Sáng nay (27/11), chất lượng không khí ở miền Bắc tiếp tục xấu. Trong đó các điểm xấu tập trung ở Hà Nội nhiều nhất, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Sáng 27/11, trên các bản đồ quan trắc chỉ số chất lượng không khí (AQI), tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, chất lượng không khí ở miền Bắc tiếp tục xấu. Trong đó Hà Nội tập trung nhiều nhất các điểm xấu về ô nhiễm không khí.
Cụ thể, trên ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) ghi nhận, trong số 49 điểm có kết quả quan trắc trên cả nước, có 2 điểm ở Đông Tân (tỉnh Lạng Sơn) và Chi cục Bảo vệ môi trường (TP.Hà Nội) ở mức đỏ. Có 10 điểm màu cam ở Bắc Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Nghệ An và Hà Nội, ảnh hưởng không tốt cho nhóm người nhạy cảm. Còn lại 31 điểm có chất lượng không khí tốt, 6 điểm ở mức trung bình.
Cũng trên ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí) ghi nhận 17 điểm màu đỏ-những người bình thường bắt đầu bị ảnh hưởng tới sức khỏe; Nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, chủ yếu tập trung ở Hà Nội, chỉ có một vài điểm ở Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh.
Theo thang bảng đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) của ứng dụng AirVisual, trong số 94 thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới được quan trắc, Hà Nội đứng thứ 11 với chỉ số AQI ở mức 156 (màu đỏ), TP.HCM đứng thứ 42 với chỉ số AQI ở mức 63 (màu vàng – mức chấp nhận được).
Theo ghi nhận của ứng dụng PAM Air (Mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), ghi nhận 10 điểm màu đỏ, trong đó có 6 điểm tập trung ở Hà Nội, còn lại ở Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng mỗi tỉnh 1 điểm.
Đáng chú ý, tại Hà Nội, Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND Thành phố ghi nhận 5 điểm màu cam (nhóm người nhạy cảm bị ảnh hưởng) ở Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Ba Đình và Hoàn Kiếm.
Theo các chuyên gia, chất lượng không khí ở miền Bắc càng về trưa chiều càng tốt hơn do sương mù tan dần, nắng lên, gió thổi. Bởi vậy, ở những nơi, những thời điểm chất lượng không khí tốt, người dân nên tranh thủ mở cửa giúp không khí lưu thông tốt, giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ.
Theo một nghiên cứu quốc tế, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra khoảng 50.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam. Vì vậy, khi chất lượng không khí ở mức xấu và rất xấu, người dân cần thường xuyên quét nhà, hút bụi, chạy máy lọc không khí để loại bỏ các tạp chất cùng nhiều yếu tố độc hại ẩn nấp trong không khí. Đặc biệt lưu ý đối với người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch…
Theo các chuyên gia môi trường cảnh báo, lớp sương mù dày bao phủ khiến khói bụi lơ lửng, không phân tán được ra ngoài, cùng với mật độ dân cư, giao thông đông đúc nên ô nhiễm càng nặng và có khả năng kéo dài trong ngày. Người dân hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm; trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi, làm sạch không khí.
Bên cạnh đó, người dân cần tăng cường sức khỏe, hạn chế các hoạt động ngoài trời, gần đường giao thông, đóng cửa sổ và sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường. Trong điều kiện thời tiết xấu người dân cần vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý, hút bụi thường xuyên, thực hiện theo khuyến cáo 5K (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tập trung – khai báo y tế) của Bộ Y tế.
Trước đó, theo Sở TN&MT Hà Nội, nhằm hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố, Sở sẽ đầu tư thêm 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định trong giai đoạn 2021-2024.
Điển hình, thành phố vừa mới triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Ngoài ra, UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; Yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải… nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm.
Lan Anh (T/h) – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Hà Nội tiếp tục chìm trong bầu không khí ô nhiễm, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. (Ảnh: Shutterstock)
Xem bài viết gốc tại đây: