Đà Nẵng chi 2.000 tỷ ‘sửa sai’ dự án lấn cửa sông Hàn?

Cả hai dự án lấn sông Hàn được Đà Nẵng kêu gọi đầu tư hơn chục năm trước. Các chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Nếu thành phố muốn điều chỉnh, thu hồi phần lớn diện tích dự án thì phải bồi thường không dưới 2.000 tỷ đồng. Phương án được tính đến là chấp nhận xây cao ốc với mật độ phù hợp nhằm dung hòa lợi ích chung của người dân và chủ đầu tư.

Ưu tiên phát triển không gian công cộng

Dự án Bất động sản và Bến du thuyền cùng Dự án Bất động sản Olalani Riverside Tower trên sông Hàn (Đà Nẵng) đã vấp phải phản ứng của dư luận cách đây 2 năm. Nhiều ý kiến cho rằng, phần diện tích lấp đất đá, lấn từ bờ ra phía giữa sông Hàn sẽ dẫn đến thu hẹp lòng sông, ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy, thoát nước vào mùa mưa.

Ủy ban MTTQ thành phố Đà Nẵng đã tổ chức các hội nghị phản biện tìm phương án tối ưu nhất để đảm bảo quyền lợi cho thành phố, người dân và chủ đầu tư các dự án.

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, năm 2020, UBND thành phố điều chỉnh quy hoạch 2 dự án theo hướng mở rộng tuyến đường ven sông, tăng diện tích cây xanh, bổ sung bãi đỗ xe công cộng. Theo đó, sẽ phải loại bỏ các khối nhà cao tầng và giảm mật độ xây dựng đơn vị ở, giảm diện tích đất ở. Nếu vậy, thành phố sẽ phải bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để bồi thường cho các chủ đầu tư 2 dự án này.

Ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố – cho rằng cần phải cân nhắc lựa chọn phương án phù hợp. Theo đó, phải đảm bảo không phải bồi thường một khoản tiền quá lớn cho các nhà đầu tư trong khả năng ngân sách thành phố chưa thể phục hồi qua hai năm phòng chống đại dịch. Ngoài ra, cần giữ lại được không gian xanh phía sông để phục vụ cộng đồng và bố trí đường cảnh quan ven sông kết nối xuyên suốt.

Ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Đà Nẵng – nhận xét: “Nếu chỉ làm thấp tầng, nơi đây thành “khu đô thị ngủ”, không xứng tầm trong khi sông Hàn chính là “phòng khách” của Đà Nẵng.

Còn nếu xây dựng quá nhiều tháp cao tầng thì lại vượt ngưỡng chịu đựng của môi trường. Phương án hài hòa nhất cho tự nhiên – con người – kiến trúc là cho phép làm một số nhà cao tầng có kiến trúc thật đẹp. Chủ đầu tư nên tổ chức thi hoặc mời kiến trúc sư đẳng cấp thiết kế cho xứng tầm, có thể tạo hương hiệu cho thành phố.

Bài học từ dự án lấn sông

Đại diện hai chủ đầu tư dự án đều cho biết, doanh nghiệp đã quá vất vả, mệt mỏi khi phải nhiều lần điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời bày tỏ nguyện vọng chỉ phải thực hiện thêm một lần điều chỉnh quy hoạch cuối cùng để bắt tay vào xây dựng dự án.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, chủ đầu tư dự án Bất động sản – Bến du thuyền Đà Nẵng, cho biết: “Việc bỏ hết nhà cao tầng sẽ giảm giá trị dự án. Đà Nẵng sẽ phải mất khoản tiền lớn để bồi thường và doanh nghiệp không hề mong muốn điều đó. Chúng tôi đồng ý giảm nhà cao tầng và sẽ mời tư vấn nước ngoài để thiết kế khối cao tầng xứng tầm”.

Để giải bài toán lịch sử để lại, UBND thành phố Đà Năng xác lập 4 nguyên tắc trong quy hoạch đối với 2 dự án này: Ưu tiên không gian xanh phía bờ sông để phục vụ cộng đồng, bố trí đường cảnh quan ven sông kết nối xuyên suốt, tuân thủ điều chỉnh quy hoạch chung và phát huy tầm nhìn thoáng rộng từ phía bờ Tây sông Hàn.

GS.TS Trần Văn Nam – Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố – cho rằng: “Một trong những nội dung kết quả phản biện trước đây là nên ưu tiên dành không gian xanh phía sông cho công viên và phục vụ công cộng, bố trí đường cảnh quan ven sông kết nối xuyên suốt để người dân được hưởng thụ chung, với mức đề xuất là 20m ngang.

Tuy nhiên thành phố cần đền bù tương ứng gần 2 nghìn tỷ đồng. Nay chủ đầu tư đề xuất tăng vệt này từ 10m (cũ) thành 15m, nhỏ hơn đề xuất của hội nghị 5m và không cần đền bù, để hài hòa thì có thể chấp nhận được”.

“Số phận” của 2 dự án lấn sông Hàn vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Tiếng mong mỏi: “Các nhà lãnh đạo thành phố nên cẩn trọng hơn khi quyết định chấp thuận các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư ven sông ven biển, không nên bàn giao những tình huống khó xử “bỏ thì thương vương thì tội” như thế này cho các thế hệ lãnh đạo kế nhiệm.

Hà Nguyên – Báo GD&TĐ

Theo Giáo dục & Thời đại

Ảnh: Toàn cảnh khu dự án Bất động sản – Bến du thuyền Đà Nẵng.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/da-nang-chi-2000-ty-sua-sai-du-an-lan-cua-song-han-awaOf857g.html