(Phapluatmoitruong.vn) – Sáng 5/3/2022, UBND Tp. Thủ Đức đã tổ chức tọa đàm “Doanh nghiệp đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung Tp. Thủ Đức”.
Đô thị giàu tiềm năng
Tp. Thủ Đức được thành lập từ ngày 01/01/2021 bằng việc gộp các quận đang có xu hướng phát triển nóng về hạ tầng kinh tế xã hội tại Tp. HCM là quận 2, 9 và Thủ Đức, dự kiến sẽ đóng góp 30% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cho Tp.HCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước, định hướng trở thành đô thị hạt nhân, phát triển mạnh kinh tế kỹ thuật cao, góp phần thúc đẩy kinh tế TP. HCM nói riêng và toàn miền Nam nói chung.
Hiện Thủ Đức có tám trọng điểm sáng tạo với hạ tầng thuận lợi và quy mô đất đai dồi dào để phát triển, cụ thể: Trung tâm tài chính Thủ Thiêm; Khu đô thị tương lai Trường Thọ; Khu thể thao Rạch Chiếc; Khu công nghệ cao Sài Gòn; Khu công nghệ và đa chức năng Linh Trung; Đại học Quốc gia; Đô thị sinh thái Tam Đa – Long Phước; Trung tâm Logistic Cát Lái.
Nhiều dự án hạ tầng đáng chú ý ở phía Đông Tp.HCM thúc đẩy tiềm năng khu vực như đường cao tốc Bắc Nam, cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến metro số 1, đường Vành đai 2, Vành đai 3, cao tốc Mai Chí Thọ và Phạm Văn Đồng, mở rộng quốc lộ 13 hay bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động.
“Tôi hy vọng trong buổi tọa đàm hôm nay các đơn vị sẽ đóng góp thật nhiều ý tưởng để phát triển quy hoạch Tp.Thủ Đức theo định hướng TP thông minh, sáng tạo, tương tác cao. Chúng tôi rất mong nhận được những đóng góp để hiện thực hóa quy hoạch” – Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND Tp. Thủ Đức chia sẻ ngay khi mở đầu buổi tọa đàm.
Ông Hoàng Tùng – Chủ tịch UBND Tp. Thủ Đức phát biểu tại tọa đàm
Còn ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Tp.HCM, có ý kiến: “Chúng tôi mong muốn đồ án quy hoạch phải đời thường hơn, bài bản, thành những sản phẩm đi vào thực tiễn. Chúng ta cần xây dựng quy hoạch tốt từ cơ sở tiếp thu một cách trung thực từ ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, coi đây là những tiêu chuẩn để thẩm định đồ án cho khả thi nhất”.
Để tăng cường mời gọi đầu tư, chính quyền Tp. Thủ Đức cho biết đã và đang rà soát toàn bộ dự án trên địa bàn, đặc biệt là các hạ tầng giao thông để đẩy nhanh việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, thi công hoàn thiện công trình. TP cũng đề xuất thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư và phát triển nguồn nhân lực, thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để mời gọi đầu tư.
Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Tp.HCM nêu quan điểm.
Các chuyên gia, doanh nghiệp góp ý
Theo bà Phạm Thị Huệ Linh, đại diện Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (thuộc Bộ Xây dựng), quy hoạch chung tại Tp. Thủ Đức cần được thực hiện theo phương pháp quy hoạch cấu trúc chiến lược, chỉ áp đặt những gì cần thiết, phải mở ra không gian sáng tạo cho người dân. Theo bà, trên cùng một mảnh đất, doanh nghiệp có thể phát triển với nhiều chức năng khác nhau tại mỗi thời điểm khác nhau nhưng phải tuân theo pháp luật. “Trên thế giới có 3 nguyên lý để làm quy hoạch tốt: đa dạng, linh hoạt, mật độ cao tuy nhiên chúng ta lại đang làm ngược lại: đơn điệu, cứng nhắc và mật độ thấp”, bà Linh nhấn mạnh.
Về tuyến phát triển công nghệ và chuyển đổi số Thủ Đức, ông Hoàng Quốc Trường – Phó Giám đốc VNPT, đưa ra nhiều đóng góp tạo đà cho sự phát triển bền vững của TP. Theo đó, hạ tầng ICT (thông tin truyền thông) và hạ tầng dữ liệu là 2 thành phần đóng vai trò thiết yếu để số hóa TP một cách nhanh chóng. Để phát triển nền hạ tầng này, ông Trường đề xuất cần tiếp cận ngay với những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới là 5G và hướng tới 6G, hệ thống cáp quang phải đảm bảo băng thông cao và cực cao; xây dựng những trung tâm dữ liệu, đảm bảo an ninh thông tin, phủ sóng mạng 5G khắp TP; xây dựng nhiều trạm di động, IOT trong các cao ốc, khu đô thị tạo điều kiện cho các nhà mạng sử dụng chung hạ tầng. Các hệ thống đó bắt buộc phải kết nối với trung tâm điều hành thông minh và ưu tiên các lĩnh vực thiết yếu ảnh hưởng đến cuộc sống người dân Tp. Thủ Đức như cảnh báo môi trường, cảnh báo ngập nước, cảnh báo kẹt xe… nhầm nâng tầm cuộc sống người dân.
Về tài chính, thương mại dịch vụ và y tế, ông Jonathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Tập đoàn Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương, cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm giúp Thủ Đức thực hiện quy hoạch một cách có hiệu quả. Về việc phát triển TTTC Thủ Thiêm, ông cho rằng cần hoàn thiện nhanh các hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các khu vực lân cận, với các quận của Tp.HCM và các tuyến đường liên tỉnh; Có kế hoạch và phương án để phát triển nguồn nhân sự có tay nghề cao trong lĩnh vực tài chính và công nghệ. Ông Hạnh cũng đặc biệt chú tâm đến phát triển các trung tâm thương mại, các khu giải trí, mua sắm, khu vui chơi từ đó thu hút khách du lịch đến cho TP.PGS.TS. Nguyễn Anh Thi (Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao) khẳng định, việc phát triển của TP trong tương lai phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, phát triển dựa trên nhân lực chất lượng cao và phải đảm bảo điều kiện sống, giải trí, học tập, làm việc… được diễn ra trên một không gian chung. PGS.TS cũng cho biết: “Hiện nay, quy hoạch của chúng ta quá cứng nhắc, một khu không lồng ghép được nhiều chức năng” và mong muốn Thủ Đức phải quy hoạch theo một hướng mới hơn, sáng tạo hơn.
Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương phát biểu.
Bà Phạm Thị Bích Huệ – Chủ tịch Western Pacific Group, nhìn nhận Thủ Đức là một địa bàn chiến lược, phù hợp để phát triển một trung tâm logistic mang tầm cỡ quốc tế, cần quy hoạch ngay một trung tâm logistic chuyên dụng tránh để mất lợi thế hiện có của TP.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho biết, hạ tầng giao thông chính là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của Tp. Thủ Đức. Ông cũng mong muốn chính quyền TP quan tâm việc thu hút nhà đầu tư chiến lược để phát triển TTTC Thủ Thiêm vì đây có thể sẽ trở thành trung tâm “cực phát triển” của Tp. Thủ Đức”.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM phát biểu.
Còn ông Trần Quốc Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh – đề xuất Tp. Thủ Đức cần chú trọng quy hoạch không gian ngầm. Hiện nay, đất đai và không gian phát triển có giới hạn nên quy hoạch không gian ngầm là một trong những cách mở rộng không gian đầu tư cho đô thị.
Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh phát biểu.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch Vietravel Holdings nhấn mạnh phải đặc biệt chú trọng đến đầu tư về sông nước tại Thủ Đức, phải triển các môn thể thao trên sông, các trạm du thuyền, cano… nhằm khai thác triệt để tiềm năng của các con sông. Đồng thời, triển khai các tuyến đường ven sông, chiếu sáng khu vực ven sông nhanh chóng để thu hút giới trẻ đến tham quan.
Kết thúc tọa đàm, ông Hoàng Tùng, chủ tịch UBND Tp. Thủ Đức, cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến và kiến nghị lên UBND Tp.HCM. Bên cạnh đó, thời gian tới, TP sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề cho từng ngành nhằm lắng nghe sâu hơn các góp ý của doanh nghiệp. “Làm sao để đồ án quy hoạch Thủ Đức khả thi nhất và cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng TP để thực hiện quy hoạch” – ông Tùng nhấn mạnh.
Bình An
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Toàn cảnh buổi tọa đàm.