Việt Nam cần làm gì để ứng phó với biến thể Omicron?

Theo các chuyên gia, khi phủ hết vaccine COVID-19 mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu và đủ ngày phát huy tác dụng, chúng ta mới có thể sẵn sàng đương đầu với Omicron. Giai đoạn này, quản lý, kiểm soát chặt người nhập cảnh là vô cùng quan trọng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã phát hiện 20 ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (5).

Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của biến thể Omicron tại Việt Nam là không nằm ngoài dự báo. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho hay, hiện đã có trên 100 quốc gia trên thế giới ghi nhận sự xuất hiện của biến thể mới.

Theo PGS Trần Đắc Phu, việc xuất hiện biến thể Omicron là một vấn đề đáng lo ngại bởi chủng virus này có tốc độ lây lan nhanh. Với số lượng đột biến ở protein gai lớn, virus càng tăng khả năng bám dính vào tế bào người. Mới đây, báo cáo đánh giá dữ liệu toàn cầu của WHO cho hay, xu hướng lây nhiễm của Omicron tăng lên rõ ràng so với Delta. Tại một số quốc gia và khu vực ghi nhận nhiều các trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng như Anh hay Mỹ, biến thể mới lây lan nhanh hơn đáng kể so với Delta với thời gian tăng gấp đôi trong vòng chỉ từ 2-3 ngày.

PGS Trần Đắc Phu cảnh báo, dù triệu chứng, theo công bố nhẹ hơn nhưng chắc chắn tốc độ lây lan nhanh. Nếu không kiểm soát được có thể gây quá tải hệ thống y tế, bệnh nhân chuyển nặng dẫn đến tử vong.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, Omicron có thể là một biến thể kết thúc của cơn “đại hồng thủy” COVID-19. Theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, có thể Omicron không gây tăng nặng như nhiều nghiên cứu dịch tễ đã bắt đầu chỉ ra nhưng với tốc độ lây lan kinh hoàng (tại Mỹ đã lên đến 650.000 ca nhiễm mới mỗi ngày), Omicron sẽ làm quá tải hệ thống y tế nếu không có cách tổ chức bài bản khoa học.

Ông cũng chia sẻ, ngay tại Anh, Omicron đã làm lây nhiễm số lượng lớn nhân viên y tế khiến thiếu hút nhân lực trầm trọng. Các bệnh viện luôn trong tình trạng báo động không chỉ vì ca COVID tăng nặng mà cả các bệnh lý khác không có bác sĩ, điều dưỡng do bị cách ly.

“Khi phủ hết vaccine COVID-19 mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu và đủ ngày phát huy tác dụng, chúng ta mới có thể sẵn sàng đương đầu với Omicron”- PGS Nguyễn Lân Hiếu cho hay.

Ông cũng nêu rõ, trong lúc chờ đợi cần hạn chế tối đa sự xâm nhập biến thể này vào cộng đồng mà cụ thể là quản lý người nhập cảnh số lượng khá lớn đang chuẩn bị về Việt Nam.

“Quy định lấy test nhanh người nhập cảnh, nếu dương tính sẽ giải trình tự gen, cách ly triệt để những ca Omicron trong giai đoạn này là hợp lý”- PGS Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm.

Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, biến thể Omicron không những “né” được miễn dịch mà đôi khi còn “né” được xét nghiệm. Vì vậy ông Thái cũng cho rằng, việc rà soát kỹ nhóm người đi từ nước ngoài về, nhóm người nhập cảnh là vô cùng quan trọng.

Để chủ động ứng phó với biến chủng này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, các địa phương cần phải xây dựng kịch bản đối phó với Omicron một cách kỹ lưỡng, bài bản để tránh bị động khi chủng mới này xuất hiện, lây nhiễm trên địa bàn. Ông cũng phân tích đường lây của biến thể Omicron không thay đổi so với virus SARS-CoV-2, vẫn lây lan qua giọt bắn, qua đường hô hấp, nguy cơ cao khi tiếp xúc gần. Khi các hạt chứa virus bắn vào vật dụng, vô tình chạm tay đưa lên mắt, mũi, miệng có thể bị lây lan. Vì vậy, các giải pháp dự phòng không thay đổi nhưng tất cả phải quyết liệt hơn.

Ông Phu khuyến cáo, với cá nhân, người dân cần thực hiện nghiêm quy định 5K (khẩu trang – khoảng cách – khử khuẩn – không tụ tập – khai báo y tế), tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Với các địa phương, việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ vẫn đang hoàn toàn phù hợp bởi đảm bảo 3 tiêu chí là: kiểm soát ca mắc mới, tiêm vaccine (trong đó ưu tiên cho người già, người bệnh nền) chuẩn bị cơ sở điều trị để người cần can thiệp y tế phải được điều trị kịp thời.

Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra. Bộ cũng thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; Đồng thời Bộ chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch./.

Minh Khánh/VOV.VN

Theo VOV.VN

Ảnh: Hành khách được lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh minh họa: HCDC)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/viet-nam-can-lam-gi-de-ung-pho-voi-bien-the-omicron-post915667.vov