Nhiều hộ dân ở ấp Trại Cá, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang rất bức xúc trước tình trạng 2 cơ sở sơ chế vỏ hải sản bốc mùi hôi thối và bơm nước thải xuống sông làm ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất. Dù sự việc kèo dài nhưng chủ cơ sở vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để.
Theo người dân ấp Trại Cá, xã Tăng Hòa, trong nhiều năm qua, 2 cơ sở sơ chế vỏ ghẹ, vỏ tôm Thuận Kiều và Chi nhánh công ty TNHHMTV Chế biến Tôm sấy Phan Thị Nghĩa thường xuyên bốc ra mùi hôi tanh rất khó chịu.
Được biết, các cơ sở sản xuất trên thu mua đầu, vỏ tôm chết của một số doanh nghiệp chế biến thủy sản để sản xuất chitin (hay còn gọi kitin), và chế biến thức ăn chăn nuôi nên thải ra mùi hôi đặc thù. Theo phản ánh của người dân thì thỉnh thoảng cơ sở này có bơm nước thải ra ngoài sông Cửa Tiểu gây ảnh hưởng đến mô hình nuôi tôm biển của người dân lân cận.
Một người dân ở ấp Trại Cá bức xúc: “Mùi hôi cũng ở hơn 10 năm rồi, ngày hay đêm cũng hôi hết, mùi tanh từ mùi ruốc, cá. Còn thuốc chảy xuống sông hoài nuôi tôm không được luôn, nước ròng không lấy được, chỉ lấy nước lớn thôi. Mình đâu biết sao, chỉ nhờ chính quyền coi khắc phục cho dân thôi”.
Theo UBND xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, cơ sở sơ chế vỏ ghẹ, vỏ tôm Thuận Kiều hoạt động từ lâu, còn Chi nhánh công ty TNHHMTV Chế biến Tôm sấy Phan Thị Nghĩa thì mới hoạt động từ đầu năm 2021. Do đặc thù nghề sơ chế vỏ hải sản nên bốc ra mùi hôi và lan tỏa xa. Nhất là vào ban đêm, người dân rất ngột ngạt do không khí có mùi đặc trưng này, ít nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ và lâu dài có hại sức khỏe.
Ao chứa nước thải từ cơ sở sơ chế vỏ ghẹ Thuận Kiều thường xuyên bốc ra mùi hôi nồng nặc.
Ông Nguyễn Thế Hợp, Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông xác nhận thời gian qua có phản ánh của người dân và UBND xã đã đứng ra “hòa giải”. Còn vấn đề mùi hôi bốc ra hiện nay xã ghi nhận nhưng hậu quả ra sao và biện pháp xử lý là trách nhiệm của cơ quan chức năng cấp huyện và tỉnh.
“Đối với hoạt động của 2 cơ sở này chỉ riêng vấn đề phơi vỏ ghẹ, gốc độ chính quyền địa phương cũng thấy có mùi hôi mà chưa xác định mùi hôi đó độc hại cỡ nào. Qua tiếp xúc các kỳ họp cử tri, người dân phản ánh, UBND xã có thành lập Tổ lên đó xem xét thế nào. Về gốc độ môi trường hiện nay cấp xã không định vị như thế nào, nhờ cấp trên thôi, chỉ có cấp phòng, cấp tỉnh mới kiểm tra được”- Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa nói.
Một số ao nuôi tôm phải “đối phó” với nguồn nước đen bơm ra từ cơ sở sơ chế hải sản.
Trao đổi với PV VOV, một lãnh đạo Sở Tài Nguyên- Môi trường tỉnh Tiền Giang cho biết, đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Gò Công Đông thường xuyên tổ chức kiểm tra và yêu cầu 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh này thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường, trả lại bầu không khí trong lành của vùng quê này.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
Theo VOV.VN
Ảnh: Hai cơ sở sản xuất thải ra mùi hôi ảnh hưởng đến cuộc sống ở khu dân cư
Xem bài viết gốc tại đây: