Chuyện gì đang xảy ra với tạp chí Doanh nhân và Pháp lý?

Việc làm của Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường, Hội đồng Biên tập, ông Viện trưởng Bùi Hồng Cường với tạp chí Doanh nhân và Pháp lý không chỉ đi ngược lại cam kết mà còn trái với quy định của Luật Báo chí.

VietTimes nhận được Đơn của tập thể cán bộ, phóng viên tạp chí Doanh nhân và Pháp lý phản ánh về việc họ đang bị một số thế lực xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của họ trái Luật Báo chí, các quy định của pháp luật hiện hành và có nguy cơ hủy hoại tờ Tạp chí.

Can thiệp thô bạo và trái luật?

Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động ngày 8/01/2021 tại Giấy phép số 18/GP-BTTTT. Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý có Trụ sở tại Cung Trí thức thành phố Hà Nội, số 01 Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tổng Biên tập là ông Vũ Tuấn Anh.

Tiền thân của tạp chí Doanh nhân và Pháp lý là báo Thời báo Doanh nhân (xuất bản số đầu tiên ngày 25/3/2008). Trước đây Thời báo Doanh nhân trực thuộc Hiệp hội Công thương TP. Hà Nội. Thực hiện quy hoạch báo chí của Chính phủ Thời báo Doanh nhân được chuyển nguyên trạng về trực thuộc Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động báo chí với tên gọi mới Doanh nhân và Pháp lý.

Ngày 23/6/2020 Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường do ông Bùi Hồng Cường, Viện trưởng cùng với Thời báo Doanh nhân (mà sau này là Doanh nhân và Pháp lý) do ông Vũ Tuấn Anh, Quyền Tổng Biên tập ký Thỏa thuận hợp tác. Các bên thống nhất sau khi có quyết định sẽ chuyển đổi thành tạp chí Doanh nhân và Pháp lý.

Đồng thời Hợp tác giữa hai bên cũng ghi rõ: “Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường là cơ quan chủ quản của Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý. Đồng thời hai đơn vị có pháp nhân độc lập, có con dấu riêng, tài khoản riêng” và “… Tổng biên tập Tạp chí sẽ quyết định nhân sự và nội dung của Tạp chí sau khi đã thống nhất và trao đổi với cơ quan chủ quản”.

Quy định văn bản hợp tác là như vậy, nhưng để từng bước tham gia trực tiếp vào công tác nhân sự và điều hành hoạt động hàng ngày của tạp chí, ngày 20/01/2021, ông Cường đã ký Quyết định số 03/QĐ-VHTPLBVMT về việc thành lập Hội đồng Biên tập tạp chí Doanh nhân và Pháp lý mà không có bất cứ trao đổi thỏa thuận nào với Tổng Biên tập Vũ Tuấn Anh.

Chuyện gì đang xảy ra với tạp chí Doanh nhân và Pháp lý? ảnh 1

Ngày 20/01/2021, ông Cường đã ký Quyết định số 03/QĐ-VHTPLBVMT về việc thành lập Hội đồng biên tập tạp chí Doanh nhân và Pháp lý mà không có bất cứ trao đổi thỏa thuận nào với Tổng Biên tập Vũ Tuấn Anh.

Theo quyết định mà ông Cường ký thì được hiểu Hội đồng Biên tập này là “Lãnh đạo tập thể” trực tiếp phụ trách tác nghiệp báo chí và điều hành phóng viên của Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý (chứ không phải “Tổng biên tập tạp chí sẽ quyết định nhân sự và nội dung của tạp chí” như văn bản hợp tác đã ký ngày 23/6/2020 giữa Viện Hỗ trợ Pháp lý và Môi trường và tạp chí Doanh nhân và Pháp lý). Việc “Tập thể lãnh đạo” này trực tiếp điều hành hoạt động báo chí và điều hành phóng viên được thể hiện rõ tại Điều 4 của Quyết định số 03/QĐ-VHTPLBVMT: “Hội đồng Biên tập được sử dụng con dấu của tạp chí Doanh nhân và Pháp lý để thực hiện nhiệm vụ báo chí theo quy định của pháp luật” (chưa rõ theo quy định của pháp luật nào!?).

Không chỉ có Hội đồng Biên tập điều hành phóng viên tác nghiệp mà Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường cũng trực tiếp điều hành “phóng viên” của Viện tác nghiệp. Ngày 16/7/2021, ông Phan Xuân Bình, Phó viện trưởng ký Giấy giới thiệu của Viện này cử ông Nguyễn Thành Tâm, chức vụ: phóng viên đến UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở TN&MT Hà Tĩnh, UBND huyện Can Lộc để “liên hệ công tác, thu thập thông tin, tài liệu viết báo …”.

Chuyện gì đang xảy ra với tạp chí Doanh nhân và Pháp lý? ảnh 2

Giấy giới thiệu của Viện cử phóng viên tác nghiệp

Không chỉ dừng lại ở việc cử “phóng viên” của Viện đi tác nghiệp, đích thân ông Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Bùi Hồng Cường còn đích thân đi tác nghiệp báo chí. Cụ thể: Giấy giới thiệu ngày 25/2/2021 ghi rõ: cử TS Bùi Hồng Cường về làm việc với UBND xã Chi Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh để “Làm việc về một số bãi vật liệu xây dựng trái phép trên địa bàn”.

Chưa hết, ngày 5/7/ 2021, Bà Trần Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng quản lý (người đang dính nghi án lừa đảo xuất khẩu lao động) ký văn bản gửi Tổng Biên tập tạp chí Doanh nhân và Pháp lý “chỉ đạo”: “việc xin Giấy giới thiệu của phóng viên đi tác nghiệp do bà Trần Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch HĐQL Viện quản lý và tiếp nhận”.

Chuyện gì đang xảy ra với tạp chí Doanh nhân và Pháp lý? ảnh 3

Ông Chủ tịch Hội đồng biên tập đi địa phương tác nghiệp.

Thành lập các ban nội dung và trực tiếp quản lý tác nghiệp phóng viên

Để tham gia sâu hơn vào việc trực tiếp quản lý hoạt động tác nghiệp báo chí của tạp chí Doanh nhân và Pháp lý. Mặc dù, Tạp chí đã kiện toàn xong bộ máy, các ban chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động, ổn định về công tác chuyên môn (thực hiện và xuất bản các số tạp chí in, thực hiện nội dung tạp chí điện tử), ngày 2/4/2021, ông Viện trưởng Bùi Hồng Cường ký văn bản gửi ông Vũ Tuấn Anh, Tổng biên tập tạp chí Doanh nhân và Pháp lý thông báo việc Viện của ông đã họp và quyết định thành lập 3 Ban chuyên môn thuộc tạp chí Doanh nhân và Pháp lý, nhưng dưới sự quản lý trực tiếp của lãnh đạo Viện, cụ thể (1) Ban Chính trị và pháp lý; (2) Ban Môi trường và Xã hội; (3) Ban Đối ngoại và Đầu tư.

Đồng thời thông báo phụ trách 3 ban trên lần lượt là ông Phan Văn Hưng, ông Nguyễn Mạnh Hùng và bà Nguyễn Thị Tuyết. Dự kiến mỗi ban có 4-5 phóng viên.

Chưa bàn đến việc liệu các nhân sự được ông Viện trưởng bổ nhiệm kia về mặt chuyên môn cũng như đạo đức và các văn bằng chứng chỉ có đủ và đúng như các quy định của pháp luật hiện hành hay không, nhưng việc tự lập các ban chuyên môn, điều hành phóng viên tác nghiệp là trái với quy định của Luật Báo chí. Những việc làm của Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường, Hội đồng Biên tập, ông Viện trưởng Bùi Hồng Cường không chỉ đi ngược lại cam kết giữa Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường với Thời báo Doanh nhân (mà sau này là Doanh nhân và Pháp lý), mà còn trái với quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 của Điều 24 “Nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan báo chí” của Luật Báo chí năm 2016. Cụ thể người đứng đầu cơ quan báo chí có nhiệm vụ và quyền hạn:

(1)Chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản báo chí và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình. (2) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động của cơ quan báo chí. (3) Phê duyệt kết cấu nội dung ấn phẩm; kênh, chương trình phát thanh, truyền hình; báo, chuyên trang của báo điện tử. (4) Chỉ đạo thực hiện đúng tôn chỉ, Mục đích và các quy định ghi trong giấy phép. (5) Quản lý nhân sự, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà báo, phóng viên, nhân viên; quản lý tài sản, cơ sở vật chất của cơ quan báo chí.

Chuyện gì đang xảy ra với tạp chí Doanh nhân và Pháp lý? ảnh 4

Quyết định thành lập các ban chuyên môn

Giọt nước tràn ly

Mặc dù chấp hành các chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo Viện, với vai trò là cơ quan chủ quản của tạp chí Doanh nhân và Pháp lý, Ban Biên tập tạp chí, đứng đầu là ông Vũ Tuấn Anh, cũng không thể thực hiện hết các chỉ đạo vi phạm Luật Báo chí và các quy định của pháp luật hiện hành. Bởi vì, nói đến cùng thì Tổng biên tập vẫn là người phải chịu trách nhiệm cuối cùng trước các cơ quan chức năng và pháp luật về mọi hoạt động của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ nhân viên của một cơ quan báo chí.

Bất đồng giữa lãnh đạo Viện và Ban Biên tập tạp chí ngày càng lên cao. Theo phản ánh của những cán bộ, phóng viên, biên tập viên ký tên vào văn bản phản ánh gửi VietTimes thì lãnh đạo Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường, đứng đầu là ông TS Bùi Hồng Cường không chỉ dừng lại ở việc trực tiếp tham gia điều hành phóng viên tác nghiệp, gây rất nhiều khó khăn và cản trở hoạt động của tạp chí mà còn muốn “chiếm đoạt” tờ tạp chí.

Tôi cứ băn khoăn về điều này. Chẳng lẽ đến mức ấy chăng? Nhưng rồi những bước đi tiếp theo của Lãnh đạo Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường khiến cho những ai có lương tâm không thể không nghĩ tới điều đó.

Ngày 17/11/2021, ông Phan Xuân Bình, Phó viện trưởng thường trực Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường đã ký Quyết định tạm đình chỉ chức vụ và công việc Tổng biên tập tạp chí Doanh nhân và Pháp lý đối với ông Vũ Tuấn Anh trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày 17 tháng 11 năm 2021.

Cũng theo phản ánh của tập thể phóng viên, biên tập viên tạp chí Doanh nhân và Pháp lý khi xử lý kỷ luật bằng hình thức tạm đình chỉ chức vụ Tổng biên tập của ông Vũ Tuấn Anh, nhưng tập thể tạp chí mà đặc biệt là chính người bị xử lý kỷ luật cũng không hề được biết, được nghe, được dự cuộc họp của Hội đồng kỷ luật (nếu có) để nghe ai đó giải thích rõ: dựa trên cơ sở pháp lý nào, sai phạm của ông Vũ Tuấn Anh là gì mà Viện lại ra cái quyết định kỷ luật kia.

Việc tạm đình chỉ chức vụ Tổng bien tập của ông Vũ Tuấn Anh, yêu cầu giao pháp nhân cho Hội đồng biên tập như trên là trái với các quy định của pháp luật hiện hành.

Những phản ánh của tập thế tạp chí Doanh nhân và Pháp lý rất cần được Liên hiệp các Hội KH&KT, cơ quan cấp trên của Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường xem xét giải quyết khi sự việc còn trong tầm tay.

Lê Đức Anh Minh/VietTimes

Theo VietTimes

Ảnh: Măng sét Doanh nhân và Pháp lý

Xem bài viết gốc tại đây:

https://viettimes.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-tap-chi-doanh-nhan-va-phap-ly-post152281.html?fbclid=IwAR2b7g05MHvnCGQMeoi-hA2JI7YFokTiIP1asOEdkiqtX0xzf_XoQ8LJOBI