Đầu tháng 3/2022, theo chỉ đạo của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Công ty CP đầu tư Đồng Thuận, chủ đầu tư dự án đường tránh Biên Hòa (Đồng Nai), bắt đầu mở dải phân cách cứng phía Đông trạm thu phí BOT Cường Thuận.
Mở dải phân cách phía Đông
Đây là kết quả đầu tranh không ngừng nghỉ của cư dân xung quanh trạm thu phí này suốt gần 8 năm qua. Cho đến khi sự việc được phản ánh gay gắt trên các phương tiện báo chí truyền thông, trong đó có Môi trường và Đô thị Việt Nam ,cuối cùng thì dải phân cách đã được mở trong sự phấn khởi của bà con nhân dân.
Từ năm 2009, tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch xây dựng một con đường tránh để thay thế cho đoạn quốc lộ 1 đi thẳng vào thành phố Biên Hòa. Đoạn đường này dài khoảng 12km, chếch về bên trái quốc lộ 1 nếu đi từ Bình Thuận về, giải tỏa áp lực ùn tắc giao thông thường xuyên tại đây. Chính quyền tỉnh Đồng Nai đặt tên đoạn đường tránh này là đường Võ Nguyên Giáp.
Để có 1500 tỉ đồng xây dựng, Bộ Tài chính đã đồng ý để Bộ Giao thông vận tải cho phép chủ đầu tư đặt trạm thu phí tại QL1 để thu luôn các phương tiện giao thông qua đây, dù có đi đường tránh hay không!
Liên danh 3 nhà: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cường Thuận IDICO (sở hữu hơn 80%), Công ty Đồng Tân thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai và Tổng công ty Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) ra đời từ đó, lấy tên Đồng Thuận làm tên công ty và Cường Thuận làm tên trạm thu phí.
Ông Trần Đức Bài, một cư dân bị ảnh hưởng bởi dải phân cách bít lối đi suốt 7 năm nay, bày tỏ: “Chúng tôi cảm ơn các nhà báo và cơ quan báo chí đã xả thân đấu tranh cho người dân, buộc BOT Cường Thuận phải mở dải phân cách phía Đông. Đó là niềm vui chung của toàn bộ cư dân sống ở đây”.
“Nếu không có báo chí vào cuộc thì câu chuyện mở dải phân cách phía Đông trạm thu phí vẫn chưa có hồi kết” một người dân khác nói.
Ngày 23/2/2021, trong khi tác nghiệp tại trạm thu phí BOT Cường Thuận Trảng Bom, phóng viên Trần Văn Tuấn của Báo Người Lao Động đã bị 2 kẻ côn đồ hành hung. Người ta nghi ngờ 2 kẻ ra tay với phóng viên có dính dáng đến trạm thu phí BOT này.
“Đây không phải lần đầu có người bị hành hung ở trạm thu phí. Trước đây, khi đấu tranh đòi dẹp trạm, đã có người bị đám côn đồ này xuống tay rồi…” một người chứng kiến sự việc cho biết.
Dời trạm thu phí – nguyện vọng của mọi người
Theo các thông tin đã được công khai, nhà đầu tư Đồng Thuận đã “lấy vốn” 1.500 tỉ bỏ ra xây dựng từ lâu. Với doanh thu hiện nay mỗi ngày hơn 1 tỉ đồng, BOT Cường Thuận Trảng Bom đã là “con gà đẻ trứng vàng”. Nếu tiếp tục thu phí thêm 5 năm nữa theo kế hoạch được duyệt thì trạm thu phí này đã “ăn” trên mồ hôi nước mắt của người dân (lái xe, chủ doanh nghiệp vận tải, khách vãng lai…) đến 1.800 tỉ đồng.
Điều bất cập là khi Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải “khuyến khích đầu tư” bằng cách cho đặt trạm thu phí trên QL1 nhưng lại không ấn định thời gian trạm đặt ở đó trong bao lâu phải dời lại đúng vị trí là đường tránh Võ Nguyên Giáp. Điều này vô hình trung trở thành chỗ dựa cho chủ đầu tư khi búa rìu dư luận công kích và chính là nguyên nhân gây ra sự bức xúc đỉnh cao của giới tài xế vào tháng 9/2017 khiến cho trạm phải 3 lần xả làn để giải tỏa ùn tắc
“Tôi nghĩ rằng đã đến lúc dời trạm thu phí đi vì doanh thu hon7 năm nay là quá đủ” một người dân khác nói
Theo thiết kế dự án đường tránh TP Biên Hòa gồm 2 phân đoạn: Phân đoạn 1 là cải tạo mặt đường QL1A đoạn Km1841+000 đến Km1851+714, chiều dài 10,7 km và phân đoạn 2 là xây dựng mới tuyến QL1A từ giao Km1851+714 đến giao Km5+000 Quốc lộ 51, chiều dài 12,2 km (còn gọi là đường tránh TP. Biên Hòa).
Như vậy, suốt hơn 7 năm qua tính từ lúc mở cửa bán vé (tháng 7/2014) đến nay, BOT Cường Thuận Trảng Bom đã “ăn gian” hàng ngàn tỉ đồng của người dân, gây bất bình cho giới tài xế vì buộc phải trả tiền cho đoạn đường tránh dài 12km mà mình không đi!
Mục đích cuối cùng của dự án đường tránh TP Biên Hòa là tạo sự thông suốt cho các tuyến giao thông để người dân thoải mái hơn sống tốt hơn, chính quyền cũng đỡ áp lực hơn trong việc điều tiết giao thông và cuộc sống dân chúng Đường tránh Võ Nguyên Giáp đã phần nào làm được điều này trong những năm qua. Thế nhưng, để cho mục đích và ý nghĩa của dự án được trọn vẹn, hoàn mỹ thì các ban ngành chức năng và người dân phải thấy được sự hợp lý và công bằng. Sự tồn tại trên nỗi bức xúc triền miên của dân chúng và băn khoăn của nhà chức trách thì việc điều chỉnh lại cho hợp lý sẽ không còn xa…
Hùng Sơn – Nguyễn Lộc – Xuân Thời
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)