Các nhà khoa học từ WMG Warwick, dẫn đầu bởi Đại học Công nghệ Eindhoven của Hà Lan đã chế tạo được mẫu robot không dây, chỉ dài 1 cm, có khả năng thu gom chất gây ô nhiễm trong nước.
Nghiên cứu được lấy cảm hứng từ polyp san hô. San hô trong đại dương được tạo thành từ các polyp nhỏ – sinh vật thân mềm có xúc tu giống hải quỳ. Chúng có nhiệm vụ nuôi dưỡng và hỗ trợ sự sống của san hô bằng cách tạo ra các dòng chảy dựa vào chuyển động cơ thể.
Về cơ chế hoạt động, robot sử dụng từ trường để chuyển động, trong khi các xúc tu được kích hoạt bởi ánh sáng. Một nam châm quay với tốc độ 300 vòng trên phút được đặt bên dưới thiết bị có tác dụng tạo ra chuyển động quay của cuống polyp nhân tạo. Chuyển động này tạo ra một dòng xoáy hút các mục tiêu lơ lửng trong nước về phía robot.
Khi mục tiêu nằm trong tầm với, ánh sáng tia cực tím (UV) sẽ được sử dụng để kích hoạt các xúc tu làm từ polymer tinh thể lỏng quang hoạt. Những xúc tu này sau đó uốn cong về phía ánh sáng và tạo thành một chiếc kẹp bắt giữ vật thể.
Tiến sĩ Harkamaljot Kandail từ Đại học Warwick hy vọng các polyp thủy sinh nhân tạo sẽ được phát triển hơn nữa để có thể làm sạch nguồn nước trong các ứng dụng thực tế. Trong giai đoạn tiếp theo, các nhà khoa học mong muốn mở rộng nghiên cứu từ quy mô thí nghiệm lên quy mô thí điểm. Bên cạnh khả năng làm sạch nguồn nước, mẫu robot mềm có tiềm năng ứng dụng trong y tế, như hỗ trợ thiết bị chẩn đoán bằng cách bắt giữ và vận chuyển các tế bào cụ thể để phân tích.
Kết quả nghiên cứu nói trên đã được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.
Bắc Lãm
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)