Tp.HCM: Thầm lặng đêm giao thừa

(Phapluatmoitruong.vn)Đối với người công nhân vệ sinh môi trường, việc đón giao thừa cùng với gia đình là một điều xa xỉ, vì lúc này, họ vẫn đang miệt mài giữ gìn cho đường phố luôn sạch đẹp… 

25 năm đón giao thừa ngoài đường 

Khuya 29 Tết, khi mọi người đang quây quần cùng với gia đình đón chào khoảnh khắc bắt đầu năm mới thì trên những con phố Sài Gòn, tiếng chổi tre vẫn xạc xào, người công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài làm đẹp cho phố phường.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận Tân Bình, Tp.HCM, cho biết, những ngày cận Tết, chị bắt đầu làm việc từ 11 giờ khuya, đến 3 giờ sáng thì tan ca, còn đêm giao thừa thì hết việc chị mới về đón Tết cùng với gia đình. Hơn 25 năm nay, chị đã quen đón giao thừa trên những con phố cùng với nghề quét rác.

“Những ngày này, công việc chúng tôi rất vất v vì phải làm việc xuyên đêm, chờ những người bán hàng trên vỉa hè dọn nghỉ thì chúng tôi mới bắt đầu công việc. Khối lượng rác gấp 3  4 lần ngày thường, nhưng chúng tôi cũng luôn cố gắng dọn dẹp sạch sẽ đường phố trước khi bước ngày mới”, chị Hiền tâm sự.

Được biết, chị Hiền vào nghề từ năm 1997, còn mấy tháng nữa là về hưu nhưng chị vẫn luôn cố gắng hoàn thành công việc. “Là người gốc Sài Gòn nên tôi không buồn như những anh chị em công nhân môi trường xa quê khác khi phải đón giao thừa ngoài đường. Chúng tôi cũng chỉ mong người dân có ý thức không vứt rác bừa bãi để công nhân môi trường đỡ vất vả và được trở về sớm bên gia đình trong đêm cuối năm. 

Nghỉ ngày mùng một Tết là hạnh phúc rồi!” 

Đó là tâm sự của chị Mai Hạnh Kiều (Đội vệ sinh môi trường Tân Phú, thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Tp.HCM). Theo chị Kiều, những ngày này, công việc của chị bắt đầu từ khuya đến sáng sớm hôm sau, nhưng chị rất vui vì được Công ty cho nghỉ ngày mùng Một để đón Tết cùng gia đình.

Chị Kiều cho biết, chị gắn bó với nghề không hẳn vì “miếng cơm manh áo”. Gia đình chị đã ba đời gắn bó với nghề, yêu nghề nên chị luôn cố vượt qua những lúc khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

“Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Tp.HCM, có nhiều anh chị em công nhân vì quá hoảng sợ mà bỏ việc, nhưng được gia đình động viên, tôi đã cố gắng vượt qua những khó khăn, đặc biệt là nỗi nhớ nhà khi gần 3 tháng trời không được về với chồng con. Và dù đối diện với hiểm nguy có thể mắc bệnh bất kỳ lúc nào, nhưng nghĩ mình đang góp sức cùng với xã hội, nên tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, chị Kiều nói thêm. 

Khi chúng tôi giới thiệu là PV Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, chị Kiều cho biết mình rất thích chương trình “Cây chổi vàng” do Tạp chí tổ chức. “Tôi mong sao báo chí có nhiều chương trình như vậy hơn nữa nhằm tôn vinh những người lao động trực tiếp tham gia công việc quét rác, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, từ đó tuyên truyền để xã hội hiểu và quan tâm hơn đến ngành nghề vệ sinh môi trường. Đồng thời, để người dân hiểu hơn những hy sinh, cống hiến âm thầm của những người công nhân vệ sinh môi trường, từ đó góp phần cùng với chúng tôi gìn giữ cho môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Đã gần đến thời khắc giao thừa, nhưng tiếng chổi tre vẫn xào xạc không nghỉ trên các nẻo đường. Chúng tôi chào tạm biệt những người lao công thầm lặng, hạnh phúc ngắm nhìn con đường dài phía sau lưng mình thênh thang, sạch sẽ, tinh tươm như khoác lên mình chiếc áo mới, đón chào năm mới đang sang…

Đỗ Thuận – Phan Hải

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử) 

nh: Một vài hình ảnh PV Môi trường và Đô thị điện tử ghi nhận được trong đêm giao thừa.