Bứt tốc phát triển Khu CNC Hoà Lạc

Trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch Khu CNC Hòa Lạc, một trong những yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm bố trí đủ diện tích cho Khu CNC để có quỹ đất phát triển.

Chúng tôi có nhiều dịp đến Khu công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc. Lần nào đến cũng được nghe lãnh đạo ban quản lý “phàn nàn” về thiếu cơ chế, kinh phí để giải phóng mặt bằng. Lần này chúng tôi không còn được nghe ý kiến “phàn nàn” nữa mà thay vào đó được nghe những dự định, chương trình để bứt tốc phát triển khu công nghệ cao Hoà Lạc.

Kiên định sáu mục tiêu, sáu phương châm

Phó trưởng Ban quản lý Khu Khu CNC Hoà Lạc Trần Đắc Trung cho chúng tôi biết: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) Khu CNC Hoà Lạc bắt đầu được thực hiện từ năm 2002 do Ban Quản lý làm chủ đầu tư với diện tích 200 ha. Đến năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho địa phương làm chủ đầu tư phần diện tích còn lại. Công tác GPMB bằng trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dành cho GPMB dự án phát triển hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc vay vốn ODA Nhật Bản đã hoàn thành phục vụ việc triển khai thi công dự án bảo đảm tiến độ. Ngoài ra, việc GPMB các dự án quan trọng trong Khu CNC Hòa Lạc như Trường đại học Việt – Nhật, Trường đại học Việt – Pháp và những “điểm đen” trong công tác GPMB tồn tại nhiều năm đã được giải quyết.

Tính đến tháng 10/2021, tổng diện tích đất đã GPMB của Khu CNC Hòa Lạc là 1.356 ha, diện tích còn lại cần GPMB là 226 ha. Nguồn vốn cho công tác bồi thường GPMB và tái định cư Khu CNC Hòa Lạc được cấp từ ngân sách Trung ương. Tổng số vốn dự kiến bố trí cho công tác GPMB đến hết trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 4.846.587 triệu đồng, trong đó: số đã bố trí đến ngày 31/12/2020 là 3.677.558 triệu đồng, số dự kiến bố trí trong trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 1.709.003 triệu đồng. Số còn thiếu so với nhu cầu là 704.489 triệu đồng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Ban Quản lý có phương án huy động từ tiền ứng trước của chủ đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư (số đã ứng là 28.229 triệu đồng), theo cơ chế của Nghị định 74/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017, để có thể hoàn thành công tác bồi thường GPMB trước năm 2025.

Trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch Khu CNC Hòa Lạc, một trong những yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm bố trí đủ diện tích cho Khu CNC để có quỹ đất phát triển đồng thời phải kiên định mục tiêu lâu dài của Khu CNC như đã đề ra. Năm 2008, với sự giúp đỡ của JICA, Quy hoạch điều chỉnh Khu CNC Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm 2015, các công trình hạ tầng kỹ thuật vay vốn ODA (Nhật Bản) đã được khởi công đồng loạt và được hoàn thành xây dựng năm 2020. Trong quá trình triển khai, năm 2016 đã điều chỉnh quy hoạch lần 2 với một số nội dung liên quan khớp nối hạ tầng đồng bộ và điều chỉnh tiến độ xây dựng Khu CNC Hòa Lạc đến năm 2030. Như vậy, đến nay, quy mô và mục tiêu của Khu CNC đã được giữ ổn định, riêng tiến độ hoàn thành được điều chỉnh đến năm 2030 thay vì năm 2020 theo quy hoạch đã được phê duyệt trước đây.

Trong quá trình xây dựng, có rất nhiều ý kiến muốn thay đổi mục tiêu và phương châm hoạt động của Khu công nghệ cao Hoà Lạc nhưng thật đáng mừng Bộ KH và CN cũng như các thế hệ lãnh đạo khu đã kiên định giữ vững 6 mục tiêu và 6 phương châm theo chỉ đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Hội đồng chỉ đạo Dự án, Khu CNC Hoà Lạc như một Đặc khu, trong đó trọng tâm là việc gắn kết giữa khoa học và sản xuất cụ thể như sau:

Sáu mục tiêu chính: Chuyển giao công nghệ vào Việt Nam; Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam; Liên kết giữa sản xuất và nghiên cứu – triển khai tại Việt Nam; Chuẩn bị nguồn nhân lực công nghệ cao cho Việt Nam; Nâng cao năng lực công nghệ nội sinh của Việt Nam; Sáng tạo các công nghệ cao thực sự có ích cho sự phát triển của Việt Nam.

Sáu phương châm hoạt động của Khu CNC Hoà Lạc: Gắn kết nghiên cứu và triển khai tại Khu với hoạt động nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, dịch vụ công nghệ phạm vi trong và ngoài Khu, Khu CNC Hoà Lạc đóng vài trò như một cửa khẩu công nghệ cao quan trọng của Việt Nam; Chú ý thích đáng đến đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; Xây dựng năng lực nội sinh về nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, Khu CNC Hoà Lạc là Vườn ươm công nghệ cao của Việt Nam; Quan tâm đặc biệt đến phát triển công nghệ phần mềm; Liên kết có hiệu quả với Đại học Quốc gia Hà Nội, các đơn vị nghiên cứu và triển khai và doanh nghiệp trong Khu CNC Hoà Lạc; Đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Thiết lập môi trường sáng tạo công nghệ

Khu CNC Hòa Lạc được lên kế hoạch xây dựng và phát triển theo 3 giai đoạn như sau: Giai đoạn một có mục tiêu chủ yếu là thiết lập môi trường chính sách đặc biệt, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, huấn luyện và đào tạo đội ngũ tri thức công nghệ và lao động kỹ thuật chất lượng cao để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư các công nghệ tiên tiến vào Khu CNC. Thông qua đó thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ, làm cơ sở cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Ở giai đoạn này, Khu CNC hoạt động như một cửa khẩu công nghệ cao của Việt Nam, đồng thời có sản xuất ra các sản phẩm từ công nghệ cao, góp phần đáp ứng thị trường trong nước và khu vực. Giai đoạn hai có mục tiêu là thiết lập môi trường sáng tạo công nghệ với các trung tâm đào tạo và nghiên cứu triển khai các CNC cho quốc gia, bảo đảm quá trình lan truyền CNC sang các khu vực khác. Khu CNC trở thành khu CNC kiểu mẫu và là đầu tàu cho sự hình thành các khu CNC khác của Việt Nam, trở thành nòng cốt CNC cho nền công nghiệp hiện đại của nước ta.

tm-img-alt
Kiểm định thực phẩm chức năng tại Viện Thực phẩm chức năng

Hiện tại Khu CNC Hoà Lạc bước vào giai đoạn hai, giai đoạn thiết lập môi trường sáng tạo công nghệ với các trung tâm đào tạo và nghiên cứu triển khai các CNC cho quốc gia. Để tạo sự chủ động bước vào giai đoạn hai này trong triều năm qua Khu CNC Hào Lạc đã xây dựng nền tảng để tạo ra các sản phẩm “đầu ra” đó là: nguồn nhân lực CNC; doanh nghiệp CNC; sản phẩm Quốc gia và CNC. Khu CNC Hòa Lạc đang tập trung tăng cường hoạt động nghiên cứu và triển khai, nghiên cứu làm chủ công nghệ, giải mã công nghệ, khai thác sáng chế, triển khai thực nghiệm tạo ra công nghệ cao mới được ứng dụng sản xuất các sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao, tạo các dịch vụ công nghệ cao, và qua đó hình thành các cơ sở nghiên cứu công nghệ cao, các doanh nghiệp công nghệ cao. Khu đã thu hút được các dự án đầu tư thực hiện hoạt động nghiên cứu và triển khai, phát triển công nghệ, hỗ trợ hoạt động R&D, cung ứng các dịch vụ công nghệ cao. Các dự án hỗ trợ nghiên cứu và triển khai cũng đang được đầu tư, đưa vào hoạt động nhằm hỗ trợ hoàn thiện công nghệ, quy trình công nghệ, kiểm thử, kiểm chuẩn tiêu chuẩn chất lượng, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm. Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc thuộc Ban Quản lý nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao và phát triển được các sản phẩm mới như thẻ kháng khuẩn chứa hỗn hợp tạo khí CLO2 ngừa vi – rút SARS – CoV – 2 hỗ trợ công tác phòng dịch Covid – 19; hoàn thiện các dòng máy bay không người lái với các tính năng mới ứng dụng nông nghiệp, ứng dụng chụp ảnh xây dựng bản đồ, đo đạc từ trường; chế tạo cải tiến nâng cấp rô – bốt tự hành; các thiết bị y tế như máy lọc thận, kim tiêm tự động; đang tiếp tục nghiên cứu chế tạo Pin nhiên liệu Hydro đưa vào ứng dụng thực tế. Ban Quản lý cũng đầu tư, triển khai các Testlab về công nghệ như “IoT Innovation Hub”; xây dựng nền tảng dữ liệu não người Việt tại Hệ tri thức Việt số hóa; phối hợp các đơn vị khác để đầu tư, xây dựng trang thiết bị phòng thí nghiệm, hạ tầng kỹ thuật cần thiết hỗ trợ các nhóm ươm tạo phát triển công nghệ, sản phẩm theo hình thức hợp tác công – tư; xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin KH và CN về chuyên gia, đề tài, dự án, sáng chế, giải pháp hữu ích, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, các quỹ đầu tư, hỗ trợ cho KH và CN, hệ thống phòng thí nghiệm, bước đầu tổ chức các hoạt động tư vấn, trình diễn, chuyển giao công nghệ.

Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được các nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghệ cao có giá trị gia tăng cao, thay thế hàng nhập khẩu và tham gia thị trường thế giới. Các dự án đầu tư trong Khu có tỷ lệ nghiên cứu và phát triển lớn và đã làm chủ được công nghệ lõi, các công nghệ cao quan trọng có những thành tự quan trọng, bước đầu lan tỏa và đóng góp vào nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, có các nhà đầu tư lớn, đủ tầm dẫn dắt các lĩnh vực công nghệ cao khác nhau trong Khu, cụ thể: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Đại học FPT, …), Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản). Các tập đoàn này đã tạo ra các sản phẩm tiêu biểu như: Rada cảnh giới biển ứng dụng công nghệ 4G, 5G; giải pháp phần mềm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trên nền tảng Akaminds IOT, Akabot (xử lý ngôn ngữ tự nhiên), Akachain (nền tảng ứng dụng blockchain cho doanh nghiệp)… ; vắc-xin cho người phòng chống virus Covid – 19; cấu kiện động cơ máy bay, các dụng cụ cắt gọt công nghệ cao trong công nghiệp hàng không; mô – tơ điện một chiều không chổi than và thiết bị tản nhiệt; hệ thống bảo vệ điều khiển tích hợp trạm biến áp; các tủ điện hạ thế, trung thế với công nghệ được chuyển giao từ các hãng sản xuất thiết bị điện hàng đầu thế giới.

Một lĩnh vực hoạt động có hiệu quả của Khu CNC Hòa Lạc trong thời gian vừa qua đó là triển khai việc thu hút đầu tư để hình thành hệ sinh thái ươm tạo, đổi mới sáng tạo (ĐMST), làm nền tảng để hình thành và phát triển các CNC, doanh nghiệp CNC và lan tỏa ra nền kinh tế. Khu đã và đang thu hút đầu tư, xây dựng hệ sinh thái về ươm tạo, đổi mới sáng tạo, tiêu biểu như: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các nguồn lực về KH và CN, đào tạo, tài chính, tư vấn, không gian làm việc; hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; vận hành, phát triển Mạng lưới sáng tạo Việt Nam; góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển KH và CN. Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo CNC thuộc Ban Quản lý thực hiện hoạt động hỗ trợ ươm tạo CNC, doanh nghiệp CNC; hỗ trợ hoạt động đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực CNC; tổ chức sát hạch theo chuẩn kỹ năng. Trung tâm nghiên cứu phát triển SSI, Công ty Cổ phần chứng khoán SSI (đang đề xuất đầu tư): dự kiến nghiên cứu, phát triển các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn,.; thực hiện chuyển giao công nghệ là các sản phẩm của hoạt động nghiên cứu và phát triển, cung cấp các phần mềm, sản phẩm CNTT công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính – chứng khoán, chuyển đổi số doanh nghiệp,..; thực hiện hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp CNC.

Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương (đang đề xuất đầu tư): dự kiến thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo; nghiên cứu – triển khai, sản xuất thử nghiệm; chuyển giao, làm chủ, giải mã công nghệ; hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị dùng chung; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ.

Các đơn vị hỗ trợ ươm tạo CNC, doanh nghiệp CNC triển khai tư vấn, hỗ trợ đánh giá các nhóm ươm tạo trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, bằng phát minh, sáng chế và các công việc khác liên quan pháp luật; tư vấn công nghệ, tư vấn tài chính, kế toán, phân tích tài chính doanh nghiệp, lập đề án xin tài trợ vốn, vay vốn; tư vấn sử dụng nguồn nhân lực, tư vấn đào tạo nguồn nhân lực, tuyển dụng; tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp, khóa đào tạo, hội thảo để hỗ trợ và phát triển hoạt động khởi nghiệp trong và ngoài Khu CNC Hòa Lạc.

Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hoà Lạc Lưu Hoàng Long cho chúng tôi biết tin vui: Đã hình thành sự kết nối hoạt động nghiên cứu và sản xuất, chia sẻ phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất giữa các đơn vị nghiên cứu và sản xuất ở trong và ngoài Khu (hợp tác giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc với Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm CVI, Tập đoàn Viettel, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh…; hợp tác giữa Viện thực phẩm chức năng với các đơn vị sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng để chuyển giao các kết quả nghiên cứu…

Ngài Kim Soo Jun Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DT & C Vina và ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện thực phẩm chức năng cho rằng: Chúng tôi đều ghi nhận một sự chuyển mình tích cực tại Khu CNC những năm qua, nhất là năm 2021 đó là hình thành sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu để hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm, trong đó đặc biệt là giữa Công ty Cổ phần DT&C Vina và Công ty Cổ phần Phượng Hoàng Xanh A&A, Tập đoàn Viettel, Công ty Vinsmart,… trong lĩnh vực thử nghiệm tương tích điện từ, an toàn điện, độ tin cậy.. cho các sản phẩm điện, điện tử, thiết bị ICT; kết nối hợp tác giữa Tập đoàn Hanwha và Công ty M3, Công ty Widia Shinki,…

Nhằm tạo cơ hội phát triển cho Khu CNC Hoà Lạc, các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp, viện nghiên cứu kiến nghị cho phép Khu CNC áp dụng một số cơ chế chính sách thí điểm trong một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển ươm tạo, khởi nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ 4.0, công nghệ tự động hoá… Cấp có thẩm quyền sớm ban hành Chương trình KH và CN phát triển sản phẩm trọng điểm công nghiệp tại Khu CNC Hòa Lạc; có chủ trương tập trung đầu tư tại Khu CNC Hoà Lạc các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn tại khu vực phía Bắc trong các lĩnh vực công nghệ cao được đầu tư bằng ngân sách của Nhà nước, nhằm bảo đảm nhu cầu nghiên cứu phát triển của các ngành lĩnh vực, đồng thời tạo được tiềm lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao của Khu CNC Hoà Lạc; ban hành chính sách cho các chuyên gia về công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo trong các vấn đề về thuế thu nhập cá nhân; cơ chế visa dài hạn cho các chuyên gia tham gia nghiên cứu, làm việc dài hạn tại Khu CNC. Đây là những tiền đề quan trọng để Khu CNC Hoà Lạc có thể bứt tốc phát triển trong những năm tiếp theo.

Hà Hồng – Bùi Phương

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Kiểm định sản phẩm điện tử tại Phòng hấp thụ sóng điện từ thuộc Công ty cổ phần DT & C Vina