(Phapluatmoitruong.vn) – Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều dự án bị treo do nghẽn khâu tính tiền sử dụng đất khiến nhiều DN rơi vào cảnh điêu đứng, “tiến thoái lưỡng nan”.
Lúng túng trong việc xử lý hồ sơ tính tiền sử dụng đất
Một trong số các DN bị ảnh hưởng bởi những bất cập trên có thể kể đến như: Công ty CP BĐS Vy Như, Công ty TNHH Kinh doanh BĐS Ngân Hà, Công ty CP TM DV BĐS Nghỉ dưỡng Ý Ngọc Bình Thuận…
Nhiều chuyên gia cho biết, phần lớn các dự án BĐS triển khai ì ạch, hoặc đã bán hết nhà từ lâu nhưng vẫn không thể xin cấp được sổ đỏ cho người mua nhà… thường bị vướng ở cơ chế tính toán và đóng tiền sử dụng đất, đặc biệt ở khâu thực thi luật. Điển hình câu chuyện này là Công ty CP BĐS Đại Thành Công Bình Thuận (Công ty Đại Thành Công Bình Thuận).
Theo DN này, hiện cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã áp dụng sai quy định đối với trường hợp đầu tư tại dự án Khu dân cư An Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai) do Công ty Đại Thành Công Bình Thuận làm chủ đầu tư. Từ đó, dẫn đến lúng túng trong việc xử lý hồ sơ tính tiền sử dụng đất và hồ sơ pháp lý cho các giai đoạn tiếp theo của dự án.
Cụ thể, Công ty Đại Thành Công Bình Thuận hiện có khu đất với diện tích hơn 11.335 m2, trước đây do ông Trần Bá Tú sử dụng trên cơ sở nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Duy Toàn và vợ là bà Phạm Khánh Tâm theo giấy chứng nhận QSDĐ số BM718206 do UBND huyện Long Thành cấp ngày 2/4/2013.
Ngày 12/7/2018, ông Trần Bá Tú chuyển nhượng toàn bộ phần diện tích đất này cho bà Nguyễn Thị Phương Tâm, đã đăng bộ tại trang 4, giấy chứng nhận QSDĐ số BM718206, theo đúng quy định pháp luật. Bà Tâm là cổ đông sáng lập Công ty Đại Thành Công Bình Thuận.
Ngày 13/7/2018, Công ty Đại Thành Công Bình Thuận đồng ý cho bà Tâm sử dụng phần đất này để góp vốn bằng giá trị QSDĐ vào công ty để thực hiện dự án và bổ sung QSDĐ của khu đất này vào vốn điều lệ của công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp. Theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, khu đất trên nằm trong khu vực được quy hoạch phù hợp với mục đích sử dụng đất Công ty đã đăng ký xin chuyển đổi, từ đó công ty quản lý và sử dụng ổn định cho đến nay.
Ngày 16/7/2018, Công ty Đại Thành Công Bình Thuận có văn bản và gửi hồ sơ đến Sở TNMT Đồng Nai về việc đề nghị đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo Điều 73 Luật đất đai năm 2013. Tuy nhiên, cơ quan này từ chối tiếp nhận hồ sơ, đồng thời, hướng dẫn DN thực hiện theo trình tự thu hồi, giải phóng mặt bằng và giao đất theo quy định tại khoản 3, Điều 62, Luật đất đai 2013.
Tuy nhiên, ngày 4/9/2018, UBND tỉnh Đồng Nai lại ban hành quyết định số 3130/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương cho Công ty Đại Thành Công Bình Thuận đầu tư dự án tại xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai với diện tích đã đăng ký là 11.335 m2. Đến ngày 8/10/2018, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã cấp giấy phép quy hoạch số 30/GPQH cho dự án của Công ty Đại Thành Công Bình Thuận.
Trong khi UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, Sở Xây dựng đã cấp phép quy hoạch thì Sở Tài nguyên và Môi trường lại không đồng ý cho doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất theo điều 73 của Luật đất đai năm 2013, từ đó dẫn đến việc khiếu nại kéo dài, dự án bị treo không thời hạn.
Cần xem xét tháo gỡ khó khăn cho DN
Theo đại diện của Công ty Đại Thành Công Bình Thuận, với sự hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật (bắt buộc) trên, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp được đóng tiền sử dụng đất theo Điều 73 (góp vốn bằng QSDĐ và chuyển mục đích sử dụng đất tại thời điểm có quyết định chủ trương đầu tư năm 2018) thì Sở TNMT bắt buộc DN thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 62, Luật đất đai 2013 dẫn đến việc DN bị tính tiền sử dụng đất theo bảng giá đất của năm 2020 với mức chênh lệch rất lớn, gây thiệt hại nặng nề cho DN. Điều này thật sự không hợp lý vì chủ trương và giấy phép đã được cấp từ năm 2018, bản thân DN cũng nộp hồ sơ từ năm 2018.
“Chúng tôi đã nhiều lần có đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai để xem xét, tháo gỡ những vướng mắt nhưng đến nay vẫn chưa nhận được giải quyết thỏa đáng, khiến nhiều dự án của Công ty rơi vào cảnh điêu đứng, “tiến thoái lưỡng nan”. Mong cơ quan chức năng tỉnh xem xét, tạo điều giúp DN vượt qua khó khăn, nhất là trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19”, đại diện DN này cho biết thêm.
Bình luận về vụ việc trên, LS Phan Văn Việt (Đoàn Luật sư Tp.HCM) chia sẻ, hiện có những xung đột, mâu thuẩn, chồng chéo giữa pháp luật đất đai với các văn bản pháp luật khác, vì vậy, dẫn đến nhiều bất cập, lúng túng trong quá trình áp dụng. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắt trên, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi và áp dụng cho phù hợp thực tiễn, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo điều kiện, khuyến khích các DN phát triển.
Văn bản đề nghị xem xét, giải quyết vụ việc của Văn phòng Chính phủ và Tổng Cục Quản lý Đất đai.
Liên quan đến vụ việc của Công ty Đại Thành Công Bình Thuận, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, xử lý trả lời cho DN. Đồng thời, Tổng Cục Quản lý Đất đai – Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đã có văn bản hướng dẫn, đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai xem xét, quyết định cho phép Công ty Đại Thành Công Bình Thuận chuyển mục đích sử dụng đất để DN này triển khai thực hiện dự án.
Theo chúng tôi được biết, cho đến thời điểm này không chỉ DN Đại Thành Công mà nhiều DN khác trên địa bàn Đồng Nai vẫn đang bị vướng về thủ tục nộp tiền sử dụng đất, không triển khai được dự án, khó khăn chồng khó khăn chưa biết đến bao giờ.
Đỗ Thuận
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Dự án Khu dân cư An Phước đang bị treo không thời hạn do vướng tiền sử dụng đất.