Sống nơm nớp với nỗi lo sạt lở bờ sông

Thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị, hiện toàn tỉnh có trên 100km bờ sông bị sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của 2.360 hộ dân, trong đó có gần 600 hộ trong vùng nguy hiểm, cần sớm được di dời tái định cư (TĐC), hoặc xây kè bảo vệ đảm bảo an toàn cho các khu dân cư.

Sông Nhùng chảy qua nhiều xã của huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Do tác động của lũ lụt, cùng với nạn khai thác cát, sỏi trái phép đã dẫn đến hậu quả, đoạn sông Nhùng chảy qua địa phận các xã Hải Phú, Hải Quy bị uốn dòng, ăn sâu vào nhiều đoạn đường bê tông liên xã và nhà dân.

“Lo nhất là ban đêm, người dân từ quốc lộ 1 rẽ về Hải Phú, Hải Quy và các xã khác vùng Đông của Hải Lăng, do nông thôn không có điều kiện xây lắp đèn đường nên chỉ cần một chút sơ suất là có thể cả người lẫn xe lao thẳng xuống sông”, anh Lê Vĩnh Huệ (43 tuổi, trú xã Hải Quy) chỉ tay vào một điểm sạt lở, từ đường bê tông nhìn xuống bờ sông dựng đứng, sâu hoắm.

Chúng tôi đi tiếp về phía hạ lưu cầu Hải Quy, bờ sông Nhùng sạt lở đã khiến những bụi cây tre trồng lâu năm ven sông bị đổ; điểm sạt lở còn khoét sâu vào móng, nền những ngôi nhà xây kiên cố ven sông. Những người có nhà trên đoạn sông sạt lở đều bày tỏ bất an. Bởi mỗi khi có mưa to, nước lũ từ thượng nguồn tràn về là họ phải dắt díu nhau sơ tán để đảm bảo an toàn.

Tương tự, bờ sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Đại Thượng Hạ cũng bị sạt lở dài hơn 1 km, ăn sâu vào đường giao thông, đất sản xuất nông nghiệp và khu dân cư. Ông Võ Sính, Chủ tịch UBND xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, cho hay, khu vực này bị ảnh hưởng trên 30 hộ dân. Ngoài ra, các thôn An Mô, Bích La Thượng cũng có hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông.

Ông Sính nói rằng, trước đây dự kiến một số hộ có nhà ven bờ sông Thạch Hãn bị sạt lở, chủ yếu thôn An Định, sẽ được bố trí đến khu TĐC, thuộc dự án xây dựng cơ sở hạ tầng di dân ra khỏi vùng ngập lụt 3 xã Triệu Thượng, Triệu Long và Triệu Giang. Tuy nhiên, dự án này vẫn đang trong tình trạng dang dở, các hộ dân nằm trong danh sách hưởng lợi vẫn chưa thể đến đó để TĐC sinh sống lâu dài.

Bờ bên kia sông Thạch Hãn, đối diện với thôn Đại Thượng Hạ là thôn Trà Liên Tây thuộc xã Triệu Giang, Triệu Phong, tình trạng sạt lở còn nghiêm trọng hơn nhiều lần. Trước đây ở khu vực này là hàng trăm bụi tre nhưng sau nhiều trận lũ lụt lớn, cộng với nạn khai thác cát, sỏi trái phép đã làm thay đổi dòng chảy, sạt lở ngày một ăn sâu, khiến những bụi tre đó đã bị xô ngã, cuốn trôi. Cũng như người dân An Định, hơn 10 năm nay, các hộ dân ở Trà Liên Tây cũng đang chờ đến ở khu TĐC mới để đảm bảo an toàn.

Báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị, hiện toàn tỉnh có trên 100km bờ sông bị sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của 2.360 hộ dân, trong đó có gần 600 hộ trong vùng nguy hiểm, cần sớm được di dời TĐC, hoặc xây kè bảo vệ đảm bảo sự an toàn.

Từ ngày 12/5/2021, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kè chống xói lở khẩn cấp các đoạn sông, giai đoạn 2022-2025 với tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng, thực hiện trên tổng chiều dài 7km bờ sông, nhưng chưa có những tuyến bờ sông bị sạt lở ở huyện Hải Lăng và Triệu Phong.

Điều đáng nói, theo ghi nhận của chúng tôi, khi ở bờ Nam sông Thạch Hãn đoạn qua địa bàn xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, một công trình bờ kè hoành tráng vừa được thi công hoàn thành, thì ở ngay giữa lòng sông và bờ sông phía bên kia thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong vẫn có nhiều tàu sắt hút cát, sỏi hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Thanh Bình – Báo CAND

Theo Công An Nhân Dân

Ảnh: Sạt lở bờ sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Trà Liên Tây.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://cand.com.vn/doi-song/song-nom-nop-voi-noi-lo-sat-lo-bo-song-i637718/