TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều dự án chống ngập

Theo Ðề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2020-2045, kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030, năm 2022, TP HCM sẽ cho khởi công dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé – Tàu Hũ – Ðôi – Tẻ (giai đoạn 3), hoàn thành vào năm 2027. Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn dự kiến được khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2028.

Bên cạnh đó, TP HCM sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè và hoàn thành dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè (giai đoạn 2). Ðồng thời, mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải: Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc, Suối Nhum trong giai đoạn 2021-2025, triển khai thi công và hoàn thành giai đoạn 2026-2030. Theo tính toán của TP HCM, sau khi các nhà máy xử lý nước thải trên đi vào hoạt động, tỉ lệ nước thải được xử lý trên toàn thành phố sẽ đạt 88,3%.

TP HCM cũng sẽ xây dựng đoạn đê bao xung yếu thuộc bờ tả quận Thủ Ðức (từ rạch cuối đường số 26 đến cuối đường số 3); cống kiểm soát trên sông Kinh, rạch Tra, Vàm Thuật, Nước Lên; tuyến kè kênh Tẻ dọc đường Trần Xuân Soạn, quận 7. Ngoài ra, thành phố cũng tiến hành cải tạo 7 trục tiêu thoát nước chính là rạch Bà Tiếng, rạch Xóm Củi, Bà Lớn, Thủ Ðào, Ông Bé, Thầy Tiêu, xây dựng tuyến kè 2 bên bờ kênh Tham Lương – Bến Cát – Nước Lên (đoạn từ sông Chợ Ðệm đến cầu Tham Lương dài 19 km) trong giai đoạn 2021-2025.

Đáng chú ý, Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), trị giá gần 10.000 tỷ đồng (còn gọi là Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng), dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2019. Tuy nhiên, dự án tạm ngưng thi công 3 lần vào các năm 2018, 2019 và 2020. Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị TP HCM đã có báo cáo gửi HÐND thành phố xem xét để tái giám sát dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án.

Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, việc giám sát của HÐND thành phố là rất cần thiết để thúc đẩy UBND thành phố giải quyết vướng mắc cho Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 40 năm 2021 của Chính phủ. Theo ông Cương, công tác giám sát phải làm rõ trách nhiệm các bên khiến dự án bị đình trệ, chậm tiến độ và giải quyết rốt ráo trên tinh thần bám sát hợp đồng và thượng tôn pháp luật. Ðặc biệt, giám sát tiến độ, trách nhiệm công việc của các sở, ban, ngành liên quan trong việc tháo gỡ vướng mắc cho dự án theo chỉ đạo của UBND thành phố.

“Giám sát phải xác định vướng mắc ở đâu? Sở Kế hoạch và Ðầu tư chưa ký phụ lục hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố và nói rõ lý do” – ông Cương nêu quan điểm và nhấn mạnh Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng là sự mong đợi từ rất lâu của hàng triệu người dân thành phố, không vì những “khiếm khuyết” mà khiến dự án kéo dài không đáng có.

S.Tuyến – Báo Đại Đoàn Kết

Theo Đại Đoàn Kết

Ảnh: Ngập nước luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người dân TP HCM. Nguồn TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

http://daidoanket.vn/tp-ho-chi-minh-trien-khai-nhieu-du-an-chong-ngap-5685469.html