Hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 39 dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng nằm trên các huyện, thành phố, trong đó có 2 dự án với quy mô hơn 81,7ha đã đủ điều kiện huy động vốn.
Để tránh những rủi ro trong giao dịch và bảo đảm minh bạch, phát triển lành mạnh ổn định của thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản số 1120/SXD-QLNĐ&HT công khai các thông tin về các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị đủ điều kiện huy động vốn; đủ điều kiện được phép bán nhà hình thành trong tương lai; chưa được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở trên địa bàn.
Theo Sở Xây dựng, hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 39 dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng nằm trên các huyện, thành phố, trong đó có 2 dự án với quy mô hơn 81,7ha đã đủ điều kiện huy động vốn.
Ngoài ra, tỉnh có 9 dự án, quy mô 110ha khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị được phép bán nhà hình thành trong tương lai. Đặc biệt, có tới 28 dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị đã chấp thuận đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhưng chưa được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở, quy mô hơn 976ha.
Sở Xây dựng cũng khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với 28 dự án bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Trước khi tham gia các giao dịch bất động sản, người dân cần tìm hiểu các thông tin về dự án bất động sản được công bố trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc và Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong 28 dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, thành phố Vĩnh Yên nhiều nhất với 14 dự án bao gồm: Khu đô thị mới Đầm Cói có chủ đầu tư do Công ty cổ phần TMS bất động sản làm chủ đầu tư, diện tích 154,5ha; Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc của Công ty cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia, diện tích 54,2ha; Khu nhà ở đô thị tại xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên-Mountain View của Công ty cổ phần đầu tư VCI, diện tích hơn 13ha; Khu đô thị mới Chùa Hà Tiên của chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng 24,84ha…
Cùng với đó, thành phố Phúc Yên có 5 dự án gồm Khu du lịch sinh thái Đại Lải do Công ty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải làm chủ đầu tư, diện tích 103,9ha; Khu du lịch sinh thái Thanh Xuân do Công ty cổ phần Thanh Xuân quy mô gần 167ha; Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Lải Việt Nam gần 157ha; Khu nhà ở xã hội tại phường Phúc Thắng của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và xây dựng Thân Hà 1,59ha; Khu đô thị mới Tiền Châu khu vực 2 của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị-Bộ Quốc phòng 36ha.
Các dự án còn lại (9 dự án) nằm tại các huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Yên Lạc.
Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có công văn 1832/UBND-CN3 ngày 24/3/2022 gửi ngành chức năng và chính quyền địa phương trong tỉnh về việc tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm, thu hồi dự án khu đô thị, khu nhà ở và dự án dịch vụ thương mại chậm triển khai.
Do vậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở, dự án công trình dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh; đồng thời, các ngành tập trung kiểm tra, rà soát lại tất cả các dự án trên địa bàn.
Những dự án chậm do cơ quan nhà nước, chậm ở thủ tục phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và đẩy nhanh tiến độ; dự án thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm của các huyện, thị trong giải phóng mặt bằng thì phải tìm các cơ chế để giải quyết…
Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN/Vietnam+)
Theo VietnamPlus
Ảnh: Một góc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Xem bài viết gốc tại đây: