểm tra vào ngày 26/4. Đoàn sẽ gồm các thành viên: Mặt trận, địa chính và Phó Chủ tịch UBND xã.
Ngày 27/4, Báo GD&TĐ tiếp tục liên hệ với ông Vàng Hu Chờ để thu thập thêm thông tin liên quan. Ông Chờ cho biết: “Điểm san ủi trên do 2 hộ gia đình thực hiện để làm Nhà máy Chiết xuất tinh dầu quế. Tuy nhiên, do cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã bận họp nên đến ngày 27/4, UBND xã Bum Tở mới thành lập đoàn đi kiểm tra vị trí trên”.
Ngày 28/4, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Pờ Xé Lòng – Phó Chủ tịch UBND xã Bum Tở – cho biết: “Qua kiểm tra điểm đang san, bạt đồi làm mặt bằng do 2 hộ gia đình gồm ông Vàng Hà Xó và ông Lý Gió Po (cùng trú tại bản Huổi Han) đã bán đất cho một hộ gia đình có tên là Nguyễn Anh Tuấn. Diện tích đất bị san gạt làm mặt bằng khoảng 5.600 m2”.
Khi được hỏi khu vực san ủi trên đã được cấp phép hay chưa(?) thì ông Lòng cho biết: Xã không đủ thẩm quyền để cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Xã đã yêu cầu 2 hộ gia đình làm thủ tục chuyển nhượng đất cho ông Tuấn. Sau đó, ông Tuấn phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định.
Không biết vì… ít đi qua
Theo Điểm d, Khoản 1, và Khoản 3 Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 1 héc ta. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Trao đổi với ông Lường Văn Nghen – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Mường Tè, ông này thông tin: “Đơn vị đang thi công san, bạt đồi ở vị trí nói trên là của Công ty TNHH MTV số 24. Đơn vị này hiện đang trong quá trình làm thủ tục cấp phép xây dựng Nhà máy Chiết xuất tinh dầu quế”.
Theo quy đinh tại Khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai 2013, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
Như vậy, việc ông Tuấn có tự ý bạt đồi, san ủi mặt bằng khi chưa được cấp phép hay không cần phải làm rõ. Trường hợp gia đình này chưa được cấp phép thì có thể quy vào tội hủy hoại đất theo quy định của Luật Đất đai.
Lý giải việc hàng nghìn mét khối đất đồi bị san gạt làm mặt bằng nhưng không phát hiện kịp thời, ông Vàng Hu Chờ – Chủ tịch UBND xã Bum Tở – nói: “Vị trí mà đơn vị kia san gạt không nằm trên trục đường chúng tôi đi làm nên chúng tôi không nắm được”.
Chiều 28/4, Báo GD&TĐ tiếp tục ghi nhận tại khu vực san lấp mặt bằng cho thấy vẫn có 2 máy xúc và 1 máy lu đang vô tư bạt đồi, san mặt bằng.
Khi được hỏi tại sao ông Tuấn chưa được cấp phép đã tiến hành san ủi mặt bằng mà chính quyền địa phương không có giải pháp ngăn chặn thì ông Pờ Xé Lòng phân trần: “Biên bản làm việc do đơn vị quản lý lòng hồ Thủy điện Lai Châu lập. Còn xã đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.
Như lời ông Nghen nói, thì chính Phòng TN&MT huyện cũng biết được rằng: Gia đình ông Tuấn san gạt đất nền để xây dựng Nhà máy Chiết xuất tinh dầu quế khi đang “làm thủ tục cấp phép xây dựng”. Dù vậy, song vì đâu mà ông Tuấn vẫn ngang nhiên san ủi giữa “thanh thiên bạch nhật”? Vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai của Phòng TN&MT huyện Mường Tè ở đâu khi sự việc trên đang diễn ra?
Trước sự việc trên, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè nhưng chưa nhận được phản hồi.
Vậy, có hay không việc cố tình “nhắm mắt làm ngơ” của chính quyền địa phương để doanh nghiệp “làm liều”? Vấn đề trên rất cần được làm sáng tỏ!
Hà Thuận – Tống Bao – Báo GD&TĐ
Theo Giáo dục & Thời đại
Ảnh: Khu vực san gạt được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xác định đang trong giai đoạn “làm thủ tục cấp phép xây dựng”.
Xem bài viết gốc tại đây: