(Phapluatmoitruong.vn) – Gần 400 ha cây rừng thuộc Tiểu khu 205, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk bị cưa hạ, nằm la liệt khắp nơi, nhiều cây có vết cưa còn khá mới.
Theo tìm hiểu, khu vực này đang được Công ty TNHH Đất Vàng Ban Mê tiến hành khảo sát hiện trạng để lập dự án trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, trồng cây ăn trái, cây nông nghiệp. Khi khảo sát, doanh nghiệp này cũng thỏa thuận hỗ trợ tiền trông coi, bảo vệ rừng với tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng và hiện đã chuyển hơn 1,3 tỷ đồng. Thế nhưng, rừng vẫn bị lâm tặc ngang nhiên khai thác trái phép.
Ông Vũ Văn Quảng – Phó Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt, cho biết: “Diện tích rừng bị phá trái phép này thuộc Tiểu khu 205, xã Ya Tờ Mốt. Tiểu khu này có diện tích 953,7 ha, trước đây được huyện giao cho 4 nhóm hộ quản lý, bảo vệ rừng, nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng của các nhóm hộ này không hiệu quả nên năm 2020, UBND huyện Ea Súp thu hồi giao về cho UBND xã quản lý.
4 năm gần đây, Công ty TNHH Đất Vàng Ban Mê xin chủ trương khảo sát để làm dự án trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp này đang trong quá trình khảo sát thì xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng này”.
Ghi nhận tại hiện trường, gần 400 ha cây rừng, chủ yếu là cây dầu và các chủng cây gỗ nhỏ, bị cưa hạ, nằm la liệt khắp nơi, nhiều cây có vết cưa còn khá mới.
Anh Nguyễn Văn L., nhà ở thôn 10, xã Ya Tờ Mốt, cách khu vực rừng bị tàn phá chỉ vài trăm mét, cho hay: “Thời điểm lâm tặc phá rừng tôi đều biết, vì lâm tặc sử dụng cưa máy nên ngồi ở nhà nghe rất rõ. Chúng thường cưa cây rừng vào ban đêm, khoảng 7 – 8 giờ tối trở đi, từ khoảng 15 ngày gần đây. Tôi không dám báo lực lượng chức năng, vì sợ bị trả thù…”.
Rừng bị tàn phá không thương tiếc.
Được biết, cuối năm 2021, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành công văn yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Trước đó, đoàn công tác của Tổng cục Lâm nghiệp theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã có chuyến kiểm tra thực tế công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Đắk Lắk. Vậy mà việc phá rừng vẫn diễn ra liên tục, thậm chí ngày càng nghiêm trọng!
Theo lãnh đạo xã Ya Tờ Mốt, nhiều lần xã nhận được tin báo của đơn vị bảo vệ rừng, nhưng các tin này đều là các vụ phá rừng nhỏ lẻ. Khi chính quyền địa phương đến nơi, do không thấy các đối tượng phá rừng nên ra về. Đối với sự việc phá hơn 382 ha rừng, khi nhận được tin báo, cơ quan chức năng thấy có bảo vệ Công ty chốt ở gần hiện trường, nhưng không ai báo tin cho xã.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Đất Vàng Ban Mê, diện tích hơn 382 ha rừng bị phá bao gồm một phần diện tích rừng bị phá trước đây. Bên cạnh đó, rừng ở đây chủ yếu cây nhỏ, các đối tượng phá vào các đêm mưa, đường xa, lực lượng xã bán chuyên trách nên không thể phát hiện kịp thời.
Còn lãnh đạo Hạt kiểm lâm Ea Súp cho biết, thời điểm rừng bị phá, có 13/17 cán bộ nhân viên cùng bị mắc Covid-19 nên không đủ nhân lực để quản lý, lâm tặc lợi dụng thời điểm này để hoành hành.
Lâm tặc ngang nhiên hoành hành nhưng từ chính quyền địa phương đến đơn vị được giao quản lý rừng đều nói không biết.
Có thể thấy, để phá một diện tích lớn rừng như vậy, chắc chắn không phải là hành động diễn ra lén lút trong một vài ngày, mà thời gian sẽ kéo dài và với quy mô lớn. Thế nhưng, từ chính quyền địa phương đến đơn vị được giao quản lý rừng đều nói “không biết!”, trong khi người dân lại nghe rõ tiếng cưa máy thì thật kỳ lạ. Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc mất rừng quy mô lớn này?
Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Bình An – Lê Vân
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Hàng ngàn cây rừng có đường kính từ 5cm -20 cm bị cưa hạ.