Thời gian qua, người dân ở thôn Mậu Lâm Bắc, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa (Phú Yên) luôn bức xúc khi đời sống thường nhật của họ bị tác động xấu bởi tình trạng ô nhiễm môi trường do mùi hôi, bụi thải và khí thải từ hoạt động chế biến hạt điều tại Công ty TNHH Quang Sơn và Công ty TNHH Đại Hưng Phát.
Do không chịu nổi nên người dân phản ứng gay gắt, gửi đơn phản ánh đến nhiều cơ quan chức năng ở Phú Yên và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, giữa tháng 6/2008, UBND tỉnh Phú Yên có văn bản cho phép Công ty Quang Sơn đầu tư dự án cơ sở chế biến hạt điều xuất khẩu. Sau 2 lần điều chỉnh vào năm 2009 và 2015, tổng diện tích cơ sở sản xuất của doanh nghiệp này mở rộng 37.864m2, với công suất mỗi năm 3.000 tấn sản phẩm.
Còn với Công ty Đại Hưng Phát, được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận đầu tư dự án cơ sở chế biến hạt điều cuối tháng 12/2013, đến tháng 7/2016 dự án được phép mở rộng lên 16.830m2, với công suất mỗi năm 3.000 tấn sản phẩm. Ngoài khu hành chính, tại Công ty Quang Sơn và Công ty Đại Hưng Phát còn có khu sản xuất với các hạng mục: lò đốt nguyên liệu, phân xưởng bóc tách vỏ điều thô, bóc vỏ lụa, phân loại, sấy khô, kho sản phẩm…
Sau nhiều năm hoạt động sản xuất, cơ sở chế biến hạt điều của hai doanh nghiệp không chỉ gây ô nhiễm môi trường khu dân cư thôn Mậu Lâm Bắc mà còn ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của Trường tiểu học Hòa Quang Bắc ở kế bên. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý, UBND huyện Phú Hòa và Công ty Long Sơn, Công ty Đại Hưng Phát cũng đã đối thoại, cam kết với người dân… thế nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây vẫn tái diễn.
Từ sự phản ứng gay gắt của người dân, mới đây Sở TN&MT tỉnh Phú Yên vào cuộc thanh tra và đã chỉ ra hàng loạt sai phạm. Kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm, phân tích khí thải, nước thải từ chế biến hạt điều tại Công ty Quang Sơn và Công ty Đại Hưng Phát đều cho thấy có nhiều thông số vượt chuẩn kỹ thuật. Ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN&MT Phú Yên cho biết, nhiều công đoạn chế biến hạt điều tại hai doanh nghiệp nêu trên làm phát sinh mùi đặc trưng và chất thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường, trong đó có chất thải chứa thành phần nguy hại.
Đáng lưu ý là theo giấy chứng nhận đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên cấp cho Công ty Quang Sơn ngày 21/9/2015, doanh nghiệp chỉ được sử dụng củi tại các lò đốt trong quy trình chế biến hạt điều.
Thế nhưng không hiểu vì sao trong giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường do UBND huyện Phú Hòa cấp ngày 29/3/2021 lại cho phép doanh nghiệp này sử dụng vỏ hạt điều chưa ép dầu để đốt lò dẫn đến tình trạng xả khí thải, nước thải sản xuất có mùi gắt; hệ thống xử lý nước thải xây lắp tại cơ sở này không đúng quy định, thiếu khâu xử lý bể tách dầu, sục khí oxy; không có hệ thống thu gom nước thải riêng biệt; không phân loại và xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại theo quy định mà tích trữ cặn dầu điều, vỏ hạt điều, bao bì, tro bụi, dầu mỡ thải từ thiết bị sản xuất… tại nơi không có mái che; không ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom chất thải rắn, chất thải nguy hại, đến khi bị phát hiện thì sử dụng đất đá chôn lấp; để nguồn nước thải sinh hoạt chảy ra khu đất sản xuất của người dân…
Đối với Công ty Đại Hưng Phát chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường sau khi được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư. Đến khi mở rộng diện tích để xây dựng thêm một số hạng mục, doanh nghiệp không có chương trình giám sát môi trường nước thải, khí thải, thế nhưng UBND huyện Phú Hòa vẫn hai lần cấp giấy xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường cho Công ty Đại Hưng Phát vào ngày 21/1/2014 và 5/9/2016 là trái với quy định pháp luật. Doanh nghiệp này tự ý sử dụng vỏ hạt điều chưa ép dầu để đốt lò trong quy trình sản xuất; xây lắp đường ống xả nước thải ra môi trường nhưng không qua xử lý; xả thải gây ô nhiễm tại 4 hầm bi; xả khí thải tại ống khói lò đốt có hai thông số vượt chuẩn kỹ thuật…
Ngoài việc chỉ ra nhiều hành vi vi phạm, Sở TN&MT Phú Yên yêu cầu Công ty Quang Sơn, Công ty Đại Hưng Phát chấm dứt vi phạm và khẩn trương xây lắp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải, khí thải, mùi hôi… trước ngày 31/12/2021. Bên cạnh đó, Sở TN&MT còn kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo UBND huyện Phú Hòa kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường cho Công ty Quang Sơn, Công ty Đại Hưng Phát không đúng quy định, để cho hai doanh nghiệp sử dụng vỏ hạt điều đốt lò trong quy trình sản xuất là trái pháp luật bảo vệ môi trường mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời…
Được biết Sở TN&MT đang lập thủ tục đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Quang Sơn và Công ty Đại Hưng Phát theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề người dân còn băn khoăn là sau cuộc thanh tra lần này, tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất của hai doanh nghiệp nêu trên có chấm dứt hay không cần phải được cơ quan chức năng ráo riết kiểm tra kết quả khắc phục sai phạm trong thời hạn quy định.
Hữu Toàn – Báo CAND
Theo Công An Nhân Dân
Ảnh: Phía sau tường cao cổng kín của Công ty TNHH Đại Hưng Phát là nhiều vi phạm về bảo vệ môi trường.
Xem bài viết gốc tại đây: