Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Thụy Điển cho thấy nhiều loại vi khuẩn đã tiến hóa để ‘ăn’ rác thải nhựa, nhưng cũng phơi bày mức độ ô nhiễm đáng báo động trên toàn cầu.
Nghiên cứu mới được đăng tải trên chuyên san khoa học Microbial Ecology gần đây cho thấy có nhiều loại vi trùng trong đại dương và đất ở nhiều nơi trên thế giới đã tiến hóa để “ăn” được nhựa.
Việc sản xuất nhựa bùng nổ trong 70 năm qua, từ 2 triệu tấn mỗi năm lên 380 triệu tấn mỗi năm đã tạo điều kiện cho các loài vi khuẩn tiến hóa để có thể “ăn” nhựa.
Theo tờ The Guardian ngày 14.12, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hơn 200 triệu mẫu gien trong nhiều mẫu lấy từ 236 địa điểm trên thế giới và tìm thấy 30.000 loại enzyme khác nhau có thể phân hủy 10 loại nhựa.
Khoảng 12.000 enzyme mới được tìm thấy trong các mẫu lấy từ đại dương ở 67 địa điểm và 3 tầng nước khác nhau. Kết quả phân tích cho thấy nhiều enzyme có khả năng phân hủy nhựa ở vùng biển sâu, trùng khớp với mức độ ô nhiễm rác thải nhựa cao ở những vùng nước sâu.
Mẫu đất được lấy từ 169 địa điểm tại 38 quốc gia và 11 môi trường sống, chứa 18.000 enzyme có thể phân hủy nhựa. Đất được cho là chứa nhiều loại nhựa với chất khó phân rã hơn ở đại dương và các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều enzyme có thể tấn công những hóa chất này trong đất.
Giáo sư Aleksej Zelezniak tại Đại học Công nghệ Chalmers (Thụy Điển), người tham gia nghiên cứu, cho biết bước tiếp theo sẽ là thử nghiệm các enzyme tiềm năng nhất trong phòng thí nghiệm để kiểm tra đặc tính và tỷ lệ phân hủy nhựa có thể đạt được. “Từ đó, bạn có thể tạo ra những nhóm vi khuẩn có chức năng phân hủy được nhắm đến cho các loại nhựa cụ thể”, ông Zelezniak nói.
Nhiều loại nhựa khó bị phân hủy và tái chế. Việc sử dụng enzyme để phá vỡ cấu trúc của nhựa nhanh chóng sẽ giúp tái chế nhựa cũ thành sản phẩm mới, giảm nhu cầu sản xuất nhựa mới. Nhiều loại enzyme mới được phát hiện trong nghiên cứu sẽ được kiểm tra và áp dụng vào sử dụng công nghiệp.
Theo các nhà nghiên cứu, có hàng triệu tấn rác thải nhựa bị vứt ra môi trường mỗi năm và cả hành tinh đang bị ô nhiễm, từ đỉnh Everest cho đến vực thẳm nhất dưới đại dương. Việc cắt giảm sử dụng nhựa là điều cốt yếu, cũng như việc thu thập rác và xử lý đúng cách.
Năm 2016 vi khuẩn ăn nhựa đầu tiên được phát hiện tại bãi rác ở Nhật Bản. Các nhà khoa học sau đó chỉnh sửa và tạo ra một loại enzyme giúp phân hủy nhựa tốt hơn và tăng tốc độ phân hủy lên 6 lần.
Công ty Carbios (Pháp) hồi năm 2020 cũng tạo ra enzyme đột biến giúp phân hủy chai nhựa để tái chế trong vài giờ. Các nhà khoa học Đức cũng phát hiện một vi khuẩn ăn nhựa polyurethane (nhựa PU) độc hại, thường xuất hiện ở bãi rác.
Theo Thanhnien.vn
Ảnh: Rác thải tại bãi biển ở Hawaii Reuters
Xem bài viết gốc tại đây:
https://thanhnien.vn/vi-khuan-tien-hoa-an-rac-thai-nhua-post1412219.html