Giai đoạn 2016 – 2020 đã có hàng nghìn mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, chuyển giao hàng nghìn lượt công nghệ và tiến bộ kỹ thuật phù hợp với từng vùng miền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025 được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 13/11/2021.
Theo báo cáo tại Hội nghị, giai đoạn 2016 – 2020, đã có 400 dự án (trong đó có 337 dự án Trung ương quản lý, 63 dự án ủy quền địa phương quản lý) được phê duyệt thực hiện trong khuôn khổ Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016 – 2025.
Các dự án theo chuỗi liên kết được ưu tiên lựa chọn, tạo hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân, trong đó xây dựng các mô hình liên kết giữa đơn vị sản xuất với người nông dân và với nhà phân phối thành chuỗi giá trị từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Tỷ lệ các dự án do doanh nghiệp chủ trì đạt 66,5%, cao hơn nhiều so với các giai đoạn trước đây (giai đoạn 2004 – 2010 là 26,2%; giai đoạn 2011-2015 là 44,5%), điều này thể hiện sự thay đổi về mặt tư duy trong việc đề xuất dự án từ địa phương: các doanh nghiệp được khuyến khích tham gia thực hiện dự án nhằm đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao và thu hút nguồn lực xã hội tham gia vào sản xuất.
Chương trình đã góp phần đào tạo được 1.800 học viên về phương pháp xác định nội dung dự án triển khai; phương thức tổ chức quản lý, điều hành thực hiện dự án…; tập huấn cho 1.650 học viên về các quy định về tài chính, kế toán, hướng dẫn công tác quản lý và tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện dự án; đào tạo được 3.520 kỹ thuật viên và tập huấn cho hơn 78.000 người dân về công nghệ chuyển giao cho các dự án.
Với những kết quả đã đạt được, chương trình đã mang liệu hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường. Về hiệu quả môi trường, các dự án đã tận dụng được các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất thành sản phẩm có giá trị sử dụng và trở thành hàng hóa bán ra thị trường. Qua đó, không chỉ doanh nghiệp sản xuất mà cả người dân sẽ có ý thức tận dụng, thu gom để cấp cho dự án, vừa có tác dụng tăng thu nhập, vừa góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường trong nông thôn.
Bên cạnh đó, các dự án sản xuất gạch không nung đã góp phần phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Các dự án sản xuất rau, quả, chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn theo VietGap, an toàn hữu cơ không chỉ giúp tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn giúp giảm thiểu một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, các chất hóa học ra môi trường, giảm phát thải từ sản xuất ra môi trường. Ngoài ra, các dự án xử lý nước, cấp nước sạch, tưới tiết kiệm nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước cho những khu vực khí hậu khô hạn…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết, Chương trình nông thôn miền núi đã tạo được điểm sáng về ứng dụng KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội thiết thực cho vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả của Chương trình được duy trì và phát huy nhân rộng góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn cũng như thực hiện chương trình phát triển kinh tế – xã hội bền vững của địa phương. Hiệu quả của Chương trình đã được các cấp chính quyền và người dân đánh giá cao, nhân rộng trong thực tiễn.
Tú Anh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang chủ trì hội nghị