Một số kinh nghiệm viết đề tài cơ chế, chính sách lĩnh vực môi trường

Muốn viết được bài hay về lĩnh vực cơ chế chính sách lĩnh vực môi trường, phóng viên cần phải am hiểu hoạt động, nhất là cơ chế chính sách của ngành.

Ngày 11/12/2021, tại Khánh Hoà, Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh hoà tổ chức Diễn đàn “Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ V – năm 2021 với chủ đề “Vì một Việt Nam xanh”. Tại cuộc diễn đàn này nhà báo Hà Hồng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, phụ trách Chuyên trang Quản lý Môi trường có bài tham luận: Một số kinh nghiệm viết đề tài cơ chế, chính sách lĩnh vực môi trường. Dưới đây Chuyên trang Quản lý môi trường trân trọng giới thiệu bài tham luận nói trên.

Một số kinh nghiệm viết đề tài cơ chế, chính sách lĩnh vực môi trường - Ảnh 1
Nhà báo Hà Hồng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, phụ trách Chuyên trang Quản lý Môi trường

Tôi có 15 năm tham gia chấm chung khảo giải Giải báo chí của Bộ Khoa học và Công nghệ và một vài năm chấm sơ khảo Giải báo chí của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hội đồng chung khảo và sơ khảo thường rất chú ý, và đánh giá cao các bài viết về cơ chế chính sách vì đây là đề tài khó, chúng tôi thường nói vui với nhau đây là lĩnh vực: khó, khô, khổ. Muốn viết được bài hay về lĩnh vực cơ chế chính sách, phóng viên cần phải am hiểu hoạt động, nhất là cơ chế chính sách của ngành, có thể trao đổi ý kiến “ngang ngửa” với các chuyên gia quản lý. Mất nhiều công sức sáng tạo tác phẩm báo chí. Những bài viết lĩnh vực này thường được cộng điểm so với các đề tài khác. Anh Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chấm Chung khảo giải báo chí của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng thống nhất quan điểm này với chúng tôi.

Làm thế nào để có một đề tài tốt viết về cơ chế chính sách lĩnh vực môi trường? Theo kinh nghiệm hằng chục năm viết về môi trường tôi thấy rằng người viết cần thực hiện bốn bước sau: Thứ nhất, thu thập thông tin. Thứ hai, nắm vững cơ chế chính sách, pháp luật, nghị định, chỉ thị, thông tư liên quan. Thứ ba, xây dựng đội ngũ cộng tác viên. Thứ tư, xây dựng kho tư liệu của riêng mình. Dưới đây xin được phân tích từng bước.

Một số kinh nghiệm viết đề tài cơ chế, chính sách lĩnh vực môi trường - Ảnh 2
Diễn đàn “Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ V – năm 2021

Thứ nhất, thu thập thông tin. Chúng tôi thường nói vui với nhau, mỗi sợi tóc của người phóng viên là một sợ ăng – ten, nó luôn chĩa theo nhiều hướng khác nhau để bắt thông tin. Từ bạn bè, đồng nghiệp, các nhà khoa học, nhất là qua các hội thảo khoa học. Dự một cuộc hội thảo khoa học về lĩnh vực bảo vệ môi trường nếu chỉ cần đưa thông tin giới thiệu về hội thảo thì ta chỉ cần thông cáo báo chí, rồi biên tập đưa ngay lên mạng, thế là xong, về lĩnh nhuận bút, nghề làm báo thật đơn giản (!). Muốn viết bài chuyên sâu, bài cơ chế chính sách phóng viên không thể hành nghề đơn giản như vậy, cần phải dự cả buổi. Có như vậy mới học được nhiều kiến thức và lẩy ra nhiều đề tài cho bài viết, nhất là sau khi theo dõi ý kiến phát biểu của báo cáo viên. Tôi theo dõi khoa học, công nghệ và môi trường (KH, CN và MT) nhiều năm nhưng mỗi lần dự một cuộc hội thảo lại cảm thấy như học được nhiều kiến thức mới, “ngộ” ra được nhiều điều. Đi thực địa, dự cả buổi hội thảo khoa học là một trong bí quyết để nhà báo nâng cao nhận thức và “đẻ” ra được nhiều đề tài hay cho tác phẩm báo chí sau này. Tôi thường chú ý kiến nghị của các chuyên gia nêu tại hội thảo, từ đó hình thành chủ đề, đề tài cho các bài viết nhất là lĩnh vực cơ chế chính sách.

Thứ hai, nắm vững cơ chế chính sách, pháp luật, nghị định, chỉ thị, thông tư liên quan môi trường. Để viết bài về cơ chế chính sách phóng viên cần phải nắm chắc, hiểu rõ các văn bản pháp luật về môi trường nhất là các văn bản mới được ban hành liên quan chủ đề bài viết. Khi nắm chắc văn bản pháp luật ta sẽ xác định được “tông” của bài viết sao cho bám sát chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của bộ, ngành, tỉnh, thành phố kể cả các bài phản biện. Nắm chắc văn bản ta cũng học được cách hành văn với câu chữ ngắn gọn, rõ ý, không thể hiểu sang nghĩa khác. Đọc kỹ ta sẽ thấy các văn bản nói trên kết tinh trí tuệ của rất nhiều người, trong đó có các nhà khoa học, cán bộ quản lý, do đó nhà báo cần nghiên cứu kỹ để vận dụng, trích dẫn. Mặc dù vậy không phải văn bản nào về cơ chế chính sách khi ban hành cũng đúng, cũng trúng, được dư luận xã hội đồng tình, và đi vào được cuộc sống. Khi có kiến thức nhất định cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia quản lý, nhà khoa học, luật sư… nhà báo có thể phát hiện những điều chưa hợp lý trong văn bản đang gây bức xúc trong xã hội. Từ đó có thể viết bài phản biện về một văn bản mới ban hành.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cộng tác viên. Viết về lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường (KH, CN và MT) mỗi nhà báo phải xây dựng đội ngũ cộng tác viên của riêng mình. Đây là một tài sản quý của mỗi phóng viên bởi vì chúng ta không thể biết, không thể giỏi tất cả các lĩnh vực. Mỗi phóng viên cần có sổ ghi địa chỉ, Email, điện thoại của cộng tác viên, để khi cần có thể hỏi, phỏng vấn.

Để có nguồn thông tin chính thống, kênh thứ nhất của phóng viên là kết thân với các chuyên gia của Bộ, nhất là lĩnh vực pháp chế bởi đó là nơi có nhiều nguồn thông tin chính thống về cơ chế chính sách. Trao đổi thông tin với các chuyên gia pháp chế phóng viên sẽ sáng tỏ nhiều vấn đề. Kênh thứ hai của phóng viên là giữ môi quan hệ thường xuyên với các chuyên gia độc lập nhất là đối với hội viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học, các văn phòng luật sư. Thông qua mối quan hệ này phóng viên sẽ tiếp cận nhanh và thu được các thông tin phản biện về cơ chế chính sách rất chất lượng.

Người Pháp nói nghề nhà báo là nghề làm thầy thiên hạ. Muốn làm được việc đó chúng ta phải đứng được trên vai của người khổng lồ về tri thức và trí tuệ, có như vậy mới nhìn xa trông rộng được. Người khổng lồ có bờ vai rộng để các nhà báo viết về lĩnh vực KH, CN và MT đứng được trên đó chính là các nhà khoa học, cán bộ quản lý nhiều kinh nghiệm, kiến thức. Trong bài viết về KH, CN và MT nói chung, cơ chế chính sách nói riêng khi trích dẫn ý kiến nhà khoa học, cán bộ quản lý với liều lượng hợp lý đúng chỗ sẽ nâng tầm bài viết, có sức thuyết phục với bạn đọc. Tránh trường hợp nhà báo tự đáng giá, tự “buông” những lời kết luận liên quan học thuật mà mình không phải người chính danh. Chúng ta chỉ là nhà báo viết về lĩnh vực KH, CN và MT chứ chúng ta không phải nhà khoa học. Khi viết xong những vấn đề phức tạp liên quan cơ chế chính sách tôi đều nhờ một vài nhà khoa học, cán bộ quản lý xem lại, phản biện hộ trước khi đăng báo. Nhờ động tác này mà tôi tránh được nhiều sai sót, kịp thời sửa chữa bản thảo trước khi trình cấp trên duyệt bài.

Thứ tư, xây dựng kho tư liệu cho riêng mình. Thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 chúng ta thường nói “cái gì không biết thì tra Google”. Do đó không cần làm kho tư liệu riêng cho mình như các nhà báo thế hệ trước. Điều đó chỉ đúng một phần, đúng là kho tư liệu của Google ngày càng rộng thêm, lưu trữ được ngày càng nhiều thông tin, kiến thức của nhân loại. Tuy vậy nhiều thông tin ở “tầng sâu” chưa thể tìm thấy trong Google. Điều đó cho thấy việc xây dựng kho tư liệu riêng cho mình hết sức cần thiết. Đầu tháng năm vừa rồi tôi chủ trì một cuộc toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam” do Tạp chí Môi trường và Đô thị phối hợp Công ty Informa Market tổ chức. “Sản phẩm” của tọa đàm không chỉ là bài tổng thuật đăng trên trang điện tử, hàng chục tờ báo điện tử, đài truyền hình đăng bài viết về cuộc toạ đàm này mà còn là tập tài liệu với báo cáo hết sức có chất lượng về quản lý rác thải nhựa. Những tài liệu này có tìm trên Google cả ngày cũng không ra. “Sản phẩm” thu được tại tọa đàm còn là cơ hội thiết lập mối quan hệ mới với diễn giả. Tôi tin rằng người phóng viên thực hiện tốt bốn bước nói trên sẽ luôn có một “ngân hàng” đề tài viết về lĩnh vực môi trường, nhất là lĩnh vực cơ chế chính sách.

Một số kinh nghiệm viết đề tài cơ chế, chính sách lĩnh vực môi trường - Ảnh 3
Các đại biểu tham dự diễn đàn

Trong bản Kế hoạch Tổ chức diễn đàn “Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường lần thứ V – năm 2021 có nêu: “Thực tế các phóng viên nhà báo đã luôn phát huy thế mạnh nhanh nhạy, kịp thời, trung thực khi phản ánh các đề tài về tài nguyên và môi trường và biển đảo, góp phần giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước kịp thời điều chỉnh chính sách, cũng như các doanh nghiệp tường minh nhiều vấn đề về môi trường và “phát triển bền vững”. Tuy nhiên cũng còn một số phóng viên, nhà báo chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nên có lúc đưa thông tin đôi khi thiếu chuẩn xác gây hiểu lầm, bức xúc trong dự luận…”. Tôi cho rằng nhận xét nói trên đúng một nửa. Một nửa đúng là vì nhiều phóng viên chưa hiểu đúng bản chất của vấn đề, viết áp đặt theo tư duy chủ quan do vậy tạo ra những tác phẩm báo chí không chuẩn xác gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một nửa chưa đúng là do thiếu thông tin chính thống, chỉ thu thập thông tin một chiều ngoài hiện trường một cách chắp vá. Vì sao thiếu thông tin chính thống bởi khi có sự kiện nóng hổi liên quan môi trường, địa chỉ đầu tiên phóng viên tìm đến đó là gọi điện thoại hỏi các đồng chí lãnh đạo cơ quan chức năng liên quan của bộ và sở tài nguyên và môi trường để xác minh, tuy vậy phần lớn người chủ đầu máy bên kia đều bận họp không trả lời, hoặc nói chưa biết chính xác cần thời gian để xác minh và nhiều lý do khác. Với áp lực của thời gian đăng bài buộc phóng viên phải tự lấy thông tin từ nhiều nguồn không chính thống dẫn đến có nhiều chi tiết, số liệu trong bài báo không chính xác gây bức xúc trong xã hội.

Từ thực tế nêu trên chúng tôi thống nhất với giải pháp trong Kế hoạch tổ chức diễn đàn nêu ra đó là: “Việc tạo ra một diễn đàn thường niên để các nhà quản lý – nhà báo – doanh nghiệp cùng chia sẻ thông tin, ý kiến và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và biển đảo thúc đẩy sự hợp tác nghề nghiệp, chuyên môn giữa nhà quản lý, nhà báo với doanh nghiệp doanh nhân là nhu cầu tất yếu”. Rất mong sự hoạt động có hiệu quả của diễn đàn này trong thời gian tới sẽ nâng cao chất lượng các bài báo viết về lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung và cơ chế chính sách nói riêng.

Chuyên trang Quản lý môi trường

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)