Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam (Bài 2)

Từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới mở cửa phát triển đất nước đến nay, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề làm thế nào để không chỉ phát triển mà phải là phát triển bền vững và phát triển kinh tế tuần hoàn là một xu hướng của phát triển bền vững.

Những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, luật pháp liên quan tới phát triển bền vững ở Việt Nam.

Các nội dung của Luật và Nghị định liên quan đến kinh tế tuần hoàn

Các quan điểm của Đảng được thể hiện qua: Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 25/6/1998 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 15/11/2004 về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Có thể thấy, trước khi có Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, mặc dù Đảng chưa đề cập trực tiếp đến thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn”, nhưng đã chứa đựng các nội dung căn bản của phát triển kinh tế tuần hoàn, như: thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm tài nguyên đất, nước, bổ sung phát triển khâu tái chế, sử dụng các sản phẩm tái chế và từng bước áp dụng các biện pháp buộc các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi và xử lý sản phẩm đã qua sử dụng do mình sản xuất, nhập khẩu. Vai trò của tái chế được đề cao góp phần giảm thiểu tiêu thụ những vật liệu thô mới, giảm sử dụng năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí do đốt rác và ô nhiễm nước do chôn lấp. Kế thừa các quan điểm trên, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “… xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ghi nhận chính thức thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn” và là cơ sở chính trị quan trọng để Nhà nước ta hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước ta ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Đất đai năm 2013,… quy định một số nội dung liên quan đến kinh tế tuần hoàn, như: quy định về sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải; quy định về mua sắm xanh, về phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải, trong đó có rác thải nhựa.

Các yếu tố của phát triển kinh tế tuần hoàn tiếp tục được ghi nhận trong các văn bản khác nhau, như: Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2050, Quyết định 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Quyết định 343/QĐ-TTg ngày 12/03/ 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ Môi trường; Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 25/4/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/04/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về các mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Quyết định số 432/QĐ-TTg về ban hành Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Quyết định 1261/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 về chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Quyết định số 192/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025, Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050,…

Đỉnh cao của quá trình này là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bên cạnh việc tiếp tục quy định về kinh tế xanh, mua sắm xanh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh, về thu gom quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải sinh hoạt, thu tiền phí vệ sinh theo khối lượng, chủng loại và thể tích, về trách nhiệm thu hồi sản phẩm (EPR)… thì lần đầu tiên Nhà nước ta ghi nhận thuật ngữ phát triển “kinh tế tuần hoàn” tại Điều 142, theo đó:

Thứ nhất, đã đưa ra khái niệm về kinh tế tuần hoàn.

Thứ hai, quy định trách nhiệm các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải.

Thứ ba, quy định trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.

Thực trạng pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam - Ảnh 3
Poster tuyên truyền Chương trình “Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững”. Chương trình được đồng hành bởi Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (VUREIA), PRO Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

Vấn đề này tiếp tục được hướng dẫn chi tiết hơn trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, cụ thể:

Thứ nhất, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, pháp luật quy định các phân khu chức năng trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải được quy hoạch bảo đảm các điều kiện sau: giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế chất thải, tiết kiệm năng lượng và cộng sinh công nghiệp. Đặc biệt, Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng chất thải, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích thành lập mới hoặc chuyển đổi các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Thứ hai, về quản lý chất thải, đặc biệt chất thải rắn là khâu then chốt trong thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Do vậy, Điều 56 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết hơn về việc phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn, theo đó:

Sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phải được quản lý để giảm khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường theo tiêu chí của kinh tế tuần hoàn;

Giảm thiểu chất thải rắn phát sinh thông qua việc áp dụng các giải pháp tăng hiệu quả sản xuất hoặc hiệu quả sử dụng sản phẩm;

Việc sử dụng sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng phải theo nguyên tắc tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn thông qua việc áp dụng các giải pháp theo thứ tự ưu tiên theo 6 bước: Tái sử dụng sản phẩm thải bỏ; Sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì hoặc nâng cấp sản phẩm bị lỗi, sản phẩm cũ để kéo dài thời gian sử dụng; Tận dụng thành phần, linh kiện của sản phẩm thải bỏ; Tái chế chất thải rắn để thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất theo quy định của pháp luật; Xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật; Chôn lấp chất thải rắn theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích áp dụng giải pháp chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn.

Thứ ba, Nghị định đã đưa ra các tiêu chí phát triển kinh tế tuần hoàn, cụ thể, gồm:

Giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng;

Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện;

Hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm: giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh.

Để đạt được tiêu chí kinh tế tuần hoàn, Nghị định quy định khá rõ trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể trong thực hiện các tiêu chí trên:

Đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cần: Hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện môi trường; tối ưu hoá sử dụng thiết bị, sản phẩm; tăng hiệu quả sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu; Kéo dài vòng đời sản phẩm và các linh kiện, cấu kiện của sản phẩm, bao gồm: tái sử dụng (sản phẩm được người tiêu dùng khác tái sử dụng); tu bổ (sửa chữa hoặc bảo trì các sản phẩm bị lỗi để kéo dài thời gian sử dụng); tân trang (phục hồi và nâng cấp sản phẩm cũ); tái sản xuất (sử dụng các thành phần, linh kiện, cấu kiện của các sản phẩm thải bỏ vào các chức năng tương tự); thay đổi mục đích sử dụng (sử dụng các sản phẩm hoặc các linh kiện, cấu kiện của sản phẩm thải bỏ cho sản phẩm mới có chức năng khác); Giảm chất thải phát sinh, bao gồm: tái chế chất thải (xử lý, chế biến chất thải để chuyển hóa thành nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu có ích); thu hồi năng lượng thông qua thiêu đốt chất thải.

Đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp cần: Thiết kế mặt bằng tổng thể tối ưu, liên kết giữa các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm định mức tiêu thụ tài nguyên đất, nước, khoáng sản, năng lượng; nâng cao tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tổng khối lượng chất thải phát sinh và các giải pháp khác theo quy định của pháp luật; Phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật; Thu gom, lưu trữ để tái sử dụng nước mưa; thu gom, xử lý, tái sử dụng nước thải; Thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Đối với chủ dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung thực hiện thiết kế, tổ chức quản lý và thực hiện các biện pháp sau đây để đạt được tiêu chí kinh tế tuần hoàn: Thiết kế mặt bằng tổng thể tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm định mức tiêu thụ tài nguyên đất, nước, năng lượng; Áp dụng các giải pháp giao thông thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; Phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật; Thực hiện các biện pháp khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn khả thi trên thực tiễn, Nghị định cũng hướng dẫn khá rõ lộ trình, trách nhiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn của các chủ thể từ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn trước ngày 31/12/2023; xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt là xây dựng, ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn;

Bên cạnh đó, cũng quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ trong chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình để thúc đẩy thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực, ngành, địa phương mình quản lý. Nghị định cũng quy định về nội dung kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích chủ dự án đầu tư, cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn sớm hơn lộ trình được xác định trong kế hoạch hành động.

Thứ năm, quy định về cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn, như: Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn đối với các hoạt động: Nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện kinh tế tuần hoàn; Cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn. Tổ chức, cá nhân có hoạt động, dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thuộc đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường, dự án được cấp tín dụng xanh theo quy định của pháp luật được hưởng: các ưu đãi, hỗ trợ về đất đai theo quy định tại Điều 132, ưu đãi hỗ trợ về vốn đầu tư quy định tại Điều 133, ưu đãi về thuế, phí và lệ phí quy định tại Điều 134, Trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường quy định tại Điều 135 và Hỗ trợ quảng bá các hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích quy định tại 137 Nghị định 08/2022/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan và cơ chế khuyến khích về tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo quy định tại các Điều 154, 155, 156 và 157 Nghị định này. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước hiện cũng đang chuẩn bị ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết về ưu đãi với các dự án tín dụng xanh góp phần khuyến khích các chủ thể tham gia thực hiện các dự án thân thiện môi trường.

Ngoài ra để bảo đảm cho việc thực hiện pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn, pháp luật cũng có quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương trong quản lý, thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về vấn đề này. Ví dụ: quy định về thanh tra có thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất. Còn quy định về kiểm tra thì có kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.

Thực trạng pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam - Ảnh 3
Nhà máy đốt rác phát điện tại Cần Thơ

Những câu hỏi liên quan đến việc điều chỉnh pháp luật về kinh tế tuần hoàn

Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/22 của Chính phủ hướng dẫn khá đầy đủ các nội quy định tại Điều 142 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 về phát triển kinh tế tuần hoàn. Có thể thấy, các quy định củ pháp luật hiện hành đã cụ thể hóa đúng hướng khi chủ yếu tập trung vào các quy định về quản lý chất thải nhằm đạt được mục tiêu tuần hoàn tài nguyên. Tuy vậy, các quy định này đã tạo được hành lang pháp lý hoàn chỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn hay chưa cần trả lời được các câu hỏi sau:

Kinh tế tuần hoàn là gì? Tại sao phải phát triển kinh tế tuần hoàn? Phát triển kinh tế tuần hoàn gồm những nội dung gì? Ai tham gia thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn? Ai được lợi từ việc thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn? Các yếu tố nào tác động đến xây dưng, thực hiện pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn? Mối quan hệ giữa kinh tế tuần hoàn với phát triển xã hội, phát triển văn hóa, phong tục, tập quán, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng, đối nội, đối ngoại? Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn chịu sự điều chỉnh của những lĩnh vực pháp luật nào? Lộ trình thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam thực hiện thế nào? Không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả thì xử lý các quan hệ pháp lý liên quan ra sao? Tính công khai, minh bạch và bảo đảm trách nhiệm giải trình từ quy hoạch đến thực hiện các dự án phát triển kinh tế tuần hoàn? Ai giám sát quá trình thực hiện pháp luật về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn với các dự án cụ thể? Trách nhiệm pháp lý của các chủ thể tham gia giải quyết thế nào?

Vậy điều chỉnh pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần ở Việt Nam hiện nay đã giải quyết thấu đáo được các câu hỏi này chưa?

Thứ nhất, về khái niệm kinh tế tuần hoàn. Vấn đề này đã được định nghĩa tại Điều 142 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Tuy nhiên, có thể thấy khái niệm này chủ yếu nhấn mạnh đến yếu tố môi trường, yếu tố chất thải mà chưa làm rõ được chủ thể tham gia vào quá trình này là ai; vai trò của yếu tố công nghệ trong quá trình này thế nào; lợi ích về kinh tế, xã hội ra sao khi phát triển kinh tế tuần hoàn? Chưa thể hiện được đẩy đủ yêu cầu của phát triển bền vững;

Thứ hai, về chủ thể tham gia vào phát triển kinh tế tuần hoàn. Qua khảo cứu các quy định pháp luật hiện hành có thể thấy, chủ yếu nhấn mạnh đến vai trò của các chủ đầu tư dự án, một số cơ quan nhà nước liên quan trong đầu tư phát triển các dự án liên quan đến kinh tế tuần hoàn mà chưa làm rõ được vai trò của người dân – lực lượng đặc biệt quan trọng quyết định thành bại của các dự án phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong khi vai trò của các tổ chức xã hội, truyền thông lại được quy định khá mờ nhạt.

Thứ ba, pháp luật hiện hành chưa thể hiện rõ nét được sự kết nối, liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn. Từ quá trình nghiên cứu, thiết kế kế, sản xuất, tiêu dùng, biến chất thải trở lại thành nguyên liệu đầu vào sản xuất liên quan: các chủ thể như: nhà nghiên cứu, nhà nước, nhà đầu tư, nhà ngân hàng, nhà nông, nhà trung chuyển (logicstics), nhà tiêu thụ sản phẩm của các dự án phát triển kinh tế tuần hoàn, như: tiêu thu các nguyên liệu được tái chế từ chất thải, tiêu thụ sản phẩm được sản xuất từ chất thải…). Mặc dù pháp luật hiện hành có quy định bước đầu về trách nhiệm của nhà nước trong trợ giá cho các sản phẩm được sản xuất ra từ nguyên liệu là chất thải, nhưng cơ chế pháp lý để kết nối các chủ thể này với nhau vẫn chưa chặt chẽ.

Thứ tư, pháp luật về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay chưa hài hòa được lợi ích giữa chủ đầu tư, nhà nước, người dân trên thực tiễn. Như chúng ta điều biết có nhiều dự án phát triển theo hướng tuần hoàn ở các quy mô khác nhau, lĩnh vực khác nhau và các chủ thể không chỉ là chủ đầu tư mà người dân cũng đều có thể được tham gia vào thực hiện các mô hình này. Tuy nhiên, khi các chủ thể tham gia vào thực hiện các dự án phát triển kinh tế tuần hoàn thì vấn đề chi phối họ đó là lợi ích nên cần phải hài hòa lợi ích. Đối với các dự án tái chế chất thải thì cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư dự án này với các chủ nguồn thải, với nhà nước, cộng đồng và giữa chính các chủ thể này với nhau. Ví dụ: mọi người đều có thể được bình đẳng trong nghiên cứu, đầu tư phát triển các dự án xử lý rác thải, tiếp cận rác thải, tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận đất đai, tiếp cận lao động, tiếp cận ưu đãi về thuế chứ không phải chỉ có một số chủ đầu tư thuộc một thành phần kinh tế nhất định nào đó,… Hay các dự án đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp thì cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất với chủ đầu tư và nhà nước. Theo đó thì nhà nước đều thừa nhận các chủ thể đều bình đẳng như nhau trong nghiên cứu, đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp tuần hoàn, tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận đất đai, tiếp cận lao động, tiếp cận ưu đãi về thuế. Đối với các dự án đầu tư tổ hợp phát triển kinh tế tuần hoàn thì cần phải xác định rõ việc tiếp cận pháp luật đất đai như thế nào? qua kênh thu hồi đất hay qua kênh nhận chuyển nhượng, thuê hay góp vốn từ người sử dụng đất? Việc đào tạo sử dụng lao động trong các tổ hợp phát triển kinh tế tuần hoàn này thế nào? lấy từ đâu? Trường hợp không sử dụng lao động tại chỗ hoặc có sử dụng nhưng chỉ một thời gian nhất định rồi sa thải thì giải quyết thế nào?

Thứ năm, pháp luật về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam chưa dự liệu được tác động của các dự án này đến văn hóa, phong tục, tập quán, trật tự an toàn xã hội. Yếu tố văn hóa, phong tục tập quán, trật tự an ninh, an toàn xã hội là rất quan trọng đối với quá trình phát triển bền vững của bất cứ quốc gia nào. Các yếu tố này chịu ảnh hưởng rất lớn từ hoạt động sản xuất. Vậy khi thực hiện các tổ hợp phát triển kinh tế tuần hoàn trên quy mô lớn có thể phá vỡ các yếu tố trên. Thậm chí chỉ cần một khâu nào đó của mô hình không đạt được mục tiêu có thể gây ra các vấn đề xã hội. Tuy vậy, pháp luật hiện hành cũng chưa trả lời được triệt để câu hỏi này.

Thứ sáu, pháp luật về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam chưa lấp được hết các lỗ hổng pháp lý có thể dẫn tới những lợi dụng chính sách để tham nhũng. Chưa dự liệu hết được tính khả thi hay bất khả thi của các dự án tổ hợp phát triển kinh tế tuần hoàn; những tác động kinh tế xã hội khi các dự án phát triển kinh tế tuần hoàn thất bại; những trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi này để phục vụ cho lợi ích nhóm…?;

Thứ bảy, pháp luật về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam chưa quy định cụ thể về vai trò giám sát của truyền thông, người dân với các dự án phát triển kinh tế tuần hoàn. Mặc dù pháp luật hiện hành có quy định trách nhiệm giám sát thực hiện pháp luật qua hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương và của Mặt trận Tổ quốc. Tuy nhiên, vai trò rất quan trọng của các tổ chức xã hội, đặc biệt là của truyền thông, của người dân trong giám sát thực hiện pháp luật đối với các dự án phát triển kinh tế tuần hoàn lại chưa được đề cập nhiều.

Thứ tám, pháp luật về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam chưa quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm pháp lý với các chủ thể vi phạm pháp luật về thực hiện các dự án phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ chín, có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng chưa có quy định bảo đảm công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình trong thực hiện các các dự án về phát triển kinh tế tuần hoàn và các cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ thực hiện các dự án này trên thực tiễn.

Thứ mười, chưa có sự đồng bộ giữa pháp luật môi trường với pháp luật đất đai, pháp luật lao động, đầu tư, doanh nghiệp, thuế, công nghệ trong thúc đẩy thực hiện các dự án phát triển kinh tế tuần hoàn. Việc khuyến khích phát triển các mô hình tổ hợp phát triển kinh tế tuần hoàn liệu có mâu thuẫn với quan điểm về chuyên môn hóa (tức là mỗi chủ thể tập chuyên sâu vào một lĩnh vực nhất định và có kết nối với nhau); vai trò của công nghệ trong các tổ hợp này thế nào? việc một tổ hợp kinh tế tuần hoàn thực hiện đầy đủ các khâu có thể giúp doanh nghiệp giảm được một số loại thuế, nhưng nhìn từ giác độ ngân sách nhà nước liệu đây có thể coi là nhà nước thất thu thuế…;

Thứ mười một, vấn đề quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa, vấn đề thị trường mua bán chất thải, thị trường mua bán sản phẩm tái chế;

Những lưu ý trong xây dựng pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

Để xây dựng được các quy định pháp luật thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong thời gian tới, chính sách sách pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn, theo tôi cần lưu ý vấn đề sau:

Thứ nhất, việc xây dựng pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm phát triển bền vững và phải thể hiện được nguyên tắc này vào trong các quy định về phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ hai, việc xây dựng pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành;

Thứ ba, việc xây dựng pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn phải dựa trên nguyên tắc khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt là nguyên tắc coi chất thải là tài nguyên.

Thứ tư, việc xây dựng pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong quy định, thực hiện các dự án về phát triển kinh tế tuần hoàn, như: lợi ích của nhà nước, lợi ích người dân, lợi ích của chủ đầu tư và các chủ thể liên quan.

Thứ năm, việc xây dựng pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa với văn hóa, phong tục, tập quán, trật tự an toàn xã hội.

Thứ sáu, việc xây dựng pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần có lộ trình. Trong đó cần tính toán ưu tiên phát triển các dự án tuần hoàn trong lĩnh vực quản lý chất thải, lĩnh vực nông nghiệp…;

Thứ bảy, việc xây dựng pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn phải bảo đảm kết nối được các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông, nhà đầu tư, nhà ngân hàng, nhà logicstics, nhà tiêu thụ… trong quá trình này.

Thứ tám, việc xây dựng pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình xây dựng pháp luật và thực hiện các dự án đầu tư trên thực tiễn.

Thứ chín, việc xây dựng pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn phải dựa bảo đảm áp dụng trách nhiệm pháp lý hiệu quả với các chủ thể vi phạm trong quá trình thực hiện các dự án này.

Bùi Đức Hiển

Viện Nhà nước và Pháp luật

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam