(Phapluatmoitruong.vn) – Sắc vàng rực của dã quỳ tại khu vực núi lửa Chư Đăng Ya cùng làn nước trong xanh của Biển Hồ đã cuốn hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước.
Điểm du lịch hấp dẫn
Chư Đăng Ya, theo tiếng người Jrai, một dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, là “củ gừng dại”. Nó được hình thành từ hàng triệu năm trước từ hoạt động núi lửa. Ngày nay, tại khu vực xung quanh núi lửa Chư Đăng Ya, người dân canh tác cà phê, trồng mì, cây dong riềng, trồng lúa…, nhưng những rặng cây cúc quỳ vẫn được giữ lại. Màu vàng của hoa, kết hợp với nhiều mảng màu của cây nông nghiệp tạo thành một sức quyến rũ đến lạ thường.
Dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp, nên trong hai năm qua, lễ hội hoa dã quỳ của tỉnh Gia Lai phải tạm ngưng. Nhưng hàng năm, cứ đến cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi hoa dã quỳ nở rộ, du khách khắp nơi lại đổ về đây.
Mỗi ngày, từ 7 giờ sáng đến 18 giờ chiều, khu vực núi lửa Chư Đăng Ya thu hút khoảng 500 lượt khách. Nhiều người không quản ngại xa xôi, dẫn cả vợ con và gia đình nội ngoại đi ngắm hoa, thưởng thức ẩm thực.
Chị Hoàng Thảo Nguyên (22 tuổi, ở thành phố Pleiku) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến núi lửa Chư Đăng Ya. Ở đây thật đẹp, màu vàng của hoa, hòa quyện với nắng chiều, thêm chút gió tạo ra một cảm giác thật sảng khoái. Chắc chắn tôi sẽ giới thiệu với bạn bè tôi về cảnh đẹp nơi đây”.
Vượt hàng chục cây số, anh Đỗ Văn Bình cũng chở vợ con lên Chư Đăng Ya ngắm hoa, chụp ảnh trong chiều vàng. Mỗi bức ảnh, thành viên gia đình đều có cảm xúc riêng, nhưng chung nhất vẫn là khen ngợi vẻ đẹp nơi đây. Anh nói: “Tôi ở Gia Lai cũng nhiều năm, nhưng năm nay mới tranh thủ đưa vợ con đi chơi được. Phong cảnh ở đây rất đẹp, nếu địa phương có giải pháp về du lịch tốt thì sẽ phát triển kinh tế và người dân cả nước có một điểm đến hấp dẫn mang màu sắc của núi rừng Tây Nguyên”.
Quyết tâm thu hút đầu tư
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Gia Lai, khu vực Chư Đăng Ya – Biển Hồ đã được quy hoạch thành khu vực du lịch có diện tích 5.191 ha. Để hoàn thành dự án này, tổng vốn kêu gọi đầu tư trong và nước ngoài khoảng 1,5 tỷ đô la. Mục tiêu của tỉnh là xây dựng Khu du lịch Chư Đăng Ya – Biển Hồ trở thành Khu du lịch quốc gia, tạo động lực thu hút khách du lịch và thúc đẩy du lịch Gia Lai, góp phần phát triển du lịch vùng Tây nguyên và Việt Nam; tạo điểm nhấn trên các tuyến du lịch quan trọng của quốc gia và khu vực.
Các nhóm du khách đổ về tham quan, ngắm cảnh và vui chơi ở khu vực núi lửa.
Theo ông Nay Kiên – Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai: “Du lịch khu vực Chư Đăng Ya – Biển Hồ đã được du khách ghi nhận từ nhiều năm qua. Mỗi năm, khu vực này đón hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan và vui chơi. Đây là khu vực có tiềm năng du lịch cực kỳ lớn của huyện cũng như của tỉnh Gia Lai. Nếu được đầu tư bài bản, Chư Đăng Ya – Biển Hồ sẽ trở thành điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ”.
Được biết, tại Chư Đăng Ya – Biển Hồ còn đang tồn tại nhà thờ đá cổ trên 100 năm tuổi, những cánh đồng lúa bậc thang cùng các phong tục văn hóa, ẩm thực độc đáo của người bản địa.
Đánh giá dự án này, ông Lê Tiến Anh – Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai, thông tin: “Khu du lịch Chư Đăng Ya – Biển Hồ sẽ trở thành dự án hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tiềm năng. Vì nó nằm trong trung tâm của khu tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia. Hạ tầng giao thông được kết nối tương đối hoàn chỉnh. Dự án được địa phương tạo điều kiện khai thác đa sản phẩm về du lịch cùng hàng loạt chính sách khác”.
Hiện Gia Lai đang nhắm đến các nhà đầu tư ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu. Dự án cho phép khai thác các chủng loại sản phẩm du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí tổng hợp, văn hóa, tâm linh kết hợp các hoạt động cộng đồng, trải nghiệm khám phá thiên nhiên, văn hóa địa phương.
Vũ Đình Năm
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Chị Hoàng Thảo Nguyên cùng những đứa trẻ bán vòng hoa ở núi lửa Chư Đăng Ya.