Đường hỏng, đơn vị quản lý bảo hết tiền để tu sửa?

Ít năm trở lại đây, tuyến QL1A, đoạn tránh TP Thanh Hóa đã bị hư hỏng, bong tróc nghiêm trọng khiến việc tham gia giao thông qua lại trên tuyến đường huyết mạch quốc gia gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Trong khi đó, cơ quan chủ quản vẫn chưa thể tiến hành duy tu, bảo dưỡng vì hết… kinh phí.

Theo quan sát của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, đoạn đường tránh xuống cấp nhiều nhất từ nút giao vòng xuyến BigC (phường Đông Hải) đến điểm cuối giao với QL1A (phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa). Mặt đường nhiều chỗ bị biến dạng, lồi lõm, bong tróc nền nhựa do vệt bánh xe tạo thành. Khi các phương tiện giao thông đi qua thường bị lạng tay lái, xóc mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro gây tai nạn. Đa số những chỗ bong tróc, ổ gà xuất hiện tại ngay những vị trí đã từng được sửa chữa trước đó.

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý đường bộ (QLĐB) II.1 (Cục QLĐB 2 – Tổng cục QLĐBVN) hồi tháng 1/2022 nêu rõ: Đoạn tuyến phía Đông QL1A từ Km 322+100 – Km 332+400 do Công ty Cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa quản lý bảo trì, khai thác theo hình thức BOT. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước khu vực, qua công tác tuần kiểm của Chi cục QLĐB II.1 cho thấy: Mặt đường bị hư hỏng hằn lún vệt bánh xe rạn nứt 36.302m2. Cụ thể, các vị trí đã cào tạo phẳng (tháng 12/2020) đã bị hằn lún vệt bánh xe trở lại là 7.003m2; Các vị trí mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe, rạn nứt chưa được xử lý là 36.302m2.

Ngoài ra, tại cầu vượt Trần Hưng Đạo, Km 323+449, mố M0 (trái tuyến) mất 2m tấm cao su làn xe con. Mố M0 (phải tuyến) khe co giãn bị mất 1m tấm cao su làn xe con. Mố M7 (phải tuyến) khe co giãn bị mất 1m tấm cao su làn xe tải. Cầu kênh Vinh Km 323+950: Bê tông nhựa mặt cầu bị lún sâu cục bộ 10cm (kích thước 5x2m) làn xe con (phải tuyến); cầu Đông Hải Km 327+102: Mố M0 (phải tuyến) mất 1m tấm cao su làn xe con. Mặt cầu, đường 2 đầu cầu bê tông nhựa bị hằn lún sâu 2-4cm; cầu Vượt QL47 Km 327+923: Khe co giãn làn xe tải mố M0 (phải tuyến) bị bong bật 2 tấm cao su. Khe co giãn mố M7 (phải tuyến) bị mất 10m tấm cao su và 1 tấm cao su (bên trái tuyến). Bê tông khe co giãn bị hư hỏng 10m mố M7 (phải tuyến); Biển tên cầu Vượt QL47 Km 327+923 bị đổi thành cầu Lê Lai (mặt cầu, đường 2 đầu cầu bê tông nhựa bị hằn lún sâu 2-4cm)…

Được biết, tuyến QL1A đoạn tránh TP Thanh Hóa do Công ty CP đường tránh TP Thanh Hóa đầu tư, đưa vào sử dụng năm 2009, với tổng chiều dài hơn 10 km, chiều rộng nền đường 26m. Tuyến đường được thiết kế 4 làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, dải phân cách giữa rộng 5m. Toàn tuyến có 5 cầu, 5 nút giao. Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 822 tỷ đồng, theo hình thức BOT. Theo hợp đồng và các phụ lục hợp đồng dự án giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư thì thời gian thu phí hoàn vốn đường tránh TP Thanh Hóa dự kiến thực hiện trong vòng 27 năm 8 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận kéo dài thêm 3 năm. Tuy nhiên, tháng 8/2017, Bộ Giao thông vận tải sau khi đánh giá thực tế, cho rằng đơn vị khai thác đã thu hồi quá số vốn đầu tư nên yêu cầu dừng hoạt động trạm BOT Tào Xuyên sau 7 năm 2 tháng.

Cũng từ sau thời điểm này, việc duy tu, bảo dưỡng tuyến tránh TP Thanh Hóa rơi vào tình trạng lơ là, không được quan tâm. Trong khi lưu lượng phương tiện trên tuyến này rất lớn.

Liên quan đến vấn đề này, Cục QLĐB 2, Tổng Cục ĐBVN đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo, trong đó yêu cầu Công ty Cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa rà soát, thực hiện sửa chữa các hư hỏng của công trình để đảm bảo an toàn giao thông theo quy định của pháp luật và Hợp đồng, đảm bảo chất lượng công trình cho đến khi chấm dứt Hợp đồng. Công ty Cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra tai nạn giao thông do yếu tố kỹ thuật đường không đảm bảo hoặc không được sửa chữa, bảo trì kịp thời theo quy định.

Nói là vậy nhưng tính đến thời điểm hiện tại, các vị trí hư hỏng vẫn chưa được Công ty Cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa quan tâm, sửa chữa như chỉ đạo.

Trao đổi với báo chí, ông Trịnh Đình Quang – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa phân trần: “Hiện nay chúng tôi đang duy trì sửa chữa nhỏ như: dọn vệ sinh, cắt cỏ, thông ống cống. Còn việc sửa chữa nền đường, tu sửa lớn thì hiện đơn vị không còn kinh phí để làm. Do đang bị tạm dừng thu phí nên doanh nghiệp không có nguồn tiền để sửa chữa. Chúng tôi cũng đã kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN xem xét bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa chứ đơn vị hiện không còn kinh phí để duy tu!”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này, ông Phạm Văn Tuấn – Phó Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: Trước tình trạng xuống cấp và hư hỏng trên tuyến QL1A đoạn đường tránh TP Thanh Hóa, tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn giao thông, UBND tỉnh, Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần có văn bản gửi Bộ GTVT và Cục Đường bộ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hồi đáp. “Đây là hạng mục do Cục Đường bộ quản lý nhưng do còn vướng nhiều vấn đề liên quan đến quyết toán các hạng mục tại tuyến đường vành đai phía Tây với Công ty cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa, khiến đơn vị không có kinh phí để sửa chữa!” – ông Tuấn nói.

Tuyến đường tránh này nằm trên QL1A, với lưu lượng, tần suất phương tiện tham gia giao thông có thể khẳng định cao nhất trên tất cả các tuyến đường tại tỉnh Thanh Hóa, nếu việc hư hỏng không được tu sửa kịp thời, những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nguyễn Chung – Báo Đại Đoàn Kết

Theo Đại Đoàn Kết

Ảnh: Tuyến QL1A đoạn tránh TP Thanh Hóa bị hư hỏng, tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn giao thông.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://daidoanket.vn/duong-hong-don-vi-quan-ly-bao-het-tien-de-tu-sua-5680193.html