Đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết các trạm thu phí giao thông sẽ phải đồng loạt giảm mức tiền thu của tài xế từ ngày 1/2 theo chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%.
Chiều 31/1 (29 tháng chạp), trao đổi với Zing, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết các đơn vị đang căng mình cập nhật hệ thống để điều chỉnh giám giá vé dịch vụ đường bộ theo chính sách giảm thuế VAT của Chính phủ. Mục tiêu là thu phí theo mức giá mới từ 0h ngày 1/2 (mùng 1 Tết Nhâm Dần).
Ông Toàn cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2. Theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, giá dịch vụ đường bộ là một trong những mặt hàng được áp dụng chính sách mới này.
Chính sách mới được ban hành vào ngày 28/1, chỉ 4 ngày trước thời hạn thực thi (1/2) khiến cho Tổng cục Đường bộ lẫn các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thu phí không dừng (VETC, VDTC) phải chạy đua để cập nhật hệ thống, điều chỉnh biểu giá thu cho từng loại phương tiện.
“100% lực lượng phục vụ cho việc thu phí đang trực chiến”, đại diện Tổng cục Đường bộ chia sẻ, đồng thời để ngỏ khả năng có thể có trạm thu phí không kịp cập nhật biểu giá mới trước ngày 1/2. Trong trường hợp đó, đơn vị thu phí phải có phương án hoàn trả sau cho khách hàng.
Với việc mức thuế VAT giảm từ 10% xuống 8%, tài xế sẽ được giảm khoảng vài nghìn đồng mỗi lượt di chuyển. Đơn cử, với tuyến cao tốc có mức phí xe con sẽ giảm từ 35.000 đồng xuống còn 34.000 đồng. Tuy nhiên, nếu sử dụng xe tải với mức phí 200.000 đồng/lượt, con số 2% sẽ đáng kể hơn.
Trao đổi với Zing, ông Hồ Trọng Vinh, Phó giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC, cho biết đến chiều 31/1, hai nhà đầu tư của tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Cầu Giẽ – Ninh Bình vẫn chưa làm việc với VETC để cập nhật bảng giá theo mức thuế mới. Điều này dẫn đến tình trạng khách hàng vẫn phải trả phí qua trạm với mức thuế VAT 10% sau ngày 1/2.
Ông Vinh cho biết doanh nghiệp chỉ là đơn vị thu tiền hộ nhà đầu tư đường bộ, nếu nhà đầu tư không chủ động phối hợp thì VETC không thể đơn phương giảm thuế VAT cho khách hàng theo Nghị định 15. Trước đó, VETC đã hoàn tất làm việc với nhà đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để giảm thuế VAT cho tài xế.
Ông Bùi Trình, Tổng giám đốc Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) thì cho biết doanh nghiệp đang nỗ lực cập nhật hệ thống trong chiều 31/1 để kịp đưa trạm lắp đặt hệ thống ETC của mình vào vận hành theo biểu giá mới, trong đó có các trạm thuộc cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, tuyến Sông Phan – Trảng Bom, Rạch Miễu – Cổ Chiên…
“Chúng tôi có hạ tầng thiết bị ETC tại 35 trạm thu phí. Trong đó có 10 trạm thuộc UBND tỉnh thì không phải làm. Còn 25 trạm chúng tôi phải phối hợp với nhà đầu tư”, ông Trình chia sẻ.
Ngọc Tân – Tạp chí Zing News
Theo Zing News
Ảnh: Một trạm thu phí quốc lộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Tân.
Xem bài viết gốc tại đây: