Người lao động F0 sẽ căn cứ vào tình hình sức khỏe, điều kiện thực tế có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không để thỏa thuận với chủ sử dụng lao động, không nên coi là quy định bắt buộc…
Bộ Y tế vừa có đề xuất cho trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh Covid-19.
Người F1 được chuyển sang theo dõi 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm được làm các công việc trực tuyến và trực tiếp. Những người là F1 nhưng chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp.
Tuy nhiên, các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng cao trong thời gian gần đây dẫn đến thiếu hụt lao động tạm thời tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp, đề xuất được kỳ vọng giảm tải áp lực về vấn đề lao động, song còn nhiều ý kiến băn khoăn khác nhau.
Chị Nguyễn Thu Hoài (Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội), hiện là nhân viên kế toán một công ty bảo hiểm tại Hà Nội cho rằng, đề xuất cho F1 đi làm là hợp lý, vì nếu cách ly sẽ thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng.
Tuy nhiên, với F0 thì vẫn nên cho cách ly tại nhà từ 5 – 7 ngày, vì biến chủng mới dù có triệu chứng nhẹ nhưng vẫn làm cho người bệnh cảm thấy có phần mệt mỏi, làm việc không thực sự hiệu quả như người khỏe mạnh bình thường. Bản thân chị Hoài cũng vừa là F0 trải qua hơn 10 ngày điều trị mới khỏi bệnh và trở lại công việc.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) nói thực tế hiện nay nhiều F0, trong đó có anh dù điều trị cách ly tại nhà nhưng vẫn làm việc trực tuyến chứ chưa cần có đề xuất của Bộ Y tế do yêu cầu của đơn vị. Làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, anh Nam cho biết dù cách ly vẫn có thể xử lý công việc và không bị ảnh hưởng quá nhiều, tuy nhiên mỗi lĩnh vực có đặc thù khác nhau không thể làm trực tuyến mà bắt buộc phải đến làm trực tiếp thì việc cho F0, F1 đi làm cần cân nhắc.
“Chưa bàn đến hiệu suất làm việc, dù những F0 không có triệu chứng và bản thân họ cảm thấy đủ sức khỏe để đảm bảo công việc nhưng không may họ lây cho những người mà gia đình đó có người già có bệnh nền và trẻ em chưa được tiêm mũi vaccine nào thì như vậy rất nguy hiểm cho người khác”, anh Nam bày tỏ lo ngại.
Nhiều người lao động là F0 vẫn làm việc trực tuyến. Ảnh minh họa.
Bản thân cũng vừa là F0 và có triệu chứng nhẹ, song chị Nguyễn Thị Tình (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội), nhân viên hành chính một viện công nghệ sinh học trên địa bàn Hà Nội cho rằng, không phải ai nhiễm bệnh cũng có triệu chứng nhẹ nên nếu để F0 đi làm cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
“Nhiều người bạn của tôi khi nhiễm bệnh họ nói rất mệt, có người còn chóng mặt, buồn nôn, hơn 10 ngày mới âm tính. Cũng có những người lúc dương tính không có triệu chứng gì chỉ như cảm cúm và vẫn làm việc bình thường, nhưng sau khi âm tính thì mới cảm thấy cơ thể suy nhược chưa thể trở lại công việc ngay”, chị Tình nói và cho rằng, việc đề xuất cho F0, F1 quay trở lại làm việc không nên vội vàng, bởi rất có thể các doanh nghiệp sẽ thúc ép người lao động đi làm khi sức khỏe chưa đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng tình việc người lao động là F0 không triệu chứng làm việc trực tuyến nhưng không nên coi là quy định bắt buộc. Người lao động là F0 sẽ căn cứ vào tình hình sức khỏe, điều kiện thực tế ở gia đình có đáp ứng được không để thỏa thuận, nhận công việc với chủ sử dụng lao động.
“Người F0 rất dễ chuyển từ bình thường, không triệu chứng thành trở nặng và diễn tiến nhanh, dễ có những hậu quả ngoài mong muốn nếu phải làm việc. Những người F0 là đang bị bệnh cần giữ gìn sức khỏe, ăn uống, vận động phù hợp, cũng như được hưởng đầy đủ quyền khám bệnh, bảo hiểm xã hội… để đảm bảo sức khỏe lâu dài, chứ không chỉ vì 1 – 2 tuần làm việc trước mắt”, ông Vũ Minh Tiến nêu quan điểm.
Phúc Minh/VnEconomy
Theo VnEconomy
Ảnh: Ảnh minh họa.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://vneconomy.vn/de-xuat-cho-f0-f1-di-lam-khong-nen-coi-la-quy-dinh-bat-buoc.htm