Khi số ca nhiễm nCoV tăng lên tại các địa phương có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp, chuyên gia cho rằng những biện pháp phòng dịch cổ điển sẽ phần nào giúp đảm bảo an toàn.
Sau khi cơ bản kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 tại những điểm nóng như TP.HCM hay Bình Dương, Việt Nam tiếp tục đối mặt với sự tăng lên của các trường hợp nhiễm nCoV ở nhiều địa phương khác trên cả nước.
Nguyên nhân của tình trạng này được một số chuyên gia nhận định là từ chính sách nới lỏng, tạo điều kiện cho người dân di chuyển giữa các địa phương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 còn thấp, các tỉnh, thành phố sẽ cần tích cực thực hiện những biện pháp phòng dịch cổ điển để hạn chế ảnh hưởng của SARS-CoV-2.
Tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội
Tính đến hết ngày 10/11, huyện Yên Thế (Bắc Giang) được đánh giá ở cấp độ 3 (màu cam – nguy cơ cao) với dịch Covid-19. Địa phương này có tới 8 xã cấp độ 2 (màu vàng – nguy cơ trung bình), 3 xã cấp độ 3 và điển hình là thị trấn Bố Hạ đang ở cấp độ 4 (màu đỏ – nguy cơ rất cao).
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn, ngày 6/11 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định số 2440 về việc thiết lập vùng cách ly, phong tỏa toàn bộ huyện Yên Thế.
Tại thị trấn Phồn Xương trong ngày đầu thực hiện cách ly, phong tỏa, phần lớn người dân đã chấp hành nghiêm các quy định của địa phương. Hơn 300 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu trên địa bàn đã đóng cửa.
Chợ phiên của thị trấn đã tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Người dân hạn chế việc ra khỏi nhà khi không có việc thực sự cần thiết.
Để kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra vào địa bàn trong thời gian cách ly, phong tỏa, huyện Yên Thế cũng đã thành lập 15 chốt kiểm soát tại một số trục đường chính và các xã, thị trấn.
Sau 4 ngày, tình hình dịch trên địa bàn huyện dù còn phức tạp nhưng đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan. Cụ thể, UBND huyện đánh giá số lượng F0 vẫn tiếp tục tăng nhưng chủ yếu phát sinh trong khu cách ly tập trung hoặc vùng phong tỏa.
Theo thống kê của Sở Y tế Bắc Giang đến 17 ngày 11/11, tỉnh ghi nhận thêm 26 người nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số F0 trên địa bàn từ ngày 26/10 đến nay lên 487 người. Trong đó, chùm lây nhiễm liên quan huyện Yên Thế tiếp tục có thêm 14 trường hợp dương tính với nCoV.
Bắc Giang cũng đã thực hiện tổng cộng 1.483.295 mũi tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19 cho người dân sống trên địa bàn tỉnh, đạt tỷ lệ 89,04% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một mũi.
Một địa phương khác cũng có diễn biến dịch phức tạp là Cần Thơ. UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành Công văn số 5709 về việc cập nhật đánh giá cấp độ dịch và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn hôm 8/11.
Theo đó, từ 0h ngày 11/11, Cần Thơ sẽ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với cấp độ 3. Ở cấp quận/huyện, thành phố có 5 khu vực ở cấp 2 và 4 vùng thuộc cấp 3. Với cấp xã/phường, Cần Thơ có tới 8 địa phương thuộc cấp 4, 14 nơi ở cấp 3.
Báo cáo nhanh của sở y tế tính tới 17h ngày 11/11 cho thấy trong vòng 24 giờ qua, thành phố ghi nhận thêm 288 ca nhiễm nCoV mới. Trong đó, số ca cộng đồng lên tới 177 trường hợp.
Đến nay, Cần Thơ đã tiêm được tổng cộng 1.246.542 liều vaccine Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Qua đó, tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm một mũi vaccine là 95,5% và 2 mũi là 36%.
Biện pháp khi số ca nhiễm tăng trở lại
Từ ngày 11/10, Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch bệnh Covid-19” đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời khôi phục kinh tế – xã hội, các tỉnh, thành phố sẽ không còn áp dụng giãn cách xã hội gây ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và đời sống.
Tuy nhiên, nghị quyết này cũng chỉ rõ trong trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, thành phố cao hơn, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải báo cáo Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ. Xét theo đó, đây chính là trường hợp của huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Lực lượng chức năng tháo dỡ một chốt kiểm soát dịch tại TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.
Ngoài ra, dựa trên mỗi cấp độ dịch, Nghị quyết 128 cũng đã quy định chi tiết các biện pháp về hoạt động đi lại, sản xuất, kinh doanh liên quan tới tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và từng cá nhân.
Theo đó, sau khi xác định được cấp độ dịch, các địa phương sẽ áp dụng những biện pháp phòng, chống tương ứng để đảm bảo an toàn nhưng tránh làm ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh, đi lại, sinh hoạt của người dân.
Ở góc độ y tế, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết biến chủng Delta dễ lây nhiễm cộng thêm sự biến động của người dân giữa các địa phương có dịch khiến tình hình dịch Covid-19 phức tạp hơn trong thời gian qua.
Do tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố còn chưa cao, ông Dũng nhận định các biện pháp phòng dịch cổ điển vẫn sẽ có hiệu quả và phần nào giảm được nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
“Trong thời gian tới, tôi nghĩ các địa phương có thể thực hiện những biện pháp phòng dịch cổ điển như hạn chế tiếp xúc, đi lại, thậm chí phong tỏa, giãn cách nếu cần thiết để hạn chế sự lây lan virus. Song song đó, các tỉnh, thành phố cần quyết liệt tổ chức tiêm vaccine Covid-19, nhất là cho người cao tuổi để sớm khống chế dịch”, vị chuyên gia nêu giải pháp.
Đồng ý với quan điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cũng cho rằng khi số ca nhiễm tăng cao, các địa phương sẽ cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch từng làm như xét nghiệm, truy vết, cách ly, khoanh vùng, phong tỏa, từ đó tránh để ổ dịch bùng phát rộng.
Ông Phu cũng nhấn mạnh bên cạnh chính quyền, bản thân người dân trong bối cảnh hiện nay vẫn phải đảm bảo tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
“Nếu lơ là, chủ quan, dịch hoàn toàn có thể bùng phát nghiêm trọng”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khẳng định.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng các địa phương này nên cố gắng bao phủ vaccine cho người dân. Tỉnh nhiều vaccine có thể san sẻ cho địa phương thiếu.
Ông Nga nói thêm: “Trong bối cảnh gấp rút, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, số ca nhiễm lại tăng nhanh, các địa phương nên tính tới phương án cho người nhiễm nCoV không có triệu chứng cách ly tại nhà, tăng cường chăm sóc sức khỏe của họ thông qua túi thuốc điều trị F0, bố trí đội lưu động ở từng khu vực”.
Với các ca nhiễm diễn biến nặng, vị chuyên gia này cho rằng địa phương nên bổ sung bệnh viện khi cần thiết, thậm chí kêu gọi thêm y bác sĩ có kinh nghiệm từ tuyến trên.
“Đây đều là những kinh nghiệm chúng ta đã có từ đợt dịch vừa qua. Hiện nay, các tỉnh, thành phố đều có nhiều kinh nghiệm hơn nên sẽ không gặp quá nhiều khó khăn. Đặc biệt, khu vực nào có tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao nên cho người dân cách ly tại nhà vì khả năng diễn biến nặng rất thấp”, PGS Nga nói.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng nhận định ở thời điểm hiện tại, việc phong tỏa của các địa phương có số ca nhiễm tăng cao nên giới hạn trong từng gia đình, cụm nhỏ.
Ông giải thích: “Chúng ta đều biết rằng SARS-CoV-2 lây từ người sang người ở khoảng cách dưới 2 m, cùng với hiệu quả của vaccine cũng như đặc tính thưa người ở cùng nông thôn, việc phong tỏa quá rộng là không cần thiết”.
Tính đến hết ngày 10/11, Việt Nam đã tiêm được tổng cộng 95.575.407 liều vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Trong đó, số lượng mũi một được tiêm là 63.502.556. Con số này với mũi 2 là 32.072.851.
Quốc Toàn – Tạp chí Zing News
Theo Zing News
Ảnh: Chốt kiểm soát dịch tại thị trấn Phồn Xương (huyện Yên Thế, Bắc Giang) lúc 7h ngày đầu thực hiện cách ly, phong tỏa. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Yên Thế.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://zingnews.vn/co-can-gian-cach-xa-hoi-khi-so-ca-mac-covid-19-tang-post1276643.html