Các nhà khoa học đã phát hiện thêm một phiên bản mới của biến thể Omicron. Đặc biệt, phiên bản mới này khó phát hiện hơn phiên bản gốc khi áp dụng các xét nghiệm hiện nay kể cả PCR.
Nó mang nhiều đột biến giống như phiên bản Omicron gốc, nhưng thiếu một đặc điểm di truyền quan trọng giúp phương pháp xét nghiệm PCR dễ dàng phân biệt Omicron với Delta hoặc các biến thể khác.
Các nhà khoa học đã đề xuất phân loại biến thể Omicron (gọi là B.1.1.529) thành hai dòng phụ, bao gồm BA.1 là phiên bản Omicron ban đầu và BA.2 là phiên bản mới. Cách phân loại này đã được sử dụng trên Cov-Lineages – hệ thống trực tuyến cung cấp thông tin về các biến chủng của virus SARS-CoV-2 và sự lây lan của chúng.
Theo Hiệp hội Vi sinh vật Mỹ: Phiên bản mới BA.2 thiếu một đột biến mà các nhà khoa học đang sử dụng nó để theo dõi Omicron. Đó là đột biến 69-70del trên gene mã hóa protein gai – thứ giúp virus lây nhiễm vào tế bào.
Cho đến nay đã có 7 người bệnh đã nhiễm biến thể phụ BA.2 được báo cáo trên toàn cầu. Các trường hợp đầu tiên xuất hiện ở Nam Phi, Úc và Canada. Tuy nhiên, theo The Guardian BA.2 có thể đã lây lan rộng hơn. Giới khoa học vẫn đang theo dõi chặt chẽ mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron cũng như tính hiệu quả của các loại thuốc và vaccine hiện có đối với biến thể này.
Thanh Thúy
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Biến thể Omicron còn được gọi là B.1.1.529