Đang trong quá trình chạy vận hành thử nghiệm, Công ty CP Cromit Nam Việt (xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) bị người dân gửi đơn tập thể tố cáo gây ô nhiễm môi trường.
Theo phản ánh của người dân thôn 3, xã Vân Sơn, nhà máy tinh luyện quặng Ferocrom của Công ty CP Cromit Nam Việt (Công ty Cromit Nam Việt) được xây dựng hơn 10 năm trước. Nhà máy đi vào hoạt động được một thời gian thì “đắp chiếu”.
Tháng 7/2018, Công ty Cromit Nam Việt có công văn về việc bổ sung mục đích sử dụng đất nhà máy sản xuất Ferocrom. Đến ngày 20/8/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 10006 đồng ý cho Công ty này được lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung dự án để nhà máy hoạt động trở lại.
Ngày 21/12/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 5256 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Ferocrom các bon và các sản phẩm muối kim loại (Wolfram, molipden, vanadi, coban và thép hợp kim).
Đồng thời, thay đổi phương pháp thực hiện quá trình oxi hóa trong quá trình sản xuất các sản phẩm muối kim loại và cải tạo lò điện hồ quang tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn của Công ty CP Coromit Nam Việt.
Tháng 3/2022, tỉnh Thanh Hóa có văn bản cho phép Công ty Cromit Nam Việt vận hành thử nghiệm nhà máy sản xuất Ferocrom tại xã Vân Sơn.
Ống khói của nhà máy đang thải ra môi trường. Ảnh: Lê Dương
Theo người dân, từ đầu năm đến nay nhà máy sản xuất, đốt hóa chất, mùi hôi thối không thể chịu nổi.
“Nhà máy đốt cả ngày lẫn đêm, các ống khói bay ra đen kịt, hôi thối như mùi thuốc sâu, thuốc súng, người dân hít phải buồn nôn, choáng váng. Không những thế, nước ngầm từ các khe núi chảy ra xuất hiện váng, khiến người dân không dám sử dụng”, ông Trần Văn Quang, người dân thôn 3 cho biết.
Theo ông Quang, mùi hôi kinh khủng nhất là thường vào thời điểm buổi tối đến sáng mai, hoặc những ngày thời tiết âm u, những lúc này gia đình ông phải đeo khẩu trang để ngủ.
Ông Quang, một người dân thôn 3 bức xúc vì hàng ngày phải ngửi thứ mùi hôi thối như thuốc súng. Ảnh: Lê Dương
Những người dân ở đây cho biết, họ không biết công ty đốt gì, nhưng hàng đêm hàng chục xe container chở hàng vào nhà máy. Mỗi khi sản xuất thì bốc lên mùi rất thối, nếu hít phải thì lập tức chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Có những hôm khói từ nhà máy phủ xuống như một lớp sương mù.
Có mùi như người dân phản ánh
Cuối năm 2018, nghi ngờ Công ty Cromit Nam Việt chở các loại hóa chất độc hại về sản xuất gây ô nhiễm môi trường, nên hàng trăm người dân xã Vân Sơn đã chặn đường không cho xe container chở hàng vào nhà máy. Sự việc trên cũng đã được cơ quan chức năng vào cuộc, và cho đến đầu năm nay hiện tượng này lại tái diễn.
Bột để khắp nơi. Ảnh: Lê Dương
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn (huyện Triệu Sơn) thừa nhận, thời gian gần đây nhiều người dân phản ánh tới chính quyền địa phương về việc ống khói từ Công ty Cromit Nam Việt bốc lên có mùi hôi, khét.
Cũng theo ông Thành, cuối năm 2018 khi nhà máy này chạy thử nghiệm dây chuyền, người dân cũng đã làm đơn tập thể phản ánh tới các cấp chính quyền về việc ô nhiễm môi trường, đến nay sự việc lại tiếp tục tái diễn.
Phía trong nhà máy. Ảnh: Lê Dương
Tháng 1/2022, UBND xã cũng đã thành lập đoàn xác minh phản ánh của nhân dân thôn 3 về việc Công ty Cromit Nam Việt sản xuất phát sinh khí thải có mùi khét, khó chịu. Việc phản ánh của người dân được ghi nhận là đúng sự thật.
Người dân thôn 3 xã Vân Sơn bức xúc về việc Công ty Cromit Nam Việt gây ô nhiễm. Ảnh: Lê Dương
Ông Nông Bá Dũng, Trưởng phòng TN-MT huyện Triệu Sơn cho biết, công ty đang được tỉnh cho vận hành thử. Huyện cũng đã nhận được phản ánh của người dân về vấn đề ô nhiễm.
“Đúng là có mùi như phản ánh. Hôm nào thời tiết trong thì đỡ, trời mây mù thì mùi nặng hơn. Huyện không thể đánh giá được mức độ ô nhiễm, tới đây chúng tôi sẽ báo cáo với Chi Cục môi trường để họ lên test mẫu nước và không khí mới có thể đánh giá được có ô nhiễm hay không và ở mức độ nào.
Do công ty đang vận hành thử, nếu không đạt theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thì sau này tỉnh sẽ không cho hoạt động nữa”, ông Dũng cho hay.
Lê Dương – Báo VietnamNet
Theo VietnamNet
Ảnh: Toàn cảnh nhà máy
Xem bài viết gốc tại đây: