Trao quyền cho cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị

Cùng với đề xuất phân quyền cho địa phương quyết định chủ trương đầu tư dự án, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị có quy mô từ 300 ha, hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên.

Sáng 4/1, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật. Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định để thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng, đề xuất phân cấp nêu trên vẫn được xác định theo 1 trong 2 tiêu chí về quy mô dân số hoặc quy mô sử dụng đất, tương tự quy định tại Luật Đầu tư hiện hành. “Chính phủ đề xuất quy mô sử dụng đất là 300 ha là lấy theo mức trung bình quy mô sử dụng đất của khu vực dự án được dự kiến hình thành đô thị loại IV (từ 250 ha đến 400 ha)”, ông Long cho hay.

Cùng với đó, dự thảo cũng đưa ra phương án sửa đổi phân quyền cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, bổ sung nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư gồm “Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”.

“Theo quy định này, việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt sẽ phải tuân thủ các yêu cầu, điều kiện và phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Quy định này tạo cơ chế để tăng cường giám sát, kiểm tra khi phân cấp, đảm bảo các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa có ý kiến đối với dự án ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, để phân cấp cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nhưng không mâu thuẫn với Luật Di sản văn hóa và tránh các cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện; đa số ý kiến đề nghị quy định rõ theo hướng đây chỉ là các “dự án đầu tư được cho phép theo Luật Di sản văn hóa”; tách thành tiểu mục riêng quy định liên quan đến các dự án đầu tư trong khu vực I và II của các di sảnbổ sung quy định cụ thể hơn về công tác giám sát và trách nhiệm của UBND, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tư nhân được tham gia truyền tải điện

Về Luật Điện lực, để thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về thu hút, xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Điều 5 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực theo hướng:

Quy định nhà nước độc quyền trong “vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”; “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ”; “Các tổ chức hoạt động điện lực và sử dụng điện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật được quyền đấu nối vào lưới điện do thành phần kinh tế đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển điện lực”.

Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) tán thành với quan điểm trước mắt cần sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến truyền tải điện tại Luật Điện lực; việc sửa đổi, bổ sung Luật cần bảo đảm thận trọng, chặt chẽ. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh tiến độ sửa đổi tổng thể Luật Điện lực, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định có liên quan trong Luật.

Về vấn đề quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, theo cơ quan thẩm tra, quy định như dự thảo Luật chưa thực sự chặt chẽ. Lý do, vì lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng nhưng có vai trò quan trọng đối với an toàn hệ thống điện quốc gia thì Nhà nước cần vận hành.

Về thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực truyền tải điện. Đồng thời, trong Quy hoạch điện cần xác định 2 danh mục dự án do Nhà nước đầu tư xây dựng và do tư nhân đầu tư xây dựng.

Về giá điện và các loại phí có liên quan đến truyền tải điện, Ủy ban Kinh tế đề nghị trước mắt, Chính phủ có phương án sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn liên quan về giá, phí gửi kèm hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội.

Về việc bàn giao lưới điện truyền tải cho ngành điện quản lý sau khi nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ sớm tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề nhận tài sản, hoạch toán chi phí tài sản bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.

Luân Dũng – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/trao-quyen-cho-cap-tinh-quyet-dinh-chu-truong-dau-tu-du-an-nha-o-khu-do-thi-post1406790.tpo