Trong khuôn khổ bài báo này, tác giả sẽ xem xét cách tiếp cận phân tán để quản lý nước thải sinh hoạt hiệu quả trong mối liên hệ đô thị – nông thôn ở Việt Nam, trong đó cân nhắc việc thu hồi tài nguyên như tái sử dụng nước thải và bùn thải sau xử lý.
Hiện nay, xử lý nước thải sinh hoạt từ là một trách nhiệm pháp lý đã được coi như là một nguồn tài nguyên quý giá góp phần giải quyết các mối lo về sự khan hiếm tài nguyên nước trên toàn thế giới. Theo Báo cáo về sự phát triển nước trên thế giới của Liên Hợp Quốc năm 2017 (WWAP 2017), quản lý nước thải được đặc biệt nhấn mạnh cho việc tạo ra lợi ích xã hội, môi trường và kinh tế nhằm hướng tới Chiến lược Phát triển Bền Vững vào năm 2030. Nước thải sinh hoạt chứa hàm lượng lớn các bon và chất dinh dưỡng sau khi được xử lý triệt để có thể tái sử dụng với các mục đích khác nhau như công nghiệp, thủy lợi, sức khỏe hệ sinh thái, sản xuất năng lượng, v.v. sau khi xử lý triệt để (Gremillion và Avellán 2016).
Trong những năm gần đây, tầm quan trọng của việc thu hồi tài nguyên (về năng lượng, chất dinh dưỡng và các sản phẩm phụ khác) thông qua tái sử dụng nước thải đã được công nhận rộng rãi để đạt được nền kinh tế tuần hoàn và tạo ra cơ hội kinh doanh (Voulvoulis 2018). Tuy nhiên, tiềm năng to lớn của việc thu hồi này vẫn chưa được khai thác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn 80% lượng nước thải thế giới và hơn 95% ở một số nước kém phát triển nhất được thải ra môi trường mà không được xử lý đầy đủ (WWAP 2017).
Nước thải sinh hoạt từ khu dân cư, đặc biệt từ công trình vệ sinh hộ gia đình, cần được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng cách để có thể quản lý và tái sử dụng một cách an toàn. Hiện nay, nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý ở nước ta còn ở tỷ lệ rất thấp. Theo Trung tâm Cấp nước và vệ sinh Nông thôn (CERWASS) cho biết ở khu vực nông thôn có khoảng 50% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh so mục tiêu đặt ra là 60%. Bên cạnh đó, chỉ có 25% nhà ở được trang bị nhà tiêu tiêu chuẩn (Chương trình Nước và vệ sinh, 2016). Cơ sở hạ tầng tại vùng sâu vùng xa hầu hết được tài trợ bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và chịu trách nhiệm bởi Ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc xã. Các trở ngại chính để nâng cao mức độ bao phủ trong lĩnh vực vệ sinh môi trường nông thôn là còn thiếu các giải pháp công nghệ và công trình thu gom và xử lý nước thải hiệu quả; và mô hình quản lý và tài chính phù hợp để đáp ứng đòi hỏi to lớn trong lĩnh vực này ở khu vực nông thôn. Việc đầu tư xây dựng và vận hành các hệ thống thoát nước và xử lí nước thải tập trung đã và sẽ còn là quá xa xỉ đối với nhiều nơi trong số trên 800 đô thị lớn, nhỏ trên cả nước, chưa nói đến các vùng ven đô, nông thôn. Quản lí nước thải hộ gia đình và theo quy mô phân tán, do đó, chính là một giải pháp quan trọng, khắc phục những nhược điểm và khoảng trống của quản lí nước thải tập trung, quy mô lớn, thích hợp cho nhiều đối tượng khác nhau.
Các mô hình công nghệ xử lý và quản lý nước thải tại chỗ cho các hộ gia đình hay các cụm dân cư cần được đánh giá toàn diện nhằm hoàn hiện và nhân rộng công nghệ phù hợp, đơn giản, có chi phí xây dựng và vận hành thấp, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường. Đây là nhu cầu thực tiễn cấp bách cho công tác bảo vệ môi trường nói chung, cũng như hướng tới sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của các mô hình Nông thôn mới.
Trong khuôn khổ bài báo này, tác giả sẽ xem xét cách tiếp cận phân tán trong việc quản lý nước thải cho khu vực nông thôn ở Việt Nam trong đó cân nhắc thu hồi tài nguyên từ dòng thải thông qua việc tái sử dụng nước thải và bùn thải sau xử lý. Các mô hình quản lý và công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn cho mục tiêu tái sử dụng sẽ được xem xét và cân nhắc.
2. Phạm vi của xử lý nước thải phân tán
Trên thế giới, khái niệm về mô hình xử lý nước thải phân tán đã được đề cập nhiều đến trong các dự án nghiên cứu, phát triển và ứng dụng. Mô hình quản lý nước thải phân tán chủ yếu có công suất nhỏ và được ứng dụng tại các khu vực có mật độ dân số thấp, khó tiếp cận được với hệ thống thoát nước của tập trung đồng thời mô hình phải đảm bảo chi phí thấp và tiêu thụ năng lượng ít. Tại Việt Nam, thực thi theo một số điều lệnh của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải, Thông tư 04/2015/TT-BXD đã chia hệ thống xử lý nước thải phân tán thành ba hình thức là: Xử lý tại chỗ, xử lý theo cụm và xử lý theo khu vực.
Bảng 1 Phạm vi của mô hình quản lý nước thải phân tán tại Việt Nam
3. Các thách thức trong việc quản lý hệ thống nước thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn của Việt Nam
3.1 Khung chính sách về quản lý nước thải phân tán
Theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020 của Thủ tướng chính phủ, các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải đáp ứng 17 tiêu chí trong bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được ban hành theo Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009.
Trong đó tiêu chí số 17 mục 5 có quy định về quản lý chất thải và nước thải phải được thu gom và xử lý theo quy định. Nhằm tăng cường quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, Nhà nước, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn đang từng bước xây dựng và tăng cường hệ thống tổ chức quản lý và xử lý nước thải và chất thải. Theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó có Mục tiêu 6: đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người, cụ thể hoá ở mục tiêu 6.2 là đến năm 2030, đảm bảo tiếp cận công bằng các công trình và điều kiện vệ sinh phù hợp cho tất cả mọi người, đặc biệt chú ý đến nhu cầu của phụ nữ, trẻ em gái, người khuyết tật và đối tượng dễ bị tổn thương; chấm dứt đi vệ sinh ngoài trời; 100% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Mặc dù khung pháp lý toàn diện đã được nhà nước thiết lập và cập nhập định kỳ nhưng các hướng dẫn kỹ thuật chi tiết và các quy định địa phương sao cho thích ứng với bổi cảnh cụ thể vẫn còn thiếu. Vẫn còn sự xuất hiện của việc chồng chéo và khoảng cách giữa các quy định, các cơ quan ban ngành do thiếu sự đồng bộ hóa đầy đủ giữa các cơ quan. Các quy định được ban hành bởi các bộ ban ngành khác nhau gây ra mâu thuẫn giữa các mục tiêu và mẫu thuẫn trong cả quá trình thu gom, xử lý nước thải và bảo vệ môi trường.
Ở cấp địa phương, các quy định và hướng dẫn cụ thể vẫn còn thiếu, ví dụ hợp đồng vận hành và bảo trì, quản lý tài sản, kết nối giữa hộ gia đình, thiết kế bể tự hoại và nạo vét bùn, giá nước thải. Để thúc đẩy việc áp dụng thực tiễn, cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có hệ thống và hướng dẫn kỹ thuật hợp tác chặt chẽ với các bộ ban ngành khác nhau. Các dự án hợp tác quốc tế là cần thiết để đảm bảo hỗ trợ kiến thức và kỹ năng cho các quy trình.
3.2 Hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh
Khu vực dân cư nông thôn có đặc điểm chung là các cơ sở sản xuất, chăn nuôi quy mô hộ gia đình nằm xen kẽ với dân cư nông thôn, do đó nước thải được thu gom, ngoài lượng nước thải sinh hoạt còn có lẫn nước thải từ các máy móc sản xuất hộ gia đình, từ các khu vực chăn nuôi nên chứa lượng lớn các chất ô nhiễm hữu cơ, vi sinh vật gây bệnh và có chế độ độ lưu lượng khá phức tạp (phụ thuộc vào chế độ rửa chuồng trại và vận hành máy móc sản xuất).
Hệ thống thoát nước ở nông thôn chủ yếu là hệ thống mương hở (có thể có nắp đậy) đảm nhận thu gom cả nước thải và nước mưa. Tuy các hộ nhà dân hầu như có bể tự hoại ở nhiều mức độ khác nhau, tỷ lệ đấu nối xả nước thải từ nhà dân ra hệ thống thoát nước bên ngoài còn ở mức rất thấp. Theo nghiên cứu của Nga (2020), giá trị BOD5 trung bình vào khoảng 50 mg/L cho thấy nước thải bị pha loãng nhiều bởi nước mưa và nước ngầm (infiltration). Do đó tải lượng chất ô nhiễm thực tế xả ra nguồn tiếp nhận nước mặt là rất lớn.
3.3 Giải pháp kỹ thuật công nghệ trong thu gom và xử lý nước thải chưa hiệu quả, thiếu đồng bộ và chưa được chuẩn hóa
Các công nghệ xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt quy mô nhỏ (tại chỗ, phân tán và tập trung) được phát triển và áp dụng để xử lý và tái sử dụng nước thải sinh hoạt cho các mục tiêu phục vụ công nghiệp, nông nghiệp hoặc đô thị (Kehrein và cs. 2020). Mặc dù phương pháp xử lý thông thường không thể loại bỏ hiệu quả tất cả các chất gây ô nhiễm (như mầm bệnh, các chất lơ lửng v.v.), nhiều giải pháp xử lý nước thải phân tán đã được phát triển để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nước để tái sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Tuy nhiên các dự án trong thực tế khó vận hành hiệu quả và bền vững. Các tồn tại về kỹ thuật và quản lý đã cản trở việc áp dụng thành công và nhân rộng mô hình phân tán xử lý nước thải ở khu vực nông thôn Việt Nam. Các thách thức cụ thể như: Các công nghệ xử lý nước thải cần phù hợp với đặc tính nước thải và yêu cầu xử lý, hoạt động ổn định, giải pháp quản lý và vận hành bền vững; Các công nghệ xử lý nước thải cần đảm bảo hiệu quả xử lý yêu cầu, quá trình vận hành của hệ thống cần được đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tính bền vững và hiệu quả; Chuẩn hóa thiết kế và hướng dẫn vận hành bảo dưỡng; Cần xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về lựa chọn công nghệ phù hợp; Luôn đổi mới công nghệ đề phù hợp với sự thay đổi về đặc tính nước thải, điều kiện khí hậu, cũng như thích ứng với các yêu cầu chất lượng nước sau khi xử lý.
3.4 Thiếu vắng mô hình quản lý và cơ chế tài chính hiệu quả
Hiện nay với các hệ thống xử lý nước thải phân tán chi phí thấp, theo kết quả khảo sát của Nga và cộng sự (IGES, 2020), không có mô hình tài chính hiệu quả và bền vững nào đang hoạt động. Một số hệ thống xử lý tại Lai Xa, Kiều Kỵ, Khắc Niệm, các xã đã thành lập một đội vệ sinh môi trường địa phương chuyên phụ trách vận hành và vệ sinh hệ thống xử lý nước thải, người dân địa phương đã trả phí vệ sinh môi trường cho việc thu gom chất thải rắn cũng như quản lý nước thải. Mặc dù hình thức quản lý cộng đồng quá mỏng để đảm bảo tính bền vững của hệ thống xử lý, các mô hình quản lý này có thể là một ví dụ điển hình cho các dự án quản lý nước thải phân tán khác, nơi người dân có thể quyết định quản lý hệ thống xử lý nước thải chuyên nghiệp hơn. Quản lý hệ thống thu gom nước thải phải là một phần quan trọng của dự án quản lý nước thải dựa vào cộng đồng.
Các chính sách khuyến khích tham gia từ phía tư nhân vẫn còn ít, thiếu các ưu đã trong lĩnh vực kinh doanh nước thải. Nghị định 04/2009/ND-CP và Nghị định 59/2008/ND-CP là các nghị định hỗ trọ cho các thành phần tư nhân trong lĩnh vực vệ sinh, trong khi Thông tư 230/2009/TT-BTC đưa ra các điều kiện thuế thuận lợi cho các doanh nghiệp trong các hoạt động bảo vệ môi trường (ADB, 2015). Sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong việc xây dựng và quản lý NMXLNT phi tập trung (DEWATS) sẽ là điều cần quan tâm đến tiếp theo (UN-ESCAP, 2015). Hạn chế trong việc thu hồi vốn, thách thức về mặt hành chính và thiếu quy đinh về dịch thụ và thuê quan là những trở ngại cho sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.
4. Kinh nghiệm tái sử dụng nước thải ở nông thôn
Tái sử dụng nước thải sau xử lý là một khái niệm còn khá mới tại Việt Nam, dù với nhiều nước khác thì việc tái sử dụng này đã được áp dụng phổ biến cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Cơ quan thông tin nước toàn cầu (Global Water Intelligence GWI, 2010) nhận định trong thời gian từ 2005 đến 2015, các quốc gia trên toàn cầu thực hiện tái sử dụng nước thải ở các mức độ khác nhau, với tổng lượng nước tái sử dụng từ 19,4 triệu m3/ng ở năm 2005 lên đến 54,5 triệu m3/ng vào năm 2015.
4.1 Tái sử dụng nước thải sau xử lý cho Nông nghiệp
Việc sử dụng nước thải đã qua xử lý phục vụ cho nông nghiệp rất phổ biến và chiếm tỷ trọng lớn nhất so với mục đích tiêu thụ khác (OECD, 2018). Tại Châu Á và Châu Phi, từ 85% – 90% nước ngọt được sử dụng phục vụ cho các hoạt động ngành nông nghiệp, vì vậy mà một số nước đã và đang sử dụng nước thải sau xử lý để thay thế. Một số nước đang phát triển thì đang sử dụng tới 30% nước thải sau xử lý cho nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích lớn về kinh tế và môi trường, việc tái sử dụng nước thải này còn đang bị tranh cãi về khả năng gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng và chất lượng môi trường. Vì vậy cần quản lý tốt việc tái sử dụng nước thải phục vụ nông nghiệp để giảm tối đa những ảnh hưởng xấu có khả năng xảy ra.
4.2 Tái sử dụng nước thải sau xử lý cho mục đích cấp nước
Khả năng tái sử dụng nước thải cho các vùng đô thị là rất lớn vì nhu cầu sử dụng nước cao tại các khu vực này. Ngoài ra, một lượng lớn nước sử dụng cho đô thị không cần phải xử lý đạt chất lượng như đối với nước dùng để sinh hoạt gia đình như ăn uống, tắm rửa vệ sinh và nấu nướng. Trong nhiều trường hợp, nước thải sau khi đã qua xử lý bậc hai và được xử lý lọc và khử trùng lần nửa thì có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau (nhưng không dùng làm nước uống): vệ sinh nhà xí, rửa xe cộ, phun tưới cây trồng tạo cảnh quan, phòng chống cháy, .v.v . Mặc dù vậy, cần phải quan tâm tới vấn đề sức khỏe cộng đồng vì khả năng nhiễm vi sinh.
4.3 Tái sử dụng nước thải sau xử lý để bổ sung nguồn nước ngầm
Các tầng nước ngầm có vai trò quan trọng trong việc lưu chứa và quản lý nguồn nước ngọt, vì vậy cần phải được bổ sung liên tục để bù vào lượng nước đã khai thác tại các giếng bơm trong khu vực đô thị. Nước thải sau xử lý có thể được tái sử dụng để “bổ cập” lại nước cho các tầng nước ngầm này, trực tiếp qua các giếng bơm bơm vào hoặc gián tiếp qua các ao thấm. Việc bổ cập nước ngầm nhân tạo từ nước mưa hay nước thải sau xử lý được các quốc gia như Mỹ, Đức, Bỉ áp dụng rộng rãi. Chất lượng nước ngầm cần phải được theo dõi thường xuyên để đảm bảo các yêu cầu về chất lượng đối với các mục đích sử dụng cụ thể.
4.4 Tái sử dụng nước thải sau xử lý cho mục đích tạo cảnh quan và tái tạo hệ sinh thái tự nhiên
Nước thải sau xử lý có thể áp dụng để phun tưới cây cối, tạo cảnh quan, hoặc làm các hồ nước nhân tạo để cho mục đích vui chơi giải trí. Nhật bản là nước đi đầu trong việc tái sử dụng nước thải vào mục đích tái tạo dòng chảy sinh thái tự nhiên và cảnh quan nhằm cải thiện môi trường sống. Cần lưu ý theo dõi chất lượng nước khi sử dụng cho mục đích này vì sự an toàn cho sức khỏe cộng đồng, khi đó, nguồn nước này phải được khử trùng hợp lý, hàm lượng nitơ và phốt pho trong nước phải được kiểm soát để ngăn sự phát triển của tảo tại nguồn nước tiếp nhận.
5. Mô hình quản lý nước thải sau xử lý
Khái niệm hệ thống nước truyền thống bao gồm các hệ thống thu gom và xử lý nước và nước thải tập trung. Nước được khai thác, xử lý và cấp cho các đối tượng sử dụng nước đô thị. Nước thải sau đo được thu gom, xử lý và xả ra các nguồn tiếp nhận chủ yếu ở bên ngoài phạm vi đô thị như sông, vịnh, đại dương. Ở hệ thống này, các bộ phận nước đô thị không có sự liên kết, và hệ thống tài nguyên nước chịu các áp lục nặng nề như suy thoát về chất và lượng. Hiện nay, nhiều khu vực trên thế giới đã áp dụng cách tiếp cận quản lý hệ thống nước bền vững trong đó tài nguyên nước được đặt làm trung tâm, giảm thiểu việc sử dụng nước và tăng cường tái sự dụng nước trong công trình, do đó giảm áp lực lên tài nguyên nước thiên nhiên và giảm thiểu sự xả thải chất ô nhiễm ra ngoài hệ sinh thái (Hình 1)
6. Các công nghệ xử lý nước thải phân tán cho mục tiêu tái sử dụng
Ở Việt Nam, tái sử dụng nước thải chủ yếu được thực hiện ở quy mô nghiên cứu hoặc dự án trình diễn. Từ nhiều năm qua, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Xây dựng (Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp, nay là Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường; Khoa Kỹ thuật Môi trường) và các đối tác đã tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ XLNT sinh hoạt theo kiểu phân tán phù hợp với các điều kiện của Việt Nam, và liên tục cải tiến, hoàn thiện. Một số giải pháp công nghệ phân tán tiêu biều: bể tự hoại cải tiến (bể BASTAF); Trạm xử lý nước thải theo nguyên lý A2O thiết kế hợp khối AFSB-C, AFSB®, AFSB-F áp dụng cho các khu đô thị, các tòa nhà cao tầng, bệnh viện, khu du lịch, xí nghiệp chế biến thực phẩm…. (Việt-Anh Nguyễn, 2014).
Các giải pháp này giải quyết được bài toán tiết kiệm năng lượng phù hợp với điều kiện Việt Nam như chế độ bơm gián đoạn, tối ưu hóa quá trình cấp khí; sử dụng giá thể vi sinh tối ưu…Một số nghiên cứu khác về công nghệ xử lý nước thải Thiếu khí – Hiếu khí kết hợp với màng vi lọc đặt ngập (AO/MBR) rất phù hợp với các trạm xử lý nước thải phân tán, trong các khu dân cư đô thị, ven đô hoặc khu vực dân cư nông thôn có yêu cầu xả thải cao, mật độ dân số đông và quỹ đất hẹp và không có điều kiện xử lý về bùn cặn. các tòa nhà chung cư cao cấp và khách sạn. Nước thải sau khi xử lý có thể tái sử dụng cho các công trình vui chơi giải trí và vệ sinh cho đô thị. (Nga, 2011).
Cho đến nay, các sản phẩm XLNT phân tán của trường ĐHXD đang được chuyển giao, ứng dụng rộng rãi ở trên khắp đất nước, đã khẳng định được những ưu điểm của nó và được người sử dụng chấp nhận.
7. Tổ chức thực hiện
Các kết quả nghiên cứu cho thấy có khả năng tái sử dụng nước thải sau xử lý tại trong mối liên hệ đô thị – nông thôn cho các mục đích sử dụng như tưới tiêu nông nghiệp và hệ thống cây xanh đô thị; cung cấp dòng chảy phồi môi trường nước cho hệ thống sông ao/hồ; cấp nước phục vụ cảnh quan. Việc sử dụng loại nguồn nước này phục vụ cho các mục đích khác thì còn quá sớm và có thể người dân chưa đồng thuận. Vì vậy, cần xây dựng một kế hoạch tổng hợp thực hiện tái sử dụng nước thải sau xử lý với nhằm quản lý hệ thống nước bền vững với đa mục tiêu: bảo vệ môi trường, góp phần duy trì vòng tuần hoàn nước tự nhiên, thu hồi tài nguyên từ dòng thải đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và thích ứng với BĐKH. Các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể có thể đề xuất như sau:
a) Xây dựng Kế hoạch đáp ứng nhu cầu và những ứng dụng thực tế. Công tác này gồm việc tìm hiểu lượng cung – cầu nước ngọt hiện nay và tương lai, sự thiếu hụt nước, lượng nước thải có thể tái sử dụng cho những mục đích cụ thể, các yêu cầu về chất lượng, sự chấp thuận của người sử dụng và những rủi ro có thể có đối với sức khỏe cộng đồng.
b) Phân tích các yêu cầu kinh tế – tài chính nhằm đánh giá tính khả thi của việc đầu tư và khả năng hỗ trợ tài chính. Các nhà lập chính sách cần tham gia vào công tác này để có định hướng về giá cả của nguồn nước thải tái sử dụng và định giá nước sạch sao cho kích thích việc tái sử dụng nước thải sau xử lý.
c) Đánh giá các rủi ro đối với sức khỏe nhằm phân tích xem việc tái sử dụng nguồn nước này có đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn để giảm đến mức thấp nhất các rủi ro về sức khỏe. Có thể áp dụng các đề cương của Tổ chức Y tế Thế giới để thực hiện công tác này.
d) Đánh giá sự tham gia của các bên liên quan khác nhau. Sự phối hợp giữa các bên liên quan: cơ quan quản lý, người dân và đơn vị cung cấp dịch vụ là hết sức cần thiết.
e) Nâng cao năng lực thực hiện và quản lý hệ thống thu gom và xử lý nước thải có tái sử dụng nước sau xử lý. Công tác này gồm việc đánh giá nguồn nhân lực hiện có và công tác đào tạo; khả năng hoạch định tổ chức để lập và ban hành các chính sách; nguồn tài chính, giáo dục cộng đồng, ý thức và sự chấp thuận của cộng đồng.
8. Kết luận
Công nghệ xử lý nước thải phân tán cần tính tới những đặc thù về điều kiện sinh thái, thói quen và phong tục tập quán của từng vùng sinh thái nông thôn. Hệ thống văn bản chính sách và mô hình quản lý nước thải và bùn thải theo định hướng thu hồi tài nguyên là các cơ sở pháp lý quan trọng để công nghệ được triển khai áp dụng rộng rãi trong thực tế. Mô hình quản lý nước thải và bùn thải bền vững, với sự tham gia của cộng đồng nhằm hình thành chuỗi quan hệ cung cầu về thị trường vệ sinh (thiết bị, mô hình, tài nguyên thu hồi được sau xử lý…) giúp phát triển bền vững các mô hình này.
Để các cơ quan quản lý và người dân có thể lựa chọn các mô hình quản lý phù hợp, cần phải cung cấp đấy đủ thông tin có cơ sở khoa học về hiện trạng lượng và chất của các loại nguồn nước khác nhau của khu vực bao gồm cả nước tái sử dụng, cũng như đưa ra các kịch bản về mô hình quản lý và cơ chế tài chính, với sự tham gia của cộng đồng đáp ứng các mục tiêu quản lý bền vững nước thải sinh hoạt theo hướng thu hồi tài nguyên từ dòng thải, theo hướng kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường của nông thôn mới.
PGS.TS. Trần Thị Việt Nga*, TS. Đỗ Hồng Anh,
ThS. Trần Hoài Sơn,TS. Phạm Duy Đông
Khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội
ĐC: số 55, đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam
Tài liệu tham khảo
Arcowa, 2018, Wastewater management and resource recovery in Viet Nam.
ADB, 2010, Customizing a Decentralized Sanitation Solution for Viet Nam’s Peri-urban Areas, ADB
Furumai, H (2008). Rainwater and reclaimed wastewater for sustainable urban water use’. Physics and Chemistry of the Earth, vol. 33, pp. 340-6
Gremillion, Paul and Avellán, Tamara (2016). Wastewater as a Resource: The Water-Waste-Energy Nexus in Sub-Saharan Africa. Policy Brief.
OECD (2012). Aternative Ways of Proving Water- Emerging Option and Their Policy Implications. Report for 5th World Water Forum
Nga T. T. V and Son T. H. (2011). The application of A/O-MBR system for domestic wastewater treatment in Hanoi. J. Viet. Env. 1(1):19-24.
Shinichiro Ohgaki (2011). Japan throws its weigh behind research into sustainable water use. Published in Asian Water.
Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Số liệu quan trắc chất lượng nước mặt (2007-2012)
Viet-Anh Nguyen (2011). Why DEWATS is still not popular in Vietnam? Article in Water Practice & Technology, DOI: 10.2166/wpt.2010.117
WEPA, 2013, Decentralized domestic wastewater management in Asia – Challenges and opportunities.
World Bank (2013). Vietnam Urban Wastewater Review. Main report.
World Water Assessment Programme (2017), Báo cáo về sự phát triển nước trên thế giới của Liên Hợp Quốc năm 2017.