Kênh Nhiêu Lộc đã có một bộ mặt mới sau nhiều năm nỗ lực phục hồi, trả lại màu xanh của lãnh đạo Thành phố. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân vẫn chưa nâng cao ý thức trong việc bảo vệ, tôn tạo, vô tình làm xấu đi một dòng kênh đẹp được ví như ‘sông Seine của Sài Gòn’.
TPHCM có lợi thế chính là những con rạch xuyên tâm đã được hồi sinh sau nhiều năm chịu cảnh hôi thối, ô nhiễm. Trong đó, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, có được màu xanh hôm nay đã trải qua quá trình cải tạo quy mô lớn và tốn kém.
Từ năm 2002, một dự án được thiết kế nhằm “xóa đi” dòng kênh đen Nhiêu Lộc – Thị Nghè của TPHCM. Các kỹ sư của dự án phải xây hệ thống cống ngầm thu gom nước thải phía dưới kênh dài 8 km, cống có đường kính 3 m nhằm tăng khả năng thoát nước; đồng thời gia cố bờ kênh và lắp đặt 60 km cống thu nước thải. Trước khi dự án được triển khai, khu vực này thường xuyên bị ngập nước do đường cống thoát nước nhỏ; ô nhiễm nước nghiêm trọng, đặc biệt là tại các khu đông dân do không thu gom và xử lý nước thải… Đến tháng 6/2012, hoàn thành dự án cải thiện vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 8.600 tỉ đồng, trong đó hơn 1.600 tỉ đồng chi phí bồi thường giải tỏa hơn 7.000 hộ dân với gần 50.000 người.
Nhịp sống văn minh, sạch đẹp đã trở lại với người dân hai bên bờ kênh.
Một nhân viên đội vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cho biết nhận nhiệm vụ vệ sinh mặt nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè từ năm 2012. Từ đó đến nay, dòng kênh bắt đầu được chuyển hóa dần. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, rác trên kênh ít dần, dòng kênh tốt lên hẳn. “Nguyên nhân chính nằm ở ý thức người dân”, nhân viên nhìn nhận.
Mỗi chiều, thuyền du lịch của ông Phan Xuân Anh vẫn đều đặn đưa khách đi dọc dòng kênh để cảm nhận không khí trong lành, ăn tối trên thuyền, nghe lịch sử thành phố, phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, hằng ngày vẫn dễ dàng bắt gặp nhiều người thiếu ý thức vô tư phóng uế ngay vào khung giờ người dân đi tập thể dục.
Nhiều người vô tư dùng cả lưới để bắt cá, những người này thường dùng xuồng máy, di chuyển từ sông Sài Gòn vào đây bắt cá.
Thậm chí nhiều người còn dùng cả xung điện, một hình thức đánh bắt tận diệt.
“Nhiều người mang thú nuôi ra đây cột, tắm nắng mà không cạnh bên trông giữ, đi ngang sợ lắm”, ông Lê Văn Tài, ngụ phường 2, Phú Nhuận cho biết.
“Nhiều người còn dẫn theo thú cưng đi dạo và cũng để cho nó đi vệ sinh. Ra đây tập thể dục không cẩn thận dễ giẫm phải phân của chúng lắm”, chị Lê Thị Khánh Phương, ngụ quận 3 bức xúc.
TPHCM nỗ lực trong nhiều năm để cải tạo dòng kênh, chính vì thế việc người dân nâng cao ý thức, chung tay bảo vệ và xây dựng màu xanh của dòng kênh được xanh mãi.
Hy vọng, mỗi chiều, người dân đi dạo, tập thể dục không phải né tránh những cần thủ như thế này.
Phạm Nguyễn – Báo Tiền Phong
Theo Tiền Phong
Xem bài viết gốc tại đây: