Tìm giải pháp giảm thiểu lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung

Năm 2020 miền Trung nước ta hứng chịu thiên tai bão, lũ liên tiếp xảy ra trên diện rộng, với thời gian kéo dài, cường độ rất mạnh, vượt mức lịch sử.

Thực tế từ các địa phương như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đòi hỏi sự nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất giải pháp giảm thiểu để từ đó hình thành và hoàn thiện kịch bản ứng phó mới cho các địa phương.

Những con số thiệt hại do thiên tai gây ám ảnh

Con số thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tăng dần theo từng năm. Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Quảng Nam cho thấy, do nhiều tác động khác nhau, tình hình mưa lũ, sạt lở núi ngày càng diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Năm 2017, mưa lớn làm xảy ra 12 vụ sạt lở đất (trong đó huyện Bắc Trà My 6 vụ, huyện Nam Trà My 2 vụ tại xã Trà Vân; huyện Phước Sơn 2 vụ) làm 29 người chết và nhiều tài sản bị vùi lấp, hư hỏng.

Năm 2020, sạt lở và lũ quét thực sự trở thành nỗi ám ảnh chưa từng có. Với 5 vụ sạt lở đất được ghi nhận tại các địa bàn Nam Trà My, Phước Sơn, Bắc Trà My, đã có đến 30 người chết, 17 người mất tích. Thiệt hại do mưa lũ ước tính hơn 11.000 tỷ đồng.

Hình ảnh từ trực thăng bay tiếp tế cho vùng cao xã Phước Lộc (Phước Sơn) sau bão số 9 cho thấy, dấu vết sạt lở như những vết cào nham nhở vào màu xanh của rừng nguyên sinh. Đến nay chính quyền địa phương vẫn phải duy trì công cuộc tìm kiếm người mất tích, công tác tái thiết đặt ra bài toán khó về nguồn lực đầu tư, phương án bố trí mặt bằng tái định cư, ổn định đời sống người dân vùng thiên tai.

Tại Quảng Ngãi, chỉ tính riêng bão số 9 (bão Molave) cuối năm 2020 đã gây thiệt hại ước tính hơn 4.850 tỷ đồng. Dù không xảy ra thiệt hại về người, song nhà ở người dân, hạ tầng, nông lâm nghiệp bị tác động nặng nề. Bão lũ cũng đặt ra cảnh báo “nóng” về hàng chục điểm có nguy cơ cao sạt lở tại địa bàn các huyện. Chính quyền địa phương thông tin, do mức độ thiệt hại quá lớn và trên diện rộng, số hộ gia đình bị tổn thương sau bão nhiều, thời gian phục hồi của tỉnh Quảng Ngãi sau thiên tai sẽ lâu, tốn nhiều kinh phí, trong bối cảnh ngân sách tỉnh rất khó khăn do hụt thu, mất cân đối gần 5.000 tỷ đồng, đồng thời phải tiếp tục ứng phó với những hiểm họa có thể xảy ra.

Trong năm 2020, miền Trung hứng chịu thiên tai các đợt thiên tai liên tiếp “bão chồng bão lũ chồng lũ” trên diện rộng, với thời gian kéo dài, cường độ rất mạnh, vượt mức lịch sử. Đặc biệt, nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng tại: Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 (tỉnh Thừa Thiên – Huế); Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (tỉnh Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam)… cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sĩ. Sạt lở đất và lũ quét gây thiệt hại ước tính trên 30 nghìn tỷ đồng. Qua đó, phần nào có thể hình dung bối cảnh thiên tai khốc liệt trên toàn quốc, mức độ dị thường, cực đoan của thiên tai ngày một cao.

Phần lớn các trận lũ quét đều xảy ra ở khu vực miền núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt, có những trận lũ quét xảy ra với sức tàn phá lớn gây tổn thất về tính mạng và tài sản của nhân dân, đặc biệt là những hộ dân sống ở các thung lũng sông. Mức độ cảnh báo rủi ro thiên tai được kích hoạt ở cấp cao nhất trong đợt bão lũ năm 2020, hiện trạng của nhiều bản làng sau bão lũ thực sự trở thành nỗi ám ảnh về thiên tai đến thời điểm hiện tại.

Tìm giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sạt lở, lũ quét

Tại Hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung – nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức hồi đầu năm 2021, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, lũ quét bất thường xảy ra ở miền Trung thời gian qua là tổ hợp của các nguyên nhân như mưa cường độ lớn, tập trung trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, các tỉnh thành miền Trung có địa hình độ dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất là bở rời, dễ sạt trượt. Ngoài ra, việc xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế, hạ tầng đã làm thay đổi dòng chảy cũng là nguyên nhân gây xói lở, sạt lở đất. Trong khi đó, công tác ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong phòng chống thiên tai còn hạn chế đặc biệt với lũ quét, sạt lở đất.

Để chủ động giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do bão, lũ quét sạt lở đất, các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra các giải pháp tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai quốc gia, xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch dân cư, khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, nhất là bão, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Đồng thời, quản lý và bảo vệ thật tốt rừng tự nhiên, tiếp tục trồng, tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn; kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ theo dõi, vệ tinh, công nghệ Al,IOT, WSN…

TS. Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cho rằng, công tác dự báo về lũ quét và sạt lở đất rất khó, kể cả trên thế giới bởi đây là một loại thiên tai xảy ra do tổ hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó, các yếu tố độ dốc, địa mạo, lượng mưa, địa chất công trình, thảm phủ thực vật rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng là các yếu tố chính. Hiện nay cách tiếp cận của thế giới và Việt Nam chủ yếu là cảnh báo các nguy cơ để hỗ trợ các cấp chính quyền và người dân phòng chống thiên tai.

Theo TS Tuấn, những năm qua công tác phòng chống thiên tai từ cấp TW đến địa phương đã có sự kịp thời. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tăng cường nâng cao nhận thức, đào tạo và hướng dẫn cho người dân, nhất là ở vùng cao những kiến thức cơ bản về thiên tai, lấy người dân làm trung tâm trong công tác phòng chống thiên tai. Thứ hai, cần nghiên cứu xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất và xác định các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại Quảng Nam cần thực hiện theo nhiều bước. Cụ thể, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở theo nhiều yếu tố như độ dốc, lượng mưa, địa chất thủy văn, địa chất công trình, thảm phủ và xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở cho toàn tỉnh.

“Trong thời gian tới, chúng ta cần phải xem xét lồng ghép xem thiên tai bất thường thành thiên tai bình thường để có những tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn đối với vùng miền núi. Vấn đề này phải được các cơ quan nhà nước thẩm định thì mới có thể thực hiện được. Chẳng hạn những tiêu chuẩn liên quan đến nhà ở của người dân ở vùng núi với những đánh giá về mức độ, an toàn, sạt lở trên cơ sở dữ liệu tin cậy dựa trên khảo sát địa hình, địa chất, khí tượng thủy văn”, TS Tuấn nêu giải pháp.

Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai chia sẻ: Trong năm vừa qua chúng ta đã chứng kiến những trận lũ quét, sạt lở đất rất khốc liệt tại miền Trung, ảnh hưởng nặng nề đến tính mạng và nhà cửa của đồng bào. Tuy nhiên phòng chống loại hình thiên tai này là một vấn đề nan giải đối với Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới. Khó khăn ở cả 3 giai đoạn: Cảnh báo, ứng phó và khắc phục.

Về giải pháp, ông Quang cho rằng tùy điều kiện cụ thể tại địa phương mà đưa ra giải pháp đồng bộ phù hợp, kể cả biện pháp công trình và phi công trình, ứng dụng khoa học công nghệ, đồng thời nâng cao sự chủ động ứng phó, nhận thức của người dân và cộng đồng trong công tác phòng chống lũ quét, sạt lở núi; phát triển lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở bảo đảm hiệu quả, phát hiện và ứng phó kịp thời các tình huống trước khi có lực lượng chi viện đến.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp phi công trình và công trình. Các biện pháp phi công trình bao gồm nâng cao năng lực dự báo như phát triển hệ thống đo mưa tự động, xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở. Xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở đất với tỷ lệ thích hợp (1/5000 với cấp huyện, 1/1000 -1/2000 với cấp xã) nhằm sắp xếp lại dân cư, di dời ngời dân trong vùng nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến định cư ở nơi an toàn; quy hoạch phát triển dân sinh kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng.

Tăng cường đảm an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn, đặc biệt đối với các hồ chứa nhỏ, hồ chứa đã xuống cấp; kiểm tra phương án bảo vệ dân cư vùng hạ lưu khi hồ chứa phải xả lũ khẩn cấp hoặc nguy cơ xảy ra sự cố vỡ đập. Kịp thời hỗ trợ thiệt hại và ổn định sản xuất cho người dân. Các biện pháp công trình bao gồm nhà chống lũ, kè, tường chắn, công trình thoát lũ, trồng rừng… Các giải pháp đưa ra khá đồng bộ, nhưng trong điều kiện nguồn lực hạn chế, thời tiết biến đổi bất thường, vẫn cần áp dụng những giải pháp cấp bách trước mắt, phù hợp với từng địa phương khu vực.

—–

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021

Song Uyên – Báo GD&TĐ

Theo Giáo dục & Thời đại

Ảnh: Thiên tai, lũ quét gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh, thành miền Trung

Xem bài viết gốc tại đây:

https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/tim-giai-phap-giam-thieu-lu-quet-sat-lo-dat-o-mien-trung-6d5zkat7g.html