Theo báo cáo của Bộ Công thương, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng 24% vào năm 2030, 45% vào năm 2045.
Đây là mục tiêu trong dự thảo Quy hoạch điện VIII của Bộ Công thương được điều chỉnh theo hướng giảm nhiệt than, tăng điện khí và năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng và các cam kết tại COP 26.
Cơ cấu nguồn điện năm 2030 bao gồm: Nhiệt điện than 25%, nhiệt điện khí 25%; NLTT gồm điện gió, mặt trời, sinh khối 24%, thuỷ điện 19%, khai thác khác 7%. Đến năm 2045, cơ cấu nguồn điện bao gồm: Nguồn năng lượng tái tạo chiếm 45%; nhiệt điện khí 25%; thủy điện chiếm 14%; nhiệt điện than chiếm 11%; nhập khẩu điện 3,3%; khác 1,7%.
Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII xác định đến năm 2030 không xây dựng đường dây truyền tải mới 500 Kv đ tránh truyền tải điện qua các vùng miền, giai đoạn 2031-2045 hạn chế truyền tải liên miền, đảm bảo dự phòng hợp lý, đặc biệt miền Bắc và giai đoạn 2021-2045 nước ta cần khoảng 130 tỷ USD, bình quân 5,2 tỷ USD mỗi năm phát triển năng lượng tái tạo.
Theo dự thảo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045, Bộ Công thương dự kiến đưa tổng công suất nguồn điện gió trên bờ lên khoảng 11.320 MW vào năm 2025, khoảng 16.010 MW vào năm 2030 và khoảng 39.600 MW vào năm 2045.
Tổng công suất nguồn điện mặt trời khoảng 17.200 MW vào năm 2025, khoảng 26.000 MW vào năm 2030 và đạt tới khoảng 55.000 MW vào năm 2045. Điện năng sản xuất từ nguồn điện năng lượng mặt trời dự kiến đạt tỷ lệ khoảng 7,3% vào năm 2025, khoảng 5,3% vào năm 2030 và đạt 8,9% vào năm 2045.
Bắc Lãm
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh minh hoa. ITN