‘Người Việt Nam có tính chống chịu và cầu an rất cao’. Nhận xét này của một nhà văn cứ ập vào suy nghĩ của tôi khi cùng các nhà hảo tâm đi cứu trợ tại các trạm ở Hà Nam, Hà Nội và Phú Thọ hồi đầu tháng 10.
Chạy trốn khỏi dịch bệnh và phong tỏa, mệt mỏi vì vượt hàng ngàn cây số từ Nam ra Bắc trên xe máy, nhưng thật lạ lùng, rất nhiều người tôi gặp vẫn giữ thái độ lạc quan, miệng cười tươi, thậm chí có người còn rút khèn ra thổi và nhảy múa.
Nhiều người nói, cứ về được quê nhà cái đã, dù chưa biết sinh sống bằng gì. “Cùng lắm là ăn rau, ăn cháo với bố mẹ; lại nhờ ông bà nuôi con”, một phụ nữ bụng mang dạ chửa còn nói và pha trò thêm.
42,8 triệu người được hỗ trợ
Dù thế nào, làn sóng dịch thứ 4 với 23 tỉnh phong tỏa đã để lại nhiều hệ lụy về an sinh xã hội lên đa số người dân.
Chưa bao giờ Tổng cục Thống kê lại dùng những ngôn ngữ biểu cảm đến vậy trong bản báo cáo lao động quý 3/2021: Diễn biến phức tạp của Covid-19 tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho tình hình lao động việc làm “tồi tệ hơn”; số người có việc làm “giảm sâu” so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên “mức cao nhất chưa từng thấy”; thu nhập bình quân tháng của người lao động “sụt giảm nghiêm trọng” so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 5/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra những con số đáng lo hơn: Đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 742 nghìn lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Ông nói: “Những năm trước, mỗi năm, bình thường chúng ta cố gắng làm an sinh xã hội nhiều nhất cho 1 triệu người, đã thấy khó khăn. Năm nay, chúng ta tổ chức lo an sinh xã hội cho 42,8 triệu người trong thời gian kéo dài với khối lượng công việc rất gấp rút”…
42,8 triệu người đã được “hỗ trợ”, tức là gần một nửa dân số đã bị ảnh hưởng tiêu cực của Covid, mà những đoàn người tôi gặp hồi tháng 9 chỉ là đại diện trực tiếp và ít ỏi mà thôi. Con số này của Thủ tướng còn cao hơn con số 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm mà Tổng cục Thống kê đưa ra trong báo cáo nêu trên.
Trong khi đó, trong báo cáo tình hình lao động việc làm quý 4 năm 2021, quý mà chúng ta đã mở ra để sống “thích ứng, an toàn” theo Nghị quyết 128, cơ quan thống kê vẫn cho thấy tình hình việc làm, lao động rất ảm đạm: “Hàng triệu người mất việc làm”; “tình hình lao động việc làm năm 2021 gặp nhiều khó khăn hơn so với 2020”; “lực lượng lao động, số người có việc làm giảm”; “tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp tăng so với năm trước”.
Tôi không muốn trích dẫn nhiều số liệu rất dài dòng của Tổng cục Thống kê mà chỉ muốn nhấn mạnh, chưa bao giờ số người dân gặp khó khăn về sinh kế, kinh tế lại lớn đến vậy; chưa bao giờ tăng trưởng kinh tế lại thấp xuống 2,58% như năm 2021 và 2,91% như năm 2020. Người dân và nền kinh tế rõ ràng đang đối mặt với những thách thức và khó khăn chưa từng có.
Thống nhất nhận thức như vậy mới có các giải pháp trước mắt và lâu dài phù hợp với thực tế.
Thực hiện nghiêm Nghị quyết 128
Trước mắt, cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 128, không để các tỉnh, địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch cực đoan, phá vỡ chuỗi sản xuất, lưu thông và sinh kế của người dân.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, đến nay Việt Nam đã bao phủ vắc xin mũi 1 cho tất cả dân số từ 18 tuổi; bao phủ 90% mũi 2; tỷ lệ dân số 12-17 tuổi được tiêm mũi 1 là 86%; mũi 2 là 57%. Việt Nam trong top 6 nước bao phủ vắc xin cao nhất thế giới.
Với kết quả tiêm chủng như vậy, không thể đóng lại được như một số tỉnh đã bắt đầu manh nha trong khi còn có rất nhiều cách khác để “bảo vệ sức khỏe nhân dân”.
Tốc độ tăng trưởng quý 4 năm 2021 đạt tới 5,22% là biểu hiện sinh động và thuyết phục nhất của việc mở cửa trở lại theo Nghị quyết 128. Để so sánh, tăng trưởng quý 3 âm tới 6,02% khi đóng cả đất nước, thấp nhất trong lịch sử thống kê.
Chính phủ đang đưa ra nhiều giải pháp để phục hồi kinh tế, bao gồm các gói tài chính, tiền tệ 350 ngàn tỷ đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; tập trung phục hồi, phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy; hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, giữ đơn hàng; cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh…
Những chính sách đó, và hơn nữa, liệu có đủ để giúp người dân và nền kinh tế trong giai đoạn này? Các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục bàn thêm. Nhưng tôi nghĩ, các chính sách đó sẽ đạt hiệu quả nếu được thiết kế theo tinh thần “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” mà Hồ Chủ tịch đã nói.
Tư Giang – Báo VietnamNet
Theo VietnamNet
Ảnh: Người dân và nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức, khó khăn chưa từng có
Xem bài viết gốc tại đây: