Nút thắt phân loại rác tại nguồn nhiều năm chưa được tháo gỡ tại Thủ đô

Theo báo cáo năm 2019 của Ban Đô thị UBND thành phố Hà Nội, hai bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn sẽ bị quá tải nếu Hà Nội không có giải pháp công nghệ thay thế.

Theo báo cáo năm 2020 của Sở Xây dựng Hà Nội, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố ước khoảng 7.000 tấn/ngày, đêm và theo báo cáo năm 2019 của Ban Đô thị UBND thành phố Hà Nội, hai bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn sẽ bị quá tải nếu Hà Nội không có giải pháp công nghệ thay thế. Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là quản lý hợp lý lượng chất thải rắn phát sinh. Hiện nay giải pháp được cho là có mục đích kép vừa giảm lượng rác thải chôn lấp, vừa tạo ra nguyên liệu tái chế cho nền kinh tế tuần hoàn.

Tác động tích cực của phân loại rác tại nguồn

Phân loại rác tại nguồn là quá trình tách riêng các loại rác thải theo đặc tính của chúng trước khi thải bỏ vào các thùng chứa rác khác nhau, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả cho các quá trình xử lý tiếp theo.

Tại nguồn phát sinh, khi thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn, rác từ các hộ gia đình sẽ được phân loại và được chứa trong các thùng chứa rác đúng quy cách, đặc biệt đối với rác hữu cơ, hạn chế tối thiểu khả năng phát tán ô nhiễm (nước rò rỉ, mùi hôi, ruồi nhặng…). Trong quá trình vận chuyển, rác được phân loại và thu gom riêng, các công nhận vệ sinh trong quá trình thu gom không còn thời gian thu lượm rác tái chế nên thời gian của một tuyến thu gom sẽ nhanh hơn và hạn chế được các vấn đề về môi trường, mỹ quan đô thị.

Tại các nhà máy, cơ sở tái chế, rác tái chế không còn bị nhiễm bẩn bởi các thành phần hữu cơ phân hủy nên đã giảm thiểu một lượng nước đáng kể dùng để rửa nguyên liệu, mùi hôi giảm hẳn. Tại bãi chôn lấp, lượng chất thải giảm, công nghệ chôn lấp thay đổi, chất hữu cơ được chôn riêng nên thành phần nước rò rỉ thay đổi, ít bị ảnh hưởng bởi các chất độc hại.

Đối với xã hội, một trong những vấn đề nan giải, quyết định sự thành công của chương trình phân loại rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình là sự tham gia của người dân. Với thói quen đổ chung rác đã có từ lâu đời và nhận thức chưa đúng đắn về công tác bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại rác tại nguồn còn gặp nhiều khó khan.

Sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phân loại rác tại nguồn, trước tiên sẽ nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, khi đã phân loại tại nguồn, chất thải rắn tại các bãi chôn lấp, các điểm tập trung sẽ không còn các thành phần có thể nhặt lại để bán phế liệu nên sẽ giảm hoạt động của người dân nhặt rác với một số lượng lớn, nhờ đó giảm được các bệnh tật do rác thải gây ra đối với họ.

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng đang phải chi trả những khoản tiền rất lớn cho công tác quản lý chất thải rắn. Với việc phân loại rác tại nguồn, hệ thống quản lý chất thải được tách ra thành các thành phần rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, khi nhận thức của người dân được nâng cao, họ sẽ tự giác hơn trong công tác đóng góp phí thu gom và xử lý chất thải, giảm gánh nặng cho ngân sách của thành phố.

Khi xử lý việc phân loại rác tại nguồn tốt, việc tiết kiệm diện tích bãi chôn lấp sẽ rất hiệu quả nhờ giảm khối lượng chất thải chôn lấp, chôn lấp riêng chất thải thực phẩm dễ phân hủy.

Từ việc tái sử dụng rác thực phẩm làm phân compost và vật liệu che phủ: bằng cách chôn lấp riêng rác thực phẩm, sản phẩm tạo thành sau quá trình phân hủy kỵ khí (do ủ trong hố chôn lấp) có thể sử dụng làm chất cải tạo đất (mùn) hoặc làm vật liệu che phủ hằng ngày ở bãi chôn lấp không có sẵn đất.

Phân loại rác tại nguồn mang lại các lợi ích thiết thực đối với việc tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó đáng kể nhất là tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên dùng sản xuất nguyên liệu, tiết kiệm tài nguyên nước, tài nguyên năng lượng…

Vấn đề nan giải nhất của công tác vận hành và quản lý các bãi chôn lấp như Nam Sơn, Xuân Sơn là xử lý nước rò rỉ, nồng độ các chất ô nhiễm trong nước rò rỉ rất cao, gây ô nhiễm môi trường nặng nề, cả nguồn nước mặt, nước ngầm, đất và đặc biệt là môi trường không khí do mùi hôi thối sinh ra từ nước rò rỉ. Thực tế cho thấy khi chưa tìm ra phương pháp thích hợp để xử lý triệt để nước rò rỉ, làm giảm giá thành xử lý, thì rác vẫn cứ phải chôn lấp, nước rò rỉ vẫn cứ tiếp tục sinh ra và các khó khăn vẫn phài tìm công nghệ tích hợp để giải quyết. Vì vậy, nếu giảm lượng chất thải rắn sinh hoạt đổ lên các bãi chôn lấp, chi phí xử lý nước rò rỉ sẽ giảm đáng kể.

tm-img-alt

Phân loại rác tại nguồn – bài toán khó trong nhiều năm ở Việt Nam

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm từ 8 đến 12% trong chất thải rắn sinh hoạt.

Điều đáng chú ý là trong tổng số rác thải nhựa ra môi trường, ước tính chỉ có khoảng 6% được tái chế, khoảng 8% đã bị thiêu hủy. Phần còn lại tích lũy trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc môi trường tự nhiên. Việc thu gom, xử lý, tái chế khi nhựa đã bị trộn lẫn cùng những loại chất thải khác sẽ rất khó khăn và tốn kém.

Theo một nghiên cứu của World Bank vào năm 2018, Việt Nam là nước đứng thứ 4 trong khu vực về lượng rác thải nhựa đổ ra biển với 0,28-0,73 triệu tấn/năm.

Trên thực tế, một số địa phương đã thực hiện thí điểm hoặc thử nghiệm phân loại rác tại nguồn, song các phương án phân loại hiện nay không đồng nhất. Và điều đáng nói là dù có chia làm 2,3 hay 4 loại rác khác nhau, thì phương án thu gom và xử lý tại các địa phương vẫn chưa được đồng bộ hóa. Việc thu gom vận chuyển được thực hiện khác nhau giữa đô thị và nông thôn, giữa các địa phương và thậm chí giữa các vùng trong cùng một địa phương. Thực trạng phức tạp trong bức tranh quản lý chất thải tại Việt Nam khiến cho rác thải nhựa vẫn tiếp tục bị thải ra môi trường tự nhiên gây ô nhiễm, và trong số đó chỉ một tỉ lệ rất nhỏ nhựa có giá trị cao mới được xử lý và tái chế.

Thực tế trong ngành quản lý rác thải tại các quốc gia phát triển cho thấy, việc phân loại rác thải tại nguồn nếu được thực hiện tốt sẽ tăng hiệu quả cho việc bóc tách rác thải nhựa ra khỏi “núi rác” tổng hợp, giúp cho quy trình thu gom, xử lý, tái chế được tiến hành thuận lợi và triệt để hơn.

Khái niệm phân loại rác tại nguồn không hề mới mẻ. Hơn 10 năm trước, dự án phân loại rác thải tại nguồn, gọi tắt là 3R, được triển khai thí điểm tại một số phường trên địa bàn Hà Nội bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, dự án này bị tạm dừng. Nguyên nhân là chúng ta chưa có sự chuẩn bị chu đáo; quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ.

Nút thắt phân loại rác tại nguồn nhiều năm chưa được tháo gỡ tại Thủ đô - Ảnh 3

Doanh nghiệp Việt đồng hành – từng bước thay đổi

Không vì những hạn chế nói trên mà các chiến dịch tuyên truyền, các dự án hoạt động phân loại rác tại nguồn dừng lại. Nhận thấy việc phân loại rác tại nguồn tốt sẽ giúp giải quyết nút thắt, giúp rác thải nhựa dễ dàng được tái chế và tái sử dụng, từ đó hạn chế việc rác thải nhựa bị thải ra môi trường tự nhiên gây ô nhiễm, giúp môi trường sống xanh sạch đẹp, sau khi Đề án phân loại rác thải tại nguồn do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ tạm dừng từ năm 2009, nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức trên địa bàn Hà Nội đã nối tiếp ý tưởng, kêu gọi người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn nhằm hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường. Tiêu biểu như phong trào phân loại rác của người dân thuộc xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn); mô hình phân loại rác từ các căn hộ và tái chế bằng máy xử lý rác hữu cơ tại chỗ (thực hiện từ tháng 10-2019) tại tòa nhà Ecolife Tây Hồ (quận Tây Hồ)… Và mới đây, Unilever Việt Nam là doanh nghiệp tiên phong theo đuổi chương trình này.

Ngày 26/6, Unilever Việt Nam và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) đã ký kết phê chuẩn chương trình hành động và mục tiêu năm 2020. Chương trình nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác dài hạn giữa Unilever và URENCO “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với Thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội” giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, URENCO chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, tái chế các loại rác thải. Unilever là đơn vị đối tác chiến lược, hỗ trợ tài chính đồng hành cùng URENCO triển khai hoạt động thu gom và thực hiện công tác tuyên truyền, truyền thông giúp người dân hình thành và duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn.

URENCO đã hợp tác với Công ty Unilever triển khai hoạt động “Đổi rác thải tái chế lấy quà tặng”, thực hiện đồng loạt tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình. Theo đó, người dân có thể mang giấy, bìa, vỏ lon, chai nhựa, kim loại… đến các điểm thu gom rác để đổi lấy xà phòng, dầu gội, sữa tắm…

Bên cạnh đó, URENCO còn thực hiện giải pháp thu gom thông minh bằng hình thức mua bán, cho tặng hoặc tích điểm và đổi quà, tùy thuộc vào nhu cầu của người dân qua app di động mGreen. Ngoài hỗ trợ người dùng là những hộ gia đình, doanh nghiệp, app di động mGreen còn giúp kết nối và tạo động lực cho cả những người thu gom đồng nát…

Theo kế hoạch hành động năm 2020, Chương trình “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa” sẽ được Unilever và URENCO tiên phong triển khai tại quận Hoàn Kiếm. Đây là Chương trình đầu tiên tại Việt Nam đưa ra được những phương án cụ thể nhằm đồng bộ hóa tất cả các khâu từ phân loại rác tại nguồn, thu gom riêng biệt, và sau đó đưa đến nhà máy tái chế và xử lý để tạo ra các sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.

Sau một thời gian tạm dừng hoạt động do tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp. Sáng ngày 06/11/2021, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đã “khởi động” lại chương trình Đổi rác tái chế lấy quà tặng (Green day) trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Chương trình được tổ chức trên cơ sở tuân thủ quy tắc 5K, cũng như các quy định trong công tác phòng chống dịch, nhưng vẫn đảm bảo thích ứng được với trạng thái bình thường mới trong giai đoạn hiện nay. Các điểm Green day được tổ chức tại: Số 8 Phan Huy Chú; 27 Lý Thường Kiệt; Số 8 Lê Thái Tổ; Hè Cửa Đông – Phùng Hưng; Số 69 Vọng Hà.

Buổi thu đổi dưới sự chỉ đạo của UBND quận Hoàn Kiếm, cùng với sự phối hợp của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (Pro Việt Nam) và tập đoàn Unilever Việt Nam.

Để việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện thường xuyên, lâu dài và phát huy tác dụng thực sự, điều quan trọng khi thực hiện các chương trình nói trên vẫn nâng cao ý thức của người dân, để người dân ý thức được đó là trách nhiệm, quyền lợi của họ mà tự giác thực hiện. Tiếp đó, cần nhận thức việc phân loại rác tại nguồn chỉ là khâu đầu tiên, còn rất nhiều khâu tiếp theo cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và khoa học, như việc thu gom rác thải của công nhân vệ sinh môi trường, xử lý từng loại rác đã phân chia tại nguồn một cách phù hợp, hữu ích. Chỉ như vậy, việc phân rác tại nguồn mới thực sự phát huy tác dụng, góp phần giải bài toán về rác thải sinh hoạt đô thị.

Nút thắt phân loại rác tại nguồn nhiều năm chưa được tháo gỡ tại Thủ đô - Ảnh 4

Đi tìm lời giải

Hiên nay, thành phố Hà Nội chưa thực hiện thành công phân loại rác thải tại nguồn nên chưa áp duṇg và triển khai maṇh. Rác thải sinh hoạt không được phân loại tại nguồn tiếp tục gây khó khăn cho việc xử lý rác thải sinh hoạt không được phân loại sẽ làm tổn hao đáng kể nguồn tài nguyên quý giá của con người. Rác thải hữu cơ sinh hoạt sẽ rất khó được tận dụng tái chế thành phân hữu cơ nếu không được phân loại tại nguồn. Vì vậy, để công tác xử lý chất thải tại thành phố Hà Nội có hiệu quả nhiều chuyên gia kiến nghị nhất thiết phải Ban hành quy định của thành phố Hà Nội về thực hiện phân loại chất thải tại nguồn. Các đối tượng có liên quan bao gồm: hộ gia đình, cơ sở công nghiệp, các cơ sở du lịch dịch vụ, cơ sở y tế.

Thực hiện truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng. Tuyên truyền thực hiện, tổ chức lại và nhân rộng mô hình “Phân loại rác thải hộ gia đình; tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn dư luận trong việc khuyến khích, cổ vũ các hoạt động bảo vệ môi trường; tuyên truyền, giáo dục thông qua sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức quần chúng ở cơ sở, tạo phong trào thi đua, xây dựng nếp sống mới trong; đưa chương trình giáo dục môi trường vào các cấp học mầm non, phổ thông, đại học và các loại hình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của các tổ chức chính trị, xã hội, các hội nghề nghiệp; nâng cao nhận thức (trực tiếp, gián tiếp); tăng cường phối hợp giữa nhân dân và nhà cung cấp dịch vụ trong thu gom, vận chuyển; khuyến khích cộng đồng và các bên liên quan tham gia hoạt động tình nguyện; tăng cường công tác truyền thông cộng đồng, cải thiện điều kiện vệ sinh hộ gia đình, thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật Xanh, Sạch, Đổi rác lấy quà…

Xây dựng các chính sách nhằm hoàn thiện công tác thu gom và vận chuyển chất thải tại thành phố Hà Nội: Xây dựng chính sách huy động sự tham gia của tư nhân vào quy trình thu gom – cất giữ – rửa thùng – đặt thùng trên các tuyến phố nhằm giảm chi phí đầu tư và duy trì thực hiện thu gom rác theo giờ; chính sách thu hút các thành phần kinh tế tư nhân phối kết hợp đầu tư thu gom các thành phần rác thải có thể tái chế bằng cách phân loại ngay tại khâu thu gom; xây dựng chính sách nhằm xã hội hóa công tác thu gom và vận chuyển chất thải rắn…

Các giải pháp về khoa học và công nghệ: kết hợp việc thực hiện mô hình thu gom rác thải theo giờ với việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; Kết hợp phân loại thủ công tại nguồn và phân loại bằng các thiết bị cơ giới tại các nhà máy tái chế, xử lý rác thải; đưa vào vận hành nhà máy chế biến rác, điện rác thành phân compost và tái chế rác thải thành sản phẩm có thể tái sử dụng; quy hoạch khu chứa rác thải y tế, rác công nghiệp và có phương thức xử lý phù hợp; tận dụng chất thải xây dựng để phủ lấp rác thay thế việc đào đất làm ô nhiễm và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường; tận dụng nguồn khí Mê-tan phát sinh từ rác thải tạo năng lượng phục vụ vận hành bãi rác; áp dụng nhân rộng các công nghệ sản xuất sạch, thân thiện môi trường; phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; các công nghệ xử lý chất thải bằng các biện pháp hạn chế chôn lấp; nghiên cứu, đánh giá, xây dựng và nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình/công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt, y tế và công nghiệp tiên tiến; áp dụng các giải pháp khoa học, công nghệ nhằm giảm thiểu tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp; Ban hành quy định không khuyến khích lò đốt chất thải y tế, thậm chí cấm đầu tư mới, chuyển sang các biện pháp xử lý thân thiện với môi trường là khử khuẩn (hấp, vi sóng…).

Phân loại rác thải tại nguồn là việc làm mang tính tổng thể và toàn diện (từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, quản lý, ý thức người dân..), bao gồm nhiều hạng mục công việc có tính kết nối với nhau. Vì vậy đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các đơn vị có liên quan gồm bao gồm chính quyền địa phương và người dân trong xã.

Khi thực hiện phân loại rác tại nguồn sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu có thể tái chế, tái sử dụng, nguồn nguyên liệu để ủ phân vi sinh để làm phân bón cho cây trồng, cải tạo đất và góp phần tiết kiệm diện tích đất cho việc phân loại rác,…Vì vậy, việc phân loại rác tại nguồn là một cách để thể hiện trách nhiệm của cộng đồng đối với môi trường.

Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố Hà Nội là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để đi đến thành công thì cần phải thực hiện đồng bộ rất nhiều hạng mục công việc khác nhau. Vì vậy, đòi hỏi chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân phải hết sức nỗ lực cho thành công chung của Thành phố.

Lam Vy

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)