Quản lý chất thải công nghiệp nguy hại ở Việt Nam: Hiện trạng và định hướng công nghệ xử lý

Ngành công nghiệp phát triển dẫn tới lượng chất thải rắn công nghiệp ở nước ta những năm gần đây phát sinh rất lớn, trong đó có chất thải nguy hại. Vấn đề chính của quản lý chất thải nguy hại ở Việt Nam là thiếu các công nghệ phù hợp.

Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2019, toàn quốc có 335 khu công nghiệp/khu chế xuất tập trung, trong đó có 256 khu công nghiệp hiện đang hoạt động với nhiều ngành khác nhau. Cùng với sự phát triển công nghiệp, mức độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao và song hành với điều này, khối lượng chất thải công nghiệp, trong đó có chất thải công nghiệp nguy hại cũng ngày càng gia tăng.

Quản lý chất thải công nghiệp nguy hại ở Việt Nam - Ảnh 1

Những CTNH điển hình phát sinh từ các hoạt động công nghiệp bao gồm: Axít và kiềm, dung dịch xianua và các hợp chất xianua; các loại dung môi đã được halogen-hoá hoặc không được halogen hóa, cặn kim loại nặng từ trạm xử lý nước thải công nghiệp….

Việc quản lý chất thải nguy hại (CTNH) ở Việt Nam, trong đó có chất thải công nghiệp nguy hại được quy định cụ thể như sau: Trách nhiệm quản lý chất thải thuộc về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý CTNH và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm quản lý CTNH trong phạm vi chức năng luật định; Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý CTNH là những chủ thể có những hoạt động liên quan trực tiếp đến CTNH như: chủ nguồn thải, chủ thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu huỷ; Giảm thiểu chất thải tại nguồn là các biện pháp được ưu tiên số một trong hoạt động quản lý CTNH theo định hướng chiến lược chung của Quốc gia.

Việc nghiên cứu khối lượng chất thải, thành phần CTNH phát sinh sẽ góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời có những chính sách phù hợp nhằm giảm thiểu các tác động không mong muốn tới môi trường và tận thu các giá trị từ chất thải, giảm sự khai thác tài nguyên thiên nhiên thông qua các công nghệ tái chế CTNH công nghiệp trong tương lai.

Khối lượng phát sinh chất thải rắn từ hoạt động công nghiệp

Chất thải rắn công nghiệp bao gồm lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh từ các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và các cơ sở sản xuất nằm ngoài KCN. Số lượng các cơ sở độc lập nằm rải rác, có số lượng khá lớn. Tuy nhiên, lượng CTR này chưa được thống kê đầy đủ, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nằm xen lẫn trong khu dân cư.

Chất thải rắn phát sinh từ các KCN bao gồm CTR sinh hoạt và CTR công nghiệp, lượng CTR phát sinh từ các KCN phụ thuộc vào diện tích cho thuê, diện tích sử dụng; tính chất và loại hình công nghiệp của KCN. Tính chất và mức độ phát thải trên đơn vị diện tích KCN hiện tại chưa ổn định do tỷ lệ lấp đầy còn thấp, quy mô và tính chất của các loại hình doanh nghiệp vẫn đang có biến động lớn.

Ngành công nghiệp phát triển dẫn tới lượng CTR công nghiệp ở nước ta những năm gần đây phát sinh rất lớn, đặc biệt là ở những vùng có ngành công nghiệp phát triển như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2016 có khối lượng CTR công nghiệp ước phát sinh khoảng 1.500 – 2.000 tấn/ngày từ hơn 2.000 nhà máy lớn và khoảng 10.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, nằm trong và ngoài các khu chiết xuất KCX – KCN và CCN; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng phát sinh lượng lớn CTR thông thường khoảng 1.000 tấn/ngày, chủ yếu là xỉ thép, tạp chất từ phế liệu thép nhập khẩu, xỉ than đá, bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải…

Các số liệu về chất thải rắn công nghiệp nguy hại phát sinh chủ yếu được xác nhận thông qua hoạt động thu gom chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh trên toàn quốc hiện từ báo cáo quản lý CTNH định kỳ của các sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố tổng hợp từ các chủ ngồn thải báo cáo hàng năm. Bảng 1 trình bày khối lượng chất thải công nghiệp nguy hại được thu gom và xử lý trong giai đoạn từ 2015 đến 2020.

Bảng 1. Khối lượng chất thải công nghiệp nguy hại được thu gom và xử lý trong giai đoạn từ 2015 đến 2020.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường và tổng hợp số liệu của INE, 2020.
Năm 2015 2016 2017 2019 2020
Khối lượng chất thải công nghiệp nguy hại được thu gom và xử lý ( tấn/năm) 400.000 650.000 750.000 1.500.000 2.000.000

Hiện nay, đa phần các chủ nguồn thải có phát sinh lượng CTNH lớn hàng năm đều đã đăng ký và được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH. Lượng CTNH phát sinh từ các chủ nguồn thải này đều đã được thu gom và đưa đến các cơ sở đã cấp phép để xử lý. Một phần lượng CTNH phát sinh từ các nguồn thải khác được xử lý bởi chính các chủ nguồn thải (bằng các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở), bởi các cơ sở xử lý do địa phương cấp phép hoặc được xuất khẩu ra nước ngoài để xử lý, tái chế. Một số CTNH đặc thù (ví dụ như chất thải có chứa PCB) do chưa có công nghệ xử lý phù hợp thì hiện đang được lưu giữ tại nơi phát sinh. Hiện nay, chỉ có Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam (trước đây là Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam) được cấp phép xử lý chất thải có chứa PCB.

Nhìn chung lượng CTNH phát sinh tại hầu hết các chủ nguồn thải lớn đều đã được quản lý đúng theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, lượng CTNH phát sinh tại các chủ nguồn thải nhỏ hoặc tại các vùng sâu, vùng xa chỉ một phần được thu gom, xử lý; số còn lại được lưu giữ tại chỗ, một phần được các cơ sở xử lý, tái chế không phép (chủ yếu tại các làng nghề) thu gom, tái chế chưa đảm bảo yêu cầu về môi trường hoặc thậm chí bị đổ lẫn vào chất thải sinh hoạt và chôn lấp chung tại bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt.

Ở một số thành phố lớn như Hà Nội việc quản lý các hoạt động phát sinh và thu gom chất thải nguy hại (CTNH) nói chung và chất thải công nghiệp (CTCN) nguy hại nói riêng do sở tài nguyên và môi trường thành phố chịu trách nhiệm. Theo báo cáo năm 2020, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1 khu công nghệ cao, 9 khu công nghiệp, 1 khu công viên CNTT và 43 cụm công nghiệp đang hoạt động và các bên ngoài khu, cụm công nghiệp. Bảng 2 trình bày thống kê số liệu chất thải công nghiệp nguy hại trên địa bàn thành phố từ 2015-2018. Thông qua biểu 2 chúng ta thấy tỷ lệ chất thải công nghiệp nguy hại ở nước ta đã được thug om, xử lý đạt 99%.

Biểu 2. Tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh đã thống kê được theo báo cáo quản lý CTNH của các chủ nguồn thải

Nguồn: Sở TNMT – Đề án Thu gom và xử lý CTNH thành phố Hà Nội, 2020
Năm Lượng phát sinh (tấn/năm) Lượng thu gom xử lý (tấn/năm) Lượng tồn lưu tại cơ sở (tấn/năm) Tỷ lệ thu gom, xử lý (%)
2015 67.841,355 50.881,016 16.960,339 75
2016 65.342,586 65.301,071 41,514 99
2017 78.236,283 78.165,833 70,450 99
2018 52.021,700 51.960,994 60,706 99

Thực tiễn công tác quản lý chất thải công nghiệp nguy hại ở Việt Nam

Khung pháp lý trong quản lý chất thải nguy hại

Một số văn bản chính liên quan tới quản lý chất thải công nghiệp nguy hại của nước ta bao gồm:

Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định số 38/2015 / NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu đã chỉ rõ: Chủ nguồn thải CTNH phải đăng ký với sở tài nguyên và môi trường và phải chuyển giao chất thải cho người vận hành cơ sở xử lý được cấp phép. Người vận hành cơ sở xử lý CTNH (bao gồm cả cơ sở tái chế) phải nộp đơn xin cấp phép hành nghề cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thông tư số 36/2015 / TT-BTNMT, ngày 30/6/ 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quản lý chất thải nguy hại gồm 6 Chương, 36 Điều, 9 Phụ lục. Tài liệu này bao gồm danh mục chất thải nguy hại và các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý chất thải nguy hại, thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ;

Một số các quy chuẩn kỹ thuật khác: Theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTNH nêu trên, CTNH được quản lý chặt chẽ từ khâu phát sinh, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý, thiêu hủy cuối cùng, cụ thể như sau:

Chủ nguồn thải CTNH có trách nhiệm đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương nơi có cơ sở phát sinh CTNH bao gồm cả nội dung đăng ký việc tự tái sử dụng hoặc tái chế, xử lý trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải (nếu có) để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH; phải chuyển giao CTNH với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp và sử dụng chứng từ CTNH mỗi lần chuyển giao CTNH; phải cập nhật thông tin về chất thải bằng báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ.

Các cơ sở xử lý CTNH phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xử lý CTNH. Theo quy định hiện nay, hoạt động thu gom, vận chuyển CTNH không được cấp phép riêng mà được tích hợp vào trong Giấy phép xử lý CTNH.

Công nghệ xử lý chất thải công nghiệp nguy hại

Việc áp dụng công nghệ xử lý chất thải nguy hại ở Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt trong những năm gần đây tập trung vào xử lý chất thải công nghiệp nguy hại. Tuy nhiên, xét trên bình diện quốc tế còn có quy mô tương đối nhỏ lẻ; chưa có công nghệ để xử lý một số loại chất thải hoặc chưa tập trung đầu tư công nghệ xử lý, tái chế đối với chất thải ít có giá trị tái chế. Một số lượi hình công nghệ xử lý chất thải công nghiệp nguy hại được thể hiện trong bảng 3.

Bảng 3. Công nghệ xử lý chất thải công nghiệp nguy hại hiện đang áp dụng ở Việt Nam

Nguồn: Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường 2019
Công nghệ Năm 2015 Năm 2018
Số cơ sở áp dụng Số module Số cơ sở áp dụng Số module
Lò đốt tĩnh hai cấp 34 47 72 102
Lò đốt quay hai cấp 02 02 04 04
Đồng xử lý trong lò nung xi măng 2 2 04 04
Chôn lấp 6 6 6 6
Hóa rắn (bê tông hóa) 31 33 45 57
Xử lý, tái chế dầu thải 23 24 48 51
Xử lý bóng đèn thải 23 24 67 67
Tái chế ắc quy chì thải 18 22 62 66
Đồng xử lý thu hồi kẽm 03 03 03 03
Tái chế chất thải điện tử 20 22 20 22

Các vấn đề chính của quản lý chất thải nguy hại ở Việt Nam là thiếu các công nghệ phù hợp. Mặc dù công nghệ xử lý chất thải nguy hại đã có một số chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn ở quy mô khá nhỏ.

Chưa có công nghệ xử lý một số loại chất thải hoặc chưa tập trung đầu tư công nghệ xử lý, tái chế đối với chất thải ít có giá trị tái chế.

Về vốn, hầu hết các công trình xử lý chất thải nguy hại do tư nhân đầu tư xây dựng (chiếm 97%). Sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo cơ chế thị trường khiến hoạt động quản lý chất thải có tính cạnh tranh cao và ngày càng được đầu tư bài bản.

Định hướng công nghệ xử lý chất thải công nghiệp nguy hại trong những năm tới

Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ:

Đến năm 2025: 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Định hướng công nghệ xử lý chất thải công nghiệp nguy hại được đề xuất như trên hình dưới đây:

Quản lý chất thải công nghiệp nguy hại ở Việt Nam: Hiện trạng và định hướng công nghệ xử lý
Định hướng công nghệ xử lý chất thải công nghiệp nguy hại trong những năm tới

Các loại hình công nghệ đề xuất sẽ được thực hiện trong các khu công nghiệp tái chế chất thải và tạo cơ hội cho ngành công nghiệp tái chế chất thải được phát triển.

Song hành với phát triển công nghiệp tái chế, kiến nghị với Chính phủ có những chính sách mới nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn, chất thải nguy hại, tăng cường tái chế và tái sử dụng chất thải nguy hại đồng thời đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực xử lý, tái chế chất thải nguy hại nói riêng và chất thải rắn.

Trần Hoài Lê
Khoa kỹ thuật môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội 
Nguyễn Thế Hùng
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình CTN 
và môi trường thành phố Hà Nội
Nguyễn Thị Kim Thái
Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp
Hiệp hội Môi trường đô thị và KCN Việt Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nội (2017-2020) – Báo cáo hằng năm;

2) Bộ Kế hoạch và đầu tư (2019), Báo cáo hằng năm;

3) Bộ Tài nguyên và Môi trường (2019) – Báo cáo tình hình quản lý chất thải nguy hại năm 2018;

4) Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021) Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia – Giai đoạn 2016-2020;

5) Trần Hoài Lê, Nguyễn Thế Hùng (2016) – Báo cáo khảo sát và phân tích chất thải nguy hại từ bùn cặn xử lý nước thải ngành công nghiệp cơ khí tại Hà Nội;

6) Trần Hoài Lê, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Thị Kim Thái (2021) Quản lý chất thải công nghiệp nguy hại ở Việt Nam – Hội Nghị quốc tế về quản lý chất thải và kinh tế tuần hoàn (online);

7) Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ( 2019) Đề án Quản lý chất thải nguy hại cho thành phố Hà Nội đến 2025.