Mất an toàn hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa

Việt Nam có mạng lưới giao thông đường thủy nội địa thuận lợi, liên thông giữa các tỉnh, thành phố và các vùng. Thế nhưng, việc xác định và bảo vệ hành lang bảo vệ luồng đường thủy đang là khoảng trống đe dọa sự phát triển bền vững của giao thông vận tải đường thủy.

Những năm gần đây, vận tải đường thủy nội địa đóng góp hơn 25% khối lượng hàng hóa, vận chuyển của cả nước, không chỉ khai thác hoạt động vận tải mà còn phục vụ cho các ngành thủy lợi, thủy sản, xây dựng, bảo vệ thiên nhiên môi trường, du lịch… Tuy nhiên, giao thông đường thủy nội địa chịu nhiều tác động của điều kiện thời tiết làm cho luồng, tuyến giao thông không thuần nhất. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa chậm được cải thiện, hệ thống luồng, tuyến giao thông chủ yếu vẫn ở dạng tự nhiên, ít được cải tạo, trong khi nhu cầu vận chuyển, phương tiện tham gia giao thông đường thủy tăng nhanh.

Để bảo đảm an toàn cho giao thông, tuyến đường thủy nội địa, nhiều quy định về việc bảo vệ hành lang đê, hành lang bảo vệ luồng cũng như quy định đối với hoạt động kè bờ, gia cố bờ sông, san, lấp, lấn sông đã được ban hành. Cụ thể tại Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông nêu rõ tại Điều 18: “Hạn chế tối đa việc lấn sông, thu hẹp không gian chứa, thoát lũ của sông. Trường hợp đặc biệt phải lấn sông để thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt, lở bờ sông, bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông hoặc các yêu cầu khác về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, thì phải gắn với các yêu cầu về chỉnh trị sông, cải tạo cảnh quan ven sông và phần diện tích sông bị lấn chỉ sử dụng cho các mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.

Quy định là thế nhưng trên một số tuyến đường thủy phía nam, nhiều phương tiện gia dụng, tàu chở hàng neo đậu khiến tàu thuyền lưu thông dọc tuyến buộc phải giảm tốc độ để tránh va chạm, tạo sóng hoặc mắc vào đăng, đáy cá. Nhiều đoạn không qua khu dân cư lại có chắn đăng đáy cá, nhà bè nuôi trồng thủy sản cố định, có khi gần với phao giới hạn luồng đường thủy. Tại nhiều tỉnh phía bắc, tình trạng xây dựng nhà cửa, công trình bám sát mép sông hoặc đua cần cẩu, máng rót đá, băng chuyền tải vật liệu xây dựng ra luồng chạy tàu, hành lang an toàn của luồng rất phổ biến.

Trên sông Lạch Tray, đoạn từ Bến Hải Thành (gần cửa biển) tới gần Sân bay Cát Bi, thuộc phường Hải Thành (quận Dương Kinh, TP Hải Phòng), lòng sông đang ngày càng bị thu hẹp, nhiều khu vực bãi sông được tôn cao làm các khu nhà xưởng, khu neo đậu, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của một số doanh nghiệp… Điển hình là các vụ việc vi phạm hành lang bảo vệ đê, hành lang bảo vệ luồng ngay tại Bến Hải Thành, cách UBND phường Hải Thành chỉ vài trăm mét, diễn ra trong nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm. Đó là các công trình kiên cố, nhà xưởng nằm sát mái đê biển 1 sát khu vực cống thủy lợi C2. Với diện tích cả nghìn mét vuông nhà xưởng nằm sát mặt đê kéo dài đến mép sông của Công ty Trường Sơn đến nay mới chỉ được tháo dỡ một phần mái, còn tường bao và nhà xưởng vẫn hoạt động. Khu biệt thự nhà vườn rộng khoảng 5.000 m2 xây dựng kiên cố tại Km7+715 tuyến đê biển 1 có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về đê điều.

Cùng với đó, tình trạng đóng cọc bồi lấp lòng sông trên tuyến sông này cũng đang đe dọa an toàn giao thông đường thủy. Tài công N.V.T (Bến Hải Thành) cho biết: “Trước đây lòng sông rất rộng, nhưng giờ hai bên bờ đều bị bồi lấp ảnh hưởng nghiêm trọng tới luồng đường thủy, gây mất an toàn giao thông. Những khu vực có đóng cọc đổ đất bồi lấp nuôi trồng thủy sản, lòng sông bị thu hẹp, đáy sông cũng nông dần. Khi triều xuống, có tàu va phải cọc, có tàu bị mắc cạn, rất nguy hiểm”.

Hệ lụy của việc khai thác quá mức cát sỏi lòng sông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông đường thủy, mà hằng ngày những xe tải chở vật liệu xây dựng cũng đang cày xới thân đê, mái đê, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sống của người dân trong khu vực, đe dọa an toàn giao thông đường bộ, cũng như làm gia tăng nguy cơ sạt lở khi vào mùa mưa bão.

Dương Khánh – Báo Nhân Dân

Theo Nhân Dân

Ảnh: Công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy nội địa tồn tại cả chục năm nay tại Bến Hải Thành (Dương Kinh, Hải Phòng). Ảnh | Mạnh Trường

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nhandan.vn/doi-song-xa-hoi-hangthang/mat-an-toan-hanh-lang-bao-ve-luong-duong-thuy-noi-dia-681194/