Trong tổng thể quy hoạch phân khu, Hà Nội quy định một số khu vực được phép phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Hồng. Giao thông và cảnh quan tại đây sẽ được thiết kế đồng bộ.
Trong đồ án chi tiết quản lý phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ dành cho đất dân dụng là khoảng hơn 2.500 ha, chiếm 23,2% tổng diện tích đất của cả phân khu. Vùng phát triển đô thị được xác định là khu dân cư, bãi đất nằm dọc hai bên bờ sông với định hướng xây dựng nhà ở, kết nối giao thông, kết hợp nhiều chức năng, trụ sở hành chính, văn hóa, y tế, thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng…
Là trục cảnh quan quan trọng, các nhóm nhà ở mới tại phân khu sông Hồng cần được áp dụng giải pháp về quy hoạch – kiến trúc, kỹ thuật đảm bảo an toàn cho cộng đồng, giảm thiểu, khắc phục thiệt hại tại nơi có nguy cơ xuất hiện hoặc bị ảnh hưởng do trượt lở, ngập lụt, lũ… Nhà ở được phát triển đa dạng với chung cư, liền kề, biệt thự, nhà vườn.
Cũng nằm trong vùng được phát triển đô thị, cảng Hà Nội và Khuyến Lương là hai cảng chính được quy hoạch trong đồ án phân khu sông Hồng. Trong đó, Khuyến Lương là cảng container kết hợp với cảng tổng hợp; cảng Hà Nội được nghiên cứu chuyển đổi công năng theo hướng chủ yếu phục vụ du lịch, kết hợp bốc dỡ hàng sạch.
Trong quy hoạch chi tiết, đường giao thông đô thị có chỉ tiêu cơ cấu sử dụng đất là 532,16 ha, tương ứng 4,84% trong tổng diện tích của phân khu sông Hồng. Quy hoạch xác định dọc theo bờ tả, hữu sông Hồng sẽ xây dựng hai tuyến đường trục chính đô thị (TC5 bờ hữu và TC13 bờ tả) kết nối giao thông khu vực bờ tả, hữu và và kết nối với nhau thông qua các cầu xây dựng dọc sông.
Với khu vực đất công cộng đô thị, Hà Nội cho phép xây dựng công trình phục vụ dịch vụ đô thị khác như trạm sửa chữa ôtô, trạm xăng dầu, trạm cung cấp ga, khí… Đồ án phân khu sông Hồng định hướng cấm xây dựng nhà xưởng, khu công nghiệp, kho tàng tại vị trí là đất cơ quan, đất cây xanh chuyên đề…
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, phân khu đô thị sông Hồng sẽ là khu vực đặc thù, phải tuân thủ yêu cầu của Luật Đê điều. Trong đó, đoạn sông có hệ thống đê tiêu chuẩn cấp đặc biệt để ổn định dòng chảy, chống ngập lụt; chỉnh trị lòng dẫn để tăng khả năng tiêu thoát lũ. Thành phố định hướng cải tạo giao thông đường thủy để liên kết với mạng lưới vùng, toàn quốc.
Các tuyến đường chính khu vực dự kiến có quy mô bề rộng 17-30 m, quy mô 2-4 làn xe. Đối với đoạn, tuyến đi qua khu vực dân cư hiện có và đoạn đi ven sông, Hà Nội có thể thu hẹp vỉa hè để hạn chế giải phóng quy mô bề rộng mặt cắt ngang, nhưng vẫn đảm bảo số làn xe theo quy định.
Trong quy hoạch giao thông vận tải, Hà Nội nghiên cứu 2 tuyến đường sắt quốc gia và 6 tuyến đường sắt đô thị qua sông Hồng. Theo đó, tuyến xuyên tâm Yên Viên – Ngọc Hồi được cải tạo và xây dựng lại chủ yếu đi trên cầu cạn, chạy chung đường sắt quốc gia vào ga liên vận quốc tế Hà Nội và đường sắt đô thị (tuyến số 1) dự kiến đi qua sông Hồng tại vị trí phía bắc cầu Long Biên.
Bãi đất Kim Lan – Văn Đức ở dưới chân cầu Thanh Trì nằm trong vùng được phát triển đô thị. Theo phân khu chức năng, nơi đây được định hướng cải tạo hệ thống dân cư hiện trạng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật tạo sự liên thông trong khu vực. Đồng thời, tổng thể quanh khu vực này sẽ tổ chức không gian công viên đa dạng bao gồm công viên sinh thái phục hồi tự nhiên, công viên nông nghiệp.
Tuyến đường sắt qua cầu Long Biên sẽ không còn trong tương lai, thay vào đó là các cầu đường sắt đô thị kết nối khu vực phía bắc và nam sông Hồng. Hà Nội dự kiến xây dựng 6 tuyến đường sắt đô thị, trong đó tuyến số 1 đi qua sông Hồng tại vị trí cầu Long Biên mới cách cầu hiện hữu 75 m về phía thượng lưu.
Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Thạch Thảo – Mỹ Hà – Tạp chí Zing News
Theo Zing News
Xem bài viết gốc tại đây:
https://zingnews.vn/toan-canh-vung-phat-trien-do-thi-cua-do-an-phan-khu-song-hong-post1309369.html