Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ công bố xếp hạng về bảo vệ môi trường của các địa phương năm 2021 nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6…
Để việc công bố kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương năm 2021 đúng theo dự kiến, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Tổng cục đã xây dựng kế hoạch chi tiết việc triển khai thực hiện, đồng thời phân công cụ thể cho các đầu mối với yêu cầu thời hạn hoàn thành công việc.
Theo đó, trong tháng 3/2022, Tổng cục Môi trường sẽ hoàn thành việc rà soát, thẩm tra số liệu của các địa phương trên cơ sở các dữ liệu, số liệu thu thập được; trình Bộ ký thành lập Hội đồng thẩm định cấp Bộ; đề nghị đơn vị đầu mối thực hiện điều tra xã hội học đối với báo cáo kết quả điều tra xã hội học đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống.
Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường có 27 chỉ số thành phần, được cấu trúc thành hai nhóm gồm: Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống. |
Trong tháng 4/2022, Tổng cục Môi trường sẽ làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương để trao đổi, thống nhất số liệu đánh giá; làm việc với đại diện các Bộ để thống nhất kết quả thẩm tra. Tổng cục Môi trường cũng sẽ làm việc với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thống nhất báo cáo tổng hợp phiếu điều tra xã hội học đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống; báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung/phương án chi tiết về việc phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức công bố kết quả.
Tháng 5/2022, Tổng cục Môi trường sẽ tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định. Căn cứ kết quả phiên họp, Tổng cục sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt kết quả bảo vệ môi trường năm 2021 của các địa phương. Tổng cục Môi trường dự kiến Hội đồng thẩm định sẽ xem xét, có ý kiến về phương pháp thực hiện thẩm tra, đánh giá của Cơ quan thường trực Hội đồng.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, việc xếp hạng bảo vệ môi trường của các địa phương có tác động tích cực khi thúc đẩy chuyển biến thực chất trong công tác quản lý ở các cấp, các ngành, đồng thời khơi dậy ý thức, trách nhiệm đối với mỗi người dân. Vì vậy, việc đánh giá phải khách quan, minh bạch, trung thực, công bố rộng rãi để tạo động lực cho toàn xã hội vì một môi trường xanh hơn, bền vững hơn. Ông Nhân đề nghị Tổng cục Môi trường sớm thành lập Hội đồng thẩm định kết quả. Cùng với đó hoàn thiện quy chế có tính pháp quy để các tỉnh áp dụng và có các chỉ số mềm phù hợp với từng năm để việc đánh giá đạt hiệu quả thực chất hơn.
Năm 2020 là năm đầu tiên áp dụng Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương. Sau khi kết quả được công bố đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các địa phương về trách nhiệm thực hiện công tác bảo vệ môi trường, khích lệ các địa phương có điểm số cao tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ chỉ số có 27 chỉ số thành phần, được cấu trúc thành hai nhóm gồm: Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống.
Theo kết quả xếp hạng năm 2020 có 5 địa phương bảo vệ môi trường đạt mức tốt; 34 địa phương đạt mức khá và 24 địa phương trung bình. Cụ thể, 5 địa phương đạt mức tốt gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Trà Vinh. |
Nhĩ Anh/VnEconomy
Theo VnEconomy
Ảnh: Ảnh minh họa
Xem bài viết gốc tại đây:
https://vneconomy.vn/xep-hang-bao-ve-moi-truong-cua-cac-dia-phuong.htm