Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc vẫn rất cao, lượng chất thải rất lớn phát sinh từ việc phòng chống Covid-19 có nguy cơ phát tán khắp các khu phố, ngõ hẻm mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm cho con người.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, đợt bùng phát Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam từ năm 2020 đến nay với số ca mắc tăng nhanh / ngày, những ngày gần đây, số mắc mới khoảng 8000-9000 ca/ngày, thậm chí. khoảng hơn 13.000 ca mỗi ngày. Đặc biệt tại các điểm nóng, số bệnh nhân mới trên 4.000 ca/ngày, không chỉ gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn dân, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội, mà còn tạo ra những vấn đề lớn về môi trường. Đó là chất thải phát sinh từ công việc phòng, chống dịch Covid-19. Lượng chất thải rất lớn phát sinh từ việc phòng chống Covid-19 phát tán khắp hang cùng ngõ hẻm mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm cho con người.
Chất thải rắn y tế phát sinh từ công tác phòng chống dịch Covid-19
Rất nhiều loại chất thải phát sinh từ công tác phòng chống dịch Covid-19, trước hết là khẩu trang các loại, găng tay, các loại nước sát khuẩn, các que thử, vật phẩm xét nghiệm, thuốc chữa trị và chất thải từ tiêm vacxin cho hàng triệu người. Đặc trưng cơ bản của các loại chất thải này không chỉ tập trung ở bệnh viện nơi có phương tiện thu gom đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, được sát khuẩn trước khi vận chuyển đến nơi xử lý, mà còn một lượng lớn nằm rải rác khắp trong cộng đồng dân cư, từ những khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến, các ca bệnh F0 điều trị tại nhà, các phương tiện tự xét nghiệm… Một trong những giải pháp yêu cầu được ưu tiên đề phòng tránh lấy lan bệnh dịch là người dân phải đeo khẩu trang y tế. Nhu cầu đeo khẩu trang y tế của người dân tăng cao cho nên rác thải khẩu trang trở thành vấn đề cấp bách. Do đây là đồ dùng một lần nên sau khi sử dụng nhiều người thường vứt bừa bãi, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây bệnh cho người khác rất cao, tình trạng này đang diễn ra ở tất cả các địa phương.
Tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và Đà Nẵng, ước tính lượng chất thải nguy hại liên quan đến Covid-19 vào khoảng 18 tấn/ngày đến 78 tấn/ngày được thu gom từ hàng trăm khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến, tại các hộ nơi có F0 cách ly.
Trước tình trạng vứt khẩu trang y tế sau khi sử dụng phòng chống dịch Covid-19 không đúng quy định, không được thu gom, tiêu hủy kịp thời dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng và ô nhiễm môi trường, Chính phủ đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch Covid-19 vụ dịch, bao gồm cả việc thu gom và xử lý các loại khẩu trang bị bỏ đi.
Mặt khác, rác thải tại các khu cách ly tập trung, khu điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh Covid-19 cũng phát sinh với một số lượng khá lơn và được xếp vào loại chất thải nguy hại, khả năng lây lan dịch bệnh từ các loại phế thải ở khu vực này luôn tìm ẩn nguy cơ cao. Chính vì vậy, công tác xử lý rác ở những địa điểm trên luôn được quan tâm đúng mức. Hiện chưa có số liệu thống kê hoặc khảo sát đáng tin cậy nào cho thấy lượng phát thải chất thải rắn y tế nguy hại đã thay đổi, nhưng với sự gia tăng đáng kể của các loại vật tư tiêu hao dùng một lần để điều trị người bệnh Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm, cho các khu cách ly tập trung… thì lượng chất thải dịch đã làm cho khối lượng chất thải y tế nguy hại tăng lên rất nhiều.
Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải từ dịch bệnh hiện đang được những công nhân của các đơn vị có giấy phép hành nghề thực hiện trong đó, lực lượng chủ yếu là công nhân ngành vệ sinh môi trường đô thị thuộc các công ty môi trường đô thị quản lý. Trong quá trình làm việc, rủi ro dễ xảy ra đối với các đối tượng này? Câu hỏi đặt ra là chính sách và cơ chế nào để hỗ trợ họ giảm tới mức tối thiểu nguy cơ lây nhiễm khi hàng ngày họ phải phơi nhiễm với loại chất thải từ các vùng dịch bệnh?
Một vài thống kê cho thấy các địa phương đang phải đối đầu với chất thải y tế phát sinh từ dịch bệnh Covid-19 lớn đến mức nào:
Theo Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, lượng rác thải liên quan Covid-19 trung bình là 78 tấn/ngày, thu gom từ 280 khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến với 95 phương tiện thu gom, vận chuyển và 417 công nhân hoạt động liên tục mỗi ngày.
Tại tỉnh Bình Dương có 21 cơ sở điều trị (bao gồm 5 bệnh viện dã chiến), 143 cơ sở cách ly y tế tập trung và 1.601 điểm/khu vực phong tỏa. Thống kê từ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương, hiện tổng khối lượng chất thải phát sinh trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 40-70 tấn/ngày. Trong đó, chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phát sinh từ các cơ sở điều trị, khu cách ly y tế tập trung là 18-20 tấn/ngày; chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 (được phân loại từ các hộ gia đình nhiễm F0, F1) của các khu phong tỏa là 20 tấn/ngày.
Tại Đồng Nai, với 85 khu cách ly, 423 vùng cách ly tập trung, phong tỏa và 9 bệnh viện dã chiến. Theo các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, chất thải phát sinh từ hoạt động của các bệnh viện dã chiến chủ yếu là chất thải lây nhiễm với khối lượng khoảng 5,4 tấn/ngày.
UBND các huyện và các thành phố Long Khánh, Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, chất thải phát sinh tại các khu cách ly, vùng cách ly tập trung, khu vực phong tỏa, bình quân là hơn 77,6 tấn/ngày, trong đó chất thải lây nhiễm trên 29,4 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 48,2 tấn/ngày.
Tại Đà Nẵng, ngoài lượng rác thải sinh hoạt phát sinh là trên 600 tấn, thành phố phải xử lý lượng rác thải nguy cơ chứa SARS-CoV-2 hơn 3 tấn/ngày, chưa kể lượng rác thải, nước thải tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh (CITENCO) cho biết, để công tác thu gom rác tại các khu vực cách ly được thông suốt, tránh tình trạng ứ đọng rác, gây nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, CITENCO đã bố trí thường trực một đội gồm hơn 300 công nhân hoạt động với tần suất 3 ca/ngày và 24/24 giờ. Nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân, CITENCO đã trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân và tập huấn các nguyên tắc, quy định về phòng dịch ở từng khu vực, vị trí làm việc. Tuy nhiên, do lượng rác phải thu gom quá lớn, các điểm thu gom cách nhau xa và thời gian thu gom gấp rút nên đã gây áp lực rất lớn đối với công nhân. Nhiều người đã ở lại luôn chỗ làm nhiều ngày không về nhà.
Giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải Covid-19
Chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh do dịch Covid-19 đang dồn áp lực lên các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý mà trực tiếp là những người công nhân, họ ngày đêm phải đối mặt với rất nhiều rủi ro bị nhiễm bệnh. Do phải thu gom, vận chuyển số lượng chất thải tăng cao so với bình thường, đòi hỏi họ phải nỗ lực, làm việc nhiều hơn. Ngoài ra, vì vấn đề an toàn họ phải mặc các đồ bảo hộ đội mũ, đeo khẩu trang làm việc giữa những ngày hè nóng bức, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Nhận thức rõ tính chất nghiêm trọng của vấn đề này, thời gian qua các cơ quan quản lý Nhà nước đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, các quy định về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Cụ thể là các văn bản: Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 5/8/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 về “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19”. Tiếp đến là Bộ Y tế ban hành văn bản số 1734/BYT-MT về việc tăng cường quản lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19. Công văn số 4119/BTNMT-TCMT ngày 23/7/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường… Rất nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các văn bản nói trên, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của địa phương mình.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố bảo đảm kinh phí cho các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải, bảo đảm không làm phát tán mầm bệnh Covid-19 ra môi trường. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan, đơn vị quản lý môi trường của địa phương chịu trách nhiệm vận chuyển, xử lý chất thải rắn tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn, bảo đảm kịp thời hằng ngày và khi cần. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của địa phương tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng quy định; không sử dụng lại đối với khẩu trang sử dụng một lần…
Tuy không trực tiếp tham gia vào lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid -19, nhưng các công nhân vệ sinh môi trường luôn có mặt tại các bệnh viện, khu cách ly tập trung, khu phong tỏa để thu gom, vận chuyển, xử lý các loại rác thải, trong đó có rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Công nhân công ty môi trường làm việc trực tiếp trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch Covid-19
Thực tế cho thấy, lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đang phải làm nhiệm vụ thu gom rác trực tiếp tại khu vực có người lây nhiễm Covid-19 trên cả nước, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa dịch lây lan, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi số lượng người bệnh F0 điều trị tại nhà đang tang lên. Do đó, họ cần được xếp vào nhóm tuyến đầu chống dịch, đồng thời cần được nhìn nhận là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19. Rác thải ở những địa phương có ca mắc hoặc có nguy cơ mắc Covid-19 cao, cũng như các khu đang bị phong tỏa, cách ly cần được phân loại cẩn thận, sẽ giúp công tác thu gom nhanh và dễ dàng hơn, giảm áp lực cho công nhân và các nhà máy xử lý.
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, công nhân đi thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại phải làm việc liên tục, thường xuyên, hằng ngày. Đây là đối tượng nguy cơ rất cao bị lây nhiễm Covid-19. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kiến nghị nên xét nghiệm thường xuyên và phải được tiêm vaccine đủ 2 mũi cho đối tượng này để đảm bảo yêu cầu công việc và an toàn cho người lao động. Ngoài ra phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân, đội thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý rác thải, tránh tác động đến tâm lý và sức khỏe của công nhân.
Nguyễn Lâm Quảng, Nguyễn Thị Kim Thái
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Công nhân công ty môi trường làm việc trực tiếp trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch Covid-19