Bộ GTVT vừa gửi Chính phủ dự thảo kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới.
Theo đó, dự án đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau). Được khởi công xây dựng vào năm 2000, dự án đưa vào khai thác được 2.362/2.744 km đạt 86,1%, đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa được đầu tư. Để nối thông toàn tuyến, giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đã bố trí 11.791 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước để hoàn thành đoạn Tuyên Quang – Phú Thọ, Vinh – Bãi Vọt, Cam Lộ – La Sơn, Hòa Liên – Túy Loan, Chơn Thành – Đức Hòa…
Bộ GTVT cho biết đang kiến nghị bố trí vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19 cho các đoạn còn lại gồm Chợ Chu – ngã ba Trung Sơn, Cổ Tiết – Chợ Bến, Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận, với tổng số tiền trên 10.770 tỉ đồng.
Sau khi hoàn thành toàn tuyến, giai đoạn 2025-2030, Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục triển khai các đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc gồm: Đoạn đi trùng cao tốc Vinh – Thanh Thủy từ Rộ – Vinh dài 40 km; tuyến thuộc cao tốc Bắc – Nam phía tây như đoạn Phú Thọ – Chợ Bến dài 112 km và đoạn Ngọc Hồi – Gia Nghĩa – Chơn Thành dài 495 km.
Sau năm 2030, căn cứ vào nhu cầu vận tải, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng hoàn chỉnh một số đoạn tuyến theo tiêu chuẩn cao tốc gồm: Tuyên Quang – Phú Thọ, Cam Lộ (Quảng Bình) – Túy Loan (Đà Nẵng), Chơn Thành (Bình Phước) – Tân Thạnh (Long An), Tân Thạnh (Long An) – Rạch Sỏi (Kiên Giang). Với tổng chiều dài các dự án khoảng 480 km.
Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu hoàn thành đầu tư các đoạn còn lại (Chợ Bến – Thạch Quảng, Thạch Quảng – Tân Kỳ, Tân Kỳ – Rộ dài) theo tiêu chuẩn cao tốc, với tổng chiều dài khoảng 294 km.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Bộ GTVT đề nghị các địa phương, HĐND và đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh có đường Hồ Chí Minh đi qua đang chuẩn bị triển khai thi công tiếp tục quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện tốt công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời đưa các đoạn đường ngang thuộc địa phương quản lý vào danh mục các công trình ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 trong quy hoạch tỉnh.
Đường Hồ Chí Minh phát huy hiệu quả tại các tỉnh phía Nam Bộ GTVT cho rằng dự án đường Hồ Chí Minh có điểm nhấn là công trình cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống với kết cấu cầu dây văng hiện đại, kết hợp với các đoạn tuyến nối từ Đồng Tháp sang Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang đã hình thành trục giao thông trung tâm kết nối các tỉnh, thành trong khu vực tứ giác Long Xuyên. Đây là đoạn tuyến với nhiều công trình quy mô lớn được đưa vào khai thác đã phá vỡ ngăn cách về đường bộ, tạo nên tính kết nối, lan tỏa lớn, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Cùng với đó, việc đưa đoạn Năm Căn – Đất Mũi vào khai thác đã góp phần thay đổi đáng kể kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh Cà Mau, đặc biệt là góp phần thúc đẩy phát triển tiềm năng du lịch và an ninh quốc phòng cho vùng biển cực Nam của Tổ quốc. |
Viết Long – Báo PLO.VN
Theo PLO.VN
Ảnh: Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Nông đã được đưa vào sử dụng. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Xem bài viết gốc tại đây:
https://plo.vn/do-thi/se-nang-cap-nhieu-doan-duong-ho-chi-minh-thanh-tuyen-cao-toc-1028743.html