Ô nhiễm không khí: Cần một đề tài mang tính liên hợp

So với thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay, sự đầu tư của nhà nước và chính quyền địa phương cho việc nghiên cứu về ô nhiễm không khí còn rất khiêm tốn.

Sự đầu tư của nhà nước và chính quyền địa phương cho việc nghiên cứu về ô nhiễm không khí còn quá nhỏ so với lợi ích từ việc giảm thiểu ô nhiễm không khí như giảm chi phí gánh nặng bệnh tật, sự ổn định xã hội, và nhiều lợi ích kinh tế khác.

Những năm gần đây, các nhà khoa học, người dân, và cho tới các cấp chính quyền đã quan tâm nhiều hơn đến ô nhiễm không khí. Với sự góp mặt của cổng thông tin quan trắc môi trường, mạng lưới quan trắc môi trường thủ đô cũng như sự góp sức của một số mạng lưới cảm biến như PamAir, bức tranh về mức độ ô nhiễm bụi mịn hiện ra ngày một rõ ràng hơn. Sự đầu tư cho mạng lưới quan trắc không khí quốc gia là việc làm cần thiết để có thể định lượng chính xác thực trạng ô nhiễm không khí toàn quốc.

Bên cạnh đó, gần đây các nhà khoa học trong nước đã có thêm nhiều công bố chất lượng trên tập san uy tín với chủ đề nghiên cứu mở rộng từ đo đạc nồng độ ô nhiễm và lượng phát thải, phân tích đặc trưng bụi cho tới phát triển mô hình mô phỏng, ứng dụng dữ liệu vệ tinh và tính toán sự phơi nhiễm ô nhiễm không khí. Những công bố khoa học này là những mảnh ghép quan trọng cho chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn về thực trạng ô nhiễm không khí để có những giải pháp đúng đắn.

Hiện nay việc nghiên cứu về ô nhiễm không khí đang gặp nhiều khó khăn do những thiếu hụt trong dữ liệu quan trắc, kiểm kê và thiết bị đo đạc phân tích. Việc thiếu một bộ dữ liệu đồng bộ và liên tục sẽ cản trở sự phân tích xu thế ô nhiễm cũng như khó có thể đưa ra một bức tranh tổng thể về tình hình ô nhiễm.

Những khó khăn và thiếu hụt

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch quốc gia (QĐ 1973/QĐ-TTg, 23/11/2021) về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025, trong đó có đưa ra bốn chương trình ưu tiên bao gồm hoàn thiện chính sách pháp luật, đổi mới cộng nghệ sản xuất và thiết bị xử lý khí thải công nghiệp, đầu tư thiết bị quan trắc, kiểm kê nguồn khí thải và phổ biến thông tin về chất lượng không khí. Đây là một bước đi quan trọng trong việc quản lý chất lượng không khí. Tuy nhiên, theo tôi kế hoạch quốc gia cần đặt việc nâng cao chất lượng nghiên cứu về ô nhiễm không khí là ưu tiên hàng đầu. Bởi có đánh giá chính xác về hiện trạng, nguồn cũng như ảnh hưởng của các hiện tượng ô nhiễm dựa trên kết quả của những nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện từ các trường đại học và viện nghiên cứu, chúng ta mới có thể đưa ra một lộ trình giảm thiểu ô nhiễm một cách hiệu quả cũng như đặt ra những mục tiêu thực tế và cụ thể. Hiện nay, việc nghiên cứu về ô nhiễm không khí đang gặp nhiều khó khăn do những thiếu hụt trong dữ liệu quan trắc, kiểm kê và thiết bị đo đạc phân tích.

Kế hoạch quốc gia đã đề cập chung tới dữ liệu quan trắc và kiểm thải, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Để có thể hiểu sâu sắc và giải thích được các hiện tượng ô nhiễm, chúng ta cần có nhiều dữ liệu chuyên sâu về thành phần hóa học của nguồn gây không khí (ví dụ hàm lượng một số kim loại nặng như chì, arsen, niken hay các hợp chất vòng thơm đặc biệt ở các khu công nghiệp). Một số dự án gần đây được sự tài trợ của nước ngoài đã phân tích thành phần hóa học của bụi, tuy nhiên dữ liệu đó chỉ mang tính chất thời vụ của dự án nên không tạo hệ dữ liệu liên tục. Sự thiếu một bộ dữ liệu đồng bộ và liên tục sẽ cản trở sự phân tích xu thế ô nhiễm cũng như khó có thể đưa ra một bức tranh tổng thể về tình hình ô nhiễm.

Nguyên nhân của những khó khăn về mặt dữ liệu này là do chúng ta thiếu nghiêm trọng các thiết bị đo đạc, đặc biệt các thiêt bị đo theo thời gian thực (real-time instruments). Các thiết bị hiện nay có thể đo những thành phần cơ bản của bụi như nông độ kim loại, ion, carbon đen, tổng hàm lượng carbon và một số các chất hữu cơ cũng như các khí theo từng giờ, thậm chí từng phút. Những thiết bị đo đạc này rất hữu ích trong việc xác định nhanh nguyên nhân ô nhiễm cũng như cảnh báo ô nhiễm. Sự thiếu hụt các thiết bị đo đạc đặc trưng lý tính của bụi như phân bố kích cỡ bụi, hình dáng cấu tạo, mật độ trọng lượng và độ háo nước của bụi đã làm hạn chế những nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế hình thành và lan truyền bụi. Xây dựng một siêu trạm quan trắc (supersite) bao gồm các thiết bị quan trắc hiện đại trong tương lai gần đang là mơ ước của các nhà nghiên cứu về ô nhiễm không khí tại Việt Nam.

Ô nhiễm không khí: Cần một đề tài mang tính liên hợp
TS. Lý Bích Thủy (Viện Công nghệ môi trường, ĐH Bách khoa HN) giới thiệu một số thiết bị phân tích mẫu không khí trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Nhật Hà

Một sự thiếu hụt đáng tiếc khác là về các thiết bị phân tích thành phần hóa học trong phòng thí nghiệm của các trường đại học và viện nghiên cứu. Từ việc tham khảo các kết quả công bố khoa học gần đây, chúng ta có thể thấy rằng các thiết bị đo ô nhiễm không khí của chúng ta hầu như không có gì ngoài các trạm quan trắc đo một số thông số ô nhiễm cơ bản, các thiết bị thu bụi và một số các cảm biến quang học. Trong khi việc đầu tư nhiều các thiết bị đo đạc và phân tích hiện đại đã trở thành phổ biến ở rất nhiều trung tâm nghiên cứu trên thế giới. Đầu tư thiết bị phân tích và nâng cao khả năng phân tích rất tốn kém nhưng những lợi ích mang lại rất lớn và dài lâu vì không những có thể phục vụ cho lĩnh vực nghiên cứu không khí mà còn các ngành khác như nghiên cứu về ô nhiễm đất/nước, dược phẩm, và thực phẩm.

Tất nhiên để thực hiện nghiên cứu, thì không thể bỏ qua yếu tố con người. Nếu so sánh với các nước khác như Vương quốc Anh và với nhu cầu thực tế thì số lượng các nghiên cứu viên làm về ô nhiễm không khí trong nước còn rất mỏng. Hiện tại, chúng ta đã và đang xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh (đây là một chủ trương đúng đắn và cần thiết). Việc đào tạo các sinh viên giỏi là việc không thể thiếu trong quá trình xây dựng các nhóm nghiên cứu đó. Tuy nhiên số lượng sinh viên theo chuyên ngành ô nhiễm không khí rất ít và chưa được đào tạo một cách chuyên sâu về nghiên cứu. Do đó, chúng ta cần mở rộng và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo trong nước để thu hút sinh viên nhiều hơn.

Hiện nay có một số lượng đề tài nghiên cứu về ô nhiễm không khí hoàn toàn có thể gộp thành một đề tài lớn mang tính liên hợp. Việc tạo ra các đề tài lớn theo hình thức liên hợp này vừa tạo ra sức mạnh tài chính lớn, đồng thời tạo ra sự hợp tác, bổ trợ lẫn nhau giữa các nhóm.

Một chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia?

Dựa trên kinh nghiệm từ những dự án nghiên cứu ô nhiễm không khí tại Vương quốc Anh và Trung Quốc, tôi cho rằng nghiên cứu ô nhiễm không khí cần được đầu tư một cách liên tục và bài bản. Việc đầu tư nghiên cứu ô nhiễm không khí với kinh phí nhỏ và riêng lẻ như hiện nay có thể dẫn tới sự thiếu hiệu quả. Đặc thù của ngành môi trường nói chung đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa nhiều nhà khoa học từ cùng một chuyên ngành hoặc liên ngành. Thí dụ, để thu mẫu và thực hiện các chiến dịch thu mẫu là rất tốn kém, do đó nếu gộp các dự án nhỏ lại một chương trình nghiên cứu lớn hơn, các nhà nghiên cứu có thể chia sẻ lẫn nhau các mẫu và thiết bị nghiên cứu và cũng như dữ liệu và kết quả nghiên cứu. Sự đồng bộ của dữ liệu về mặt thời gian cũng rất quan trọng để có thể đánh giá và xác nhận độ chính xác của những mô hình mô phỏng, từ đó cho chúng ta một bức tranh tổng thể về tình hình ô nhiễm không khí.

Trên thực tế, hiện nay có một số lượng đề tài nghiên cứu về ô nhiễm không khí và hoàn toàn có thể gộp thành một đề tài lớn mang tính liên hợp. Việc tạo ra các đề tài lớn theo hình thức liên hợp này vừa tạo ra sức mạnh tài chính lớn, đồng thời tạo ra sự hợp tác, bổ trợ lẫn nhau giữa các nhóm. Đây là điều từng được kiến nghị cách đây vài năm nhưng có vẻ như chưa trở thành hiện thực cho nghiên cứu ở Việt Nam2. Chúng ta cần có một chương trình nghiên cứu về ô nhiễm không khí với một sự tài trợ lớn và dài hơi. Các nhóm nghiên cứu cần hợp tác để kết hợp cùng nộp những đề tài nổi bật (hightlight topics) để các nhà tài trợ có thể lựa chọn một hoặc hai chủ đề lớn nghiên cứu cần ưu tiên trong năm. Tất nhiên bên cạnh các đề tài trọng điểm quốc gia thì các địa phương cũng cần phải có những tài trợ nhỏ hơn để nghiên cứu tình hình ô nhiễm không khí trên địa bàn. Thí dụ thành phố Hà Nội có thể tài trợ cho đề tài về mô hình cảnh bảo sớm ô nhiễm không khí cũng dự đoán các đợt bụi kéo dài ở Hà Nội.

Những chủ đề lớn ví dụ như xác định nguồn ô nhiễm không khí ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh: các đề tại hiện tại mới đang tìm hiểu một vài khía cạnh như xác định hóa học của bụi sau đó dùng mô hình điểm ô nhiễm không khí nhận để tìm nguồn ô nhiễm. Để có thể hiểu sâu và chính xác hơn về nguồn ô nhiễm không khí, chúng ta cần kết hợp nhiều kỹ thuật phân tích, phát triển các mô hình mô phỏng cũng như nghiên cứu cụ thể cơ chế lan chuyền và hình thành các chất ô nhiễm.

Có thể thấy, chúng ta còn một chặng đường rất dài để có thể cải thiện chất lượng không khí đạt được mức khuyến nghị của tổ chức y tế thế giới (WHO). Nghiên cứu một cách bài bản về tình hình ô nhiễm không khí sẽ giúp chúng ta có những chính sách phù hợp để rút ngắn đáng kể chặng đường đó. Để đạt được điều đó, chúng ta cần đầu tư một cách mạnh mẽ trong việc tài trợ thiết bị nghiên cứu và các đề tài đủ lớn để giải quyết trọn vẹn từng vấn đề quan trọng và cần xây dựng các chương trình nghiên cứu cụ thể cũng như đào tạo thêm nhiều các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu ô nhiễm không khí.□

———-

TS. Vũ Tuân
Nghiên cứu viên về chất lượng không khí
Đại học hoàng gia London, Vương quốc Anh

Tham khảo & Chú thích:

1. Trong bài viết gần đây trên Tia Sáng, tác giả Anh Vũ đã có một bài viết ngắn về những khó khăn trong nghiên cứu ô nhiễm không khí do đầu tư cho nghiên cứu còn rất hạn chế. Xem: Nghiên cứu ô nhiễm không khí: Đã được đầu tư tương xứng? https://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Nghien-cuu-o-nhiem-khong-khi-Da-duoc-dau-tu-tuong-xung–25326

2. Hơn 5 năm trước, trong một bài viết trên Tia Sáng (2015), tác giả Ngô Đức Thế đã kiến nghị việc cấp các đề tài lớn theo hình thức consortium bằng cách gộp các đề tài nhỏ. Xem: Tái cơ cấu tài trợ và nâng cao hợp tác trong khoa học, https://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/tai-co-cau-tai-tro-va-nang-cao-hop-tac-trong-khoa-hoc-8549

Theo Tia Sáng

Ảnh: Thiết bị quan trắc chất lượng không khí của cơ quan quản lý môi trường tỉnh Thái Nguyên. Nguồn: Báo Thái Nguyên.