Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là dự án đường sắt đô thị đầu tiên, dự án thí điểm và kéo dài nên sẽ không lường trước được những phát sinh.
Sau 10 năm khởi công, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước đã hoàn thành và sẽ đưa vào khai thác thương mại từ 7 giờ sáng ngày 6/11. Phía Bộ Giao thông Vận tải thẳng thắn nhìn nhận những bài học rút ra tại dự án này để làm kinh nghiệm cho việc triển khai các dự án sau.
Chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai
Trả lời tại buổi họp báo cung cấp thông tin, kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vào chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận dự án chậm trễ do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Là dự án đường sắt đô thị đầu tiên, dự án thí điểm và kéo dài nên sẽ không lường trước được những phát sinh.
“Tiêu chuẩn của Việt Nam về đường sắt đô thị về cơ bản chúng ta chưa có, Bộ Giao thông Vận tải mới ban hành một số tiêu chuẩn về quản lý khai thác, còn thiếu tiêu chuẩn về thiết kế, đặc biệt liên quan đến thiết bị,” Thứ trưởng Đông chia sẻ.
Cũng theo ông Đông, do hệ thống quy định pháp luật của nước ta với các dự án theo hợp đồng trọn gói (EPC) chưa có, chưa đồng bộ. Vì thế, trong quá trình thực hiện phải tiếp cận và cập nhật thêm. Đây là bài học rút ra để sau này thực hiện các dự án tương tự sẽ đồng bộ, nhanh và rút ngắn thời gian hoàn thành.
“Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là dự án thí điểm, chưa có nhiều kinh nghiệm, do chưa chuẩn bị tốt nên khi thực hiện phải bổ sung dự án, trình cấp có thẩm quyền, làm kéo dài thời gian. Đây là một trong những lý do làm dự án bị đội vốn so với thời điểm ban đầu,” ông Đông nói.
Đánh giá công tác giải phóng mặt bằng bị chậm trễ ảnh hưởng lớn đến tiến độ, theo Thứ trưởng Đông, thời gian thi công, chế tạo, lắp ráp thiết bị chỉ 3 năm là xong, nhưng không có mặt bằng nên không thể triển khai. Với vai trò là chủ đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm cùng với Hà Nội trong vấn đề này.
“Bài học rút ra sau dự án này là kinh nghiệm cho việc triển khai các dự án sau, đó là cần sự chuẩn bị đầu tư đồng bộ, thật tốt ngay từ đầu, trước khi đầu tư. Đối với dự án phức tạp, giải phóng mặt bằng phải được tách biệt thành dự án riêng. Đây cũng là vấn đề đang được Chính phủ, Quốc hội xem xét,” Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết không chỉ những công trình giao thông mà những công trình khác, trong suốt quá trình thực hiện cơ chế chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư, bồi thường đều vô cùng phức tạp.
Theo ông Tuấn, đường sắt Cát Linh-Hà Đông là công trình xuyên tâm, đi từ trung tâm nội đô tới ngoài vành đai, lại là tuyến đi nổi nên việc chậm trễ giải phóng mặt bằng liên quan tới rất nhiều vấn đề. Thành phố và các quận đã rất cố gắng, dự án chậm 5-6 năm thì riêng giải phóng mặt bằng (Hà Nội chịu trách nhiệm) cũng mất tới 3 năm. Dự án sẽ là bài học rất lớn cho các dự án tiếp theo.
Nói về trách nhiệm để tiến độ dự án chậm nhiều năm, Thứ trưởng Đông cho hay chủ đầu tư đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư chịu trách nhiệm chung khi dự án chậm trễ. Bộ Giao thông Vận tải sẽ mổ xẻ để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng phần việc và xử lý theo quy định của pháp luật.
Khởi đầu cho loại hình vận tải công cộng mới
Về phương tiện kết nối, theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội), trên dọc hành lang đường sắt Cát Linh-Hà Đông có 55 tuyến buýt có trợ giá kết nối ngang và dọc, đã được phê duyệt từ năm 2020 đồng thời di dời các điểm tiếp cận xe buýt gần nhà ga của tuyến đường sắt.
Nhà ga ít nhất có 7 tuyến xe buýt. Riêng ga Cát Linh, Yên Nghĩa kết nối 16 tuyến. Tại các nhà ga đã bố trí điểm gửi xe máy, xe đạp.
Về giá vé, ông Trường khẳng định có 3 điểm mới so với vận tải bằng xe buýt.
Thứ nhất, khách đi dài trả tiền nhiều, đi ít trả tiền ít, không tính đồng hạng. Thứ hai, đối với vé tháng được tính 30 ngày kể từ ngày mua chứ không tính theo mốc cuối tháng. Thứ ba, phát hành cả vé ngày để khuyến khích người dân trong giai đoạn đầu, kết nối du lịch trong lâu dài.
Giá vé được xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng và được thành phố phê duyệt. Theo đó, giá vé chặng là 8.000-15.000 đồng, giá mở cửa 7.000 đồng, cứ đi 1km cộng thêm 600 đồng; giá vé ngày là 30.000 đồng. Giá vé tháng phổ thông 200.000 đồng/người, với đối tượng ưu tiên là 100.000 đồng/tháng.
“Trên thế giới, khai thác đường sắt đô thị chỉ có Nhật Bản và Hongkong là thu đủ bù chi. Giá vé tuyến Cát Linh-Hà Đông đã bao gồm khoản trợ giá, phí mua bảo hiểm hành khách. Bắt đầu từ ngày 6/11, hành khách đầu tiên đi tàu thì hợp đồng bảo hiểm sẽ được kích hoạt ngay. Nếu xảy ra tình huống mất an toàn trong quá trình đi tàu, hành khách sẽ được chi trả bảo hiểm,” ông Trường thông tin thêm.
Nhấn mạnh trong quá trình khai thác, việc đảm bảo an toàn là yếu tố quan trọng nhất và sẽ được đơn vị khai thác (Metro Hà Nội) lưu ý, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Dương Đức Tuấn, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông hoạt động sẽ giúp tăng tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng, cùng 9 tuyến đường sắt đô thị khác đang xây dựng, tạo ra mạng lưới giao thông quan trọng góp phần giảm ùn tắc nội đô./.
Khi đi vào khai thác thương mại, sáu tháng đầu, Metro Hà Nội sẽ chạy 6 đoàn tàu, trong đó 15 ngày đầu 3 đoàn tàu chạy không ngừng nghỉ. Trong 6 tháng sau, đơn vị vận hành sẽ chạy 9 đoàn tàu, giãn cách giữa 2 chuyến là 6 phút.
Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga, với sức chở tối đa là 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường, tàu được khai thác 10 phút/chuyến, lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu lượt khách/ngày.
Việt Hùng (Vietnam+)
Theo VietnamPlus
Ảnh: Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ được khai thác thương mại từ 7 giờ ngày 6/11 tới. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Xem bài viết gốc tại đây: